Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Quốc hội nhìn nhận nhiều hạn chế trong nhiệm kỳ XIV
An Nguyên - 24/03/2021 10:12
 
Có vấn đề mang tầm vĩ mô vẫn chưa được thảo luận một cách thấu đáo, một số nội dung chất vấn còn chưa tập trung vào vấn đề lớn liên quan đến thể chế, chính sách vĩ mô.
.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Quốc hội đương nhiệm (Ảnh Duy Linh) 

Sáng 24/3, ngay sau khi phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Quốc hội đương nhiệm.

Thành quả lớn nhất là sự ghi nhận của Nhân dân

Khái quát cả nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, Quốc hội vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng cao nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV đã thành công với những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước đến ngoại giao nghị viện đã góp phần đưa đất nước vững bước vượt qua khó khăn, tạo ra những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân, đóng góp lớn vào những thành tựu vô cùng ý nghĩa của công cuộc gần 35 năm đổi mới, làm giàu thêm truyền thống 75 năm vẻ vang của Quốc hội.

"Mỗi đại biểu Quốc hội có quyền tự hào về những thành tựu đó cũng như những nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ của mình. Thành quả và niềm vinh dự lớn nhất đối với đại biểu Quốc hội chúng ta chính là sự ghi nhận, tin tưởng, chia sẻ, ủng hộ, đồng hành xuyên suốt của cử tri, Nhân dân trong mọi hoạt động của Quốc hội thời gian qua" - bà Kim Ngân phát biểu.

Nêu những kết quả hoạt động chủ yếu của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ, về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biểt trong nhiệm kỳ vừa qua đã có 72 luật , 02 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được thông qua. Kết quả này đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Công tác giám sát được chú trọng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát hầu hết các lĩnh vực, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Thông qua hoạt động giám sát đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, tiếp tục phát huy những việc làm tốt, kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

5 năm qua Quốc hội cũng xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, phát triển vùng miền núi đồng bào dân tộc, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội đề cao việc bảo đảm tính tổng thể, gắn kết chặt chẽ giữa yêu cầu nhiệm vụ với nguồn lực thực hiện khi xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, hệ thống kế hoạch trong lĩnh vực tài chính, ngân sách.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020 lần đầu tiên được thông qua, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hướng tới việc huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, bảo đảm an toàn nợ công, tính bền vững của ngân sách - bà Kim Ngân phát biểu.

Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, nhất là do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh trong năm 2020, nhiều quyết định đã được xem xét, ban hành kịp thời, nhiều chính sách được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu tại từng thời điểm. Chính sách tiền tệ và tài khoá được xem xét thận trọng, linh hoạt, bảo đảm ứng phó kịp thời, góp phần hạn chế các tác động bất lợi, duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Còn nhiều hạn chế

Với mỗi chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, sau kết quả, báo cáo đều nêu những tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, hoạt động lập pháp cũng còn những hạn chế nhất định như: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn phải điều chỉnh nhiều; một số dự án, dự thảo được đưa vào chương trình nhưng chính sách chưa rõ, chưa đánh giá tác động sâu sắc, có chính sách mới được bổ sung nhưng chưa được đánh giá tác động; một số báo cáo thẩm tra còn có nội dung chưa thể hiện rõ quan điểm, chưa cung cấp đầy đủ luận cứ phục vụ việc xem xét, lựa chọn phương án đối với vấn đề còn có ý kiến khác nhau…

Tình trạng trên có nguyên nhân là một số cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong chuẩn bị dự án, dự thảo; chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn, nhất là việc gửi tài liệu đến các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Chưa có cơ chế phù hợp để thu hút hiệu quả ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách… 

Bên cạnh đó, việc quyết định các vấn đề quan trọng còn những hạn chế như: có vấn đề mang tầm vĩ mô vẫn chưa được thảo luận một cách thấu đáo; khó đánh giá, xác định trách nhiệm trong trường hợp không hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Nguyên nhân là do một số nội dung chưa bảo đảm tiến độ về thời gian, gây khó khăn cho các cơ quan thẩm tra và đại biểu Quốc hội; chưa có quy định cụ thể về tiêu chí, nội dung thuộc nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chưa phân định các trường hợp được thực hiện điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu trong một số tình huống khi tình hình kinh tế - xã hội có biến động lớn...

hoạt động giám sát vẫn còn những hạn chế như: hiệu quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, nhất là văn bản quy định chi tiết thi hành luật. Một số nội dung chất vấn và trả lời chất vấn còn chưa tập trung vào vấn đề lớn liên quan đến thể chế, chính sách vĩ mô, trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành hoặc chưa đi vào trọng tâm, mới tập trung vào báo cáo thực trạng, chưa xác định rõ trách nhiệm cá nhân và giải pháp khắc phục; một số yêu cầu tại các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Ngoài ra, báo cáo giám sát của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội chưa được triển khai nghiêm túc, việc theo dõi, đôn đốc thực hiện chưa thực sự quyết liệt... Nguyên nhân là do khối lượng công việc lớn, nhiều việc phát sinh, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động giám sát; một số nội dung có phạm vi rộng, tính chuyên sâu cao, trong khi thời gian, nguồn lực thực hiện còn hạn chế...

Chủ tịch Quốc hội: Quốc hội bầu nhân sự cấp cao, ổn định tổ chức và cán bộ
Quốc hội họp kỳ cuối cùng của khóa XIV, dành nhiều thời gian cho công tác nhân sự và tổng kết nhiệm kỳ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư