Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Xem xét gỡ hàng loạt vướng mắc cho dự án giao thông
Nguyễn Lê - 26/09/2023 17:28
 
Chính phủ đề xuất một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
.
Phiên họp chiều ngày 26/9 của ủy ban Kinh tế.

Tiếp tục phiên họp toàn thể thứ 13, chiều ngày 26/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết Dự thảo Nghị quyết được xây dựng gồm 5 nhóm chinh sách.

Trong đó, nhóm chính sách đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng trong thời gian 5 năm gồm: về tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án PPP, về việc giao thẩm quyền cho địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương; về giao cho một địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ vốn cho địa phương khác";về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Nhóm chính sách trình Quốc hội cho áp dụng 1 lần là cơ chế chính sách đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn vốn tăng thu ngân sách Trung ương (NSTW)  năm 2022, gồm bố trí nguồn tăng thu NSTW năm 2022 cho 6 dự án khởi công mới; bố trí nguồn tăng thu NSTW năm 2022 để điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư cho 5 dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; giao kế hoạch từ nguồn tăng thu NSTW năm 2022 cho 30 dự án và 1 nhiệm vụ và cho phép giải ngân trong 3 năm từ năm 2023 - 2025; bố trí vốn tăng thu NSTW năm 2022 để thanh toán chi phí GPMB phát sinh sau khi dự án đã quyết toán.

Đối với Danh mục dự án thí điểm, để đảm bảo tính khả thi của Nghị quyết và tăng hiệu quả của chính sách thí điểm, cho phép Bộ Kế hoạch và Đầu tư được tiếp tục cập nhật, điều chỉnh, hoàn thiện danh mục các dự án theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương đến trước thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm, Thứ trưởng báo cáo.

Gợi ý thảo luận về các nội dung cụ thể, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn nêu rõ, theo quy định tại khoản 2 Điều 69 của Luật Đầu tư theo phương thức PPP, thì “Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP theo quy định không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án”. Tuy nhiên, Chính phủ đề xuất “Đối với các dự án giao thông đường bộ, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng măt bằng, hỗ trợ, tái định cư” đã hợp lý chưa?

Theo ý kiến của một số đại đại biểu thì đề xuất này là hợp lý, bởi nếu không điều chỉnh sẽ khó hấp dẫn các nhà đầu tư, khó huy động vốn.

Quy định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư là phù hợp. Như thế thì mới khả thi và thu hút được nguồn lực xã hội, trách nhiệm đền bù giải phóng mặt bằng nhà nước nên làm hết, còn chia sẻ hết thì khó, đại biểu Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ủy ban Kinh tế phát biểu.

Liên quan đến danh mục các dự án đề nghị thí điểm về giao thẩm quyền cho địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho hay có 35 dự án. Trong đó có 10 dự án đáp ứng nguyên tắc thí điểm, 25 dự án chưa đáp ứng nguyên tắc thí điểm do một số dự án đã được cấp có thẩm quyền phân cấp, đang triển khai thực hiện; dự án khởi công trong giai đoạn 2026-2030, dự án chưa rõ nguồn vốn bố trí để thực hiện dự án.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phân tích, nội dung này đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhưng, nếu đề xuất đến 35 dự án của 35 địa phương thì “trăm hoa đua nở”, trong  khi nội dung thí điểm khác với quy định của nhiều luật hiện hành, bà Thơ nhận xét và cho rằng nên cân nhắc việc mở rộng đến 35 dự án.

Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh nhìn nhận, việc ban hành Nghị quyết rất cần thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 5 nghìn km cao tốc, cũng như thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Về Danh mục dự án, bà Thanh cho rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thận trọng, khoa học, kỹ càng khi xây dựng; trước khi lập danh mục đã xác định 4 nguyên tắc để lựa chọn đưa các dự án vào danh mục. Tuy nhiên, qua rà soát 110 dự án được Chính phủ đề xuất đưa vào danh mục này thì thấy có một số dự án chưa đáp ứng 4 nguyên tắc đã đưa ra.

Do đó, vị đại biểu Ninh Bình đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ rà soát lại, xác định các dự án chính thức đề nghị với Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm là những dự án nào. Đồng thời, mỗi dự án cũng cần có báo cáo thuyết minh về việc đáp ứng các nguyên tắc đã đề ra hay chưa, vì đây là cơ sở quan trọng để các đại biểu Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết.

Phát biểu tại phiên họp, lãnh đạo các tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Hải Phòng và Thái Bình đều nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ chế tại dự thảo nghị quyết, nếu được thông qua sớm sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm của tỉnh.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đại biểu là thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng cần cân nhắc việc áp dụng đại trà mà tùy từng trường hợp mới cho áp dụng.

Hồi âm ý kiến đại biểu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho hay sẽ tiếp thu các góp ý để hoàn thiện dự thảo.

Mục tiêu chính của đề xuất này là để gỡ vướng trong thực tế hiện nay chứ không hề có ý tạo ra chính sách riêng để tồn tại song song với luật hiện hành, không có ý định áp dụng đại trà. Vì thế hồ sơ có kèm danh mục cụ thể, công khai dự án nào đã đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện, để Quốc hội quyết định, ông Trung nói.

Phát biểu cuối phiên thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, các ý kiến tại phiên họp đều nhất trí trình Quốc hội ban hành nghị quyết, một số ý kiến cho rằng cần đánh giá kỹ cả về tác động tích cực và hệ lụy có thể xảy ra, đồng thời cần tránh thái cực "đổ" hết hạn chế do các luật có liên quan. 

Đề cập việc giao thẩm quyền cho địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương, ông Thanh nói, thực tế không phải địa phương nào cũng có năng lực thực hiện các dự án cao tốc nên cần cân nhắc, làm rõ.

Việc sử dụng khoản tăng thu ngân sách Trung ương cần ưu tiên giảm bội chị và các dự án có khả năng hấp thụ vốn, ông Thanh lưu  ý. 

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị Chính phủ căn cứ vào tiêu chí được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận, trình các dự án đủ các tiêu chí đó để Quốc hội xem xét, quyết định. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư