Thứ Tư, Ngày 28 tháng 05 năm 2025,
Quốc hội tiếp tục thảo luận sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước
Nguyễn Lê - 26/05/2025 07:26
 
Ngay sáng thứ Hai (26/5) Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).
.
Một phiên họp toàn thể của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Sáng nay (26/5), Quốc hội bước sang những ngày làm việc cuối của đợt 1, Kỳ họp thứ 9, sau đó sẽ nghỉ đến hết ngày 10/6 trước khi bước vào đợt 2.

Thời gian này, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết.

Trong 4 ngày làm việc của tuần làm việc thứ tư này, Quốc hội dành phần lớn thời gian cho công tác lập pháp. Các dự án luật được trình Quốc hội gồm: Dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Tình trạng khẩn cấp;  Luật Đường sắt (sửa đổi).

Các dự án luật được thảo luận tại hội trường gồm có: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.

Được Quốc hội thảo luận tại hội trường còn có Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện Kiểm sát Nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công cộng; về giảm thuế giá trị gia tăng, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Ngay sáng thứ hai, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Trước đó, nội dung này đã được thảo luận tại tổ vào chiều ngày 15/5 với 72 lượt ý kiến phát biểu.

Theo tổng hợp của Tổng thư ký Quốc hội, đa số các ý kiến bày tỏ quan điểm nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, đặc biệt là mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đồng thời bỏ ngân sách cấp huyện để tinh gọn bộ máy.

Về mức dư nợ vay của ngân sách địa phương, theo Tổng thư ký Quốc hội, một số ý kiến nhất trí với chủ trương cần điều chỉnh tăng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương so với quy định hiện hành nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của các địa phương. Tuy nhiên đề nghị chính phủ sớm ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện cụ thể tạo điều kiện thuận lợi và thống nhất tổ chức chức thực hiện nhất là khi đang tiến hành sắp xếp lại tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc nâng mức dư nợ vay từ 120% lên 150% đối với địa phương không nhận phân bổ cân đối từ ngân sách trung ương nhằm tạo điều kiện cho các địa phương chủ động hơn về nguồn thu và có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển.

Về phân cấp nguồn thu giữa ngân sách địa phương và ngân sách trung ương, Tổng thư Ký Quốc hội phản ánh, nhiều ý kiến nhất trí với phương án chỉ quy định trong dự thảo luật về nguyên tắc, các nguồn thu phân chia. Giao chính phủ xây dựng phương án về tỷ lệ phân chia trình Quốc hội xem xét quyết định điều chỉnh. Việc "cứng hóa" tên địa phương trong tỷ lệ phân chia có thể dẫn đến bất cập khi cơ cấu nguồn thu thay đổi sau sáp nhập địa giới hành chính.

Vào ngày cuối cùng của đợt 1, Quốc hội sẽ thông qua thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, đây là một nghị quyết có ý nghĩa rất lớn về chính trị, xã hội và nhân văn, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp có văn bản đề nghị Quốc hội quan tâm, ưu tiên xem xét để thông qua sớm ngay trong đợt 1 của Kỷ họp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư