Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm: 12 năm chưa chi đồng nào, nhưng "vẫn cần giữ"
Nguyễn Lê - 22/03/2022 09:54
 
Cho dù 12 năm nay chưa chi đồng nào, song Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng vẫn nên giữ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.
.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý  dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Mở đầu đợt hai phiên họp thứ 9, sáng 22/3 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022).

Báo cáo một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung và quy định rõ một số nội dung tại Chương Hợp đồng bảo hiểm và một số điều, khoản khác.

Duy trì đồng thời cả 2 Quỹ là không cần thiết

Ủy ban Kinh tế cũng tách hai vấn đề cần xin ý kiến, trong đó có Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

Ông Thanh cho biết, thảo luận tại Quốc hội, một số ý kiến đề nghị không nên tiếp tục trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Ý kiến khác cho rằng nên có quy định về trích lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm nhưng cần đánh giá nguồn hình thành quỹ.

Về vấn đề này, Chính phủ cho rằng trước đây, khi áp dụng mô hình vốn tối thiểu (mức vốn cố định, không gắn quy mô kinh doanh và rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm) và Nhà nước chỉ can thiệp sau khi doanh nghiệp bảo hiểm có vấn đề (mất khả năng thanh toán), cần thiết phải có cơ chế bổ sung để bảo vệ người tham gia bảo hiểm khi doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán, phá sản.

Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (Luật số 61/2010/QH12) đã có quy định đóng góp thành lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Tuy nhiên, sau gần 12 năm trích nộp, Quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chuyển từ phương thức can thiệp sau (khi doanh nghiệp bảo hiểm đã mất khả năng thanh toán) sang phương thức can thiệp sớm và kết hợp mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro, do đó đã nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong quản trị doanh nghiệp và kiểm soát tài chính, tăng cường yêu cầu đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp can thiệp sớm.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Mục đích thiết lập của 2 Quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm. Cùng với những lý do nêu trên, việc duy trì đồng thời cả 2 Quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng theo hợp đồng bảo hiểm.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với quan điểm của Chính phủ thể hiện tại Tờ trình số 307/TTr-CP ngày 26/8/2021 về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 3 (tháng 9/2021), theo đó đề nghị dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, đồng thời giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư Quỹ, bảo đảm việc xử lý số dư của Quỹ đúng mục đích ban đầu khi thành lập Quỹ.

Quan điểm này nhận được sự đồng tình của Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Tuy nhiên, đại diện Ban Soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết vẫn muốn giữ quỹ này để can thiệp khi có doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gặp vấn đề bất thường. Song, theo Bộ trưởng thì về mức đóng có thể giảm xuống khoảng 6 - 10 lần hiện nay. Hiện nay Quỹ này còn 1ngàn tỷ, 12 năm nay chưa chi nhưng vẫn cần duy trì, Bộ trưởng nêu quan điểm.

Cần quy định về bảo hiểm vi mô

Vấn đề thứ hai Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với Uỷ ban Kinh tế là quy định về bảo hiểm vi mô.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận tại Quốc hội, nhiều ý kiến đồng tình với việc quy định về bảo hiểm vi mô tại dự thảo Luật để có căn cứ pháp lý trong việc tổ chức cung cấp bảo hiểm tới các đối tượng có thu nhập thấp, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro có thể xảy ra, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Ý kiến khác đề nghị cân nhắc quy định bảo hiểm vi mô tại dự thảo Luật vì bảo hiểm vi mô có tính chất tương hỗ, an sinh xã hội, phi lợi nhuận, trong khi phạm vi của luật có tính chất kinh doanh.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, bảo hiểm vi mô là sản phẩm bảo hiểm hướng tới đối tượng khách hàng là các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, khó tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường. Bảo hiểm vi mô thường phát triển ở các nước đang phát triển và được coi là một cấu phần quan trọng trong chính sách tài chính toàn diện của quốc gia, góp phần thực hiện các chính sách an sinh, xã hội của Nhà nước. Việc quy định bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô và có cơ chế để khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô tại Việt Nam.

Do đó, cần thiết quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ quy định nguyên tắc triển khai, đối tượng được triển khai bảo hiểm vi mô tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.

Sau khi tiếp tục hoàn thiện, dự thảo luật sẽ được xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách vào cuối tháng này, trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022).

Không hạn chế quyền tự do kinh doanh bảo hiểm
Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, các quy định của pháp luật không hạn chế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư