Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quỹ đầu tư Mỹ: Vốn ngoại sẽ trở lại Trung Quốc
Đông Phong - 21/12/2022 20:31
 
Các nhà đầu tư sẽ lấy lại niềm tin để đổ tiền vào cổ phiếu công nghệ Trung Quốc vì nhiều công ty này đã thoát "án" hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.
Trung Quốc được dự báo sẽ thu hút từ 120 đến 200 tỷ USD dòng vốn đầu tư nước ngoài hàng năm từ năm 2023 đến 2030. Ảnh: AFP
Trung Quốc được dự báo sẽ thu hút từ 120 đến 200 tỷ USD dòng vốn đầu tư nước ngoài hàng năm từ năm 2023 đến 2030. Ảnh: AFP

Tuần trước, Uỷ ban giám sát kế toán công ty đại chúng của Mỹ (PCAOB) cho biết lần đầu tiên họ có quyền truy cập đầy đủ để kiểm tra các công ty Trung Quốc, sau khi phía Trung Quốc cấp quyền truy cập vào tháng 8 vừa qua.

Hơn 100 công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm cả ba "ông lớn": Alibaba, Baidu, và JD.com, đã đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết tại Mỹ vào năm 2024 nếu thông tin kiểm toán của họ không được cung cấp cho các thanh tra viên của Uỷ ban giám sát kế toán công ty đại chúng.

Lâu nay các nhà đầu tư thường vật lộn với sự thiếu minh bạch về hoạt động và cổ phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ.

Với việc Uỷ ban giám sát kế toán công ty đại chúng được truy cập đầy đủ để kiểm tra các công ty Trung Quốc, ông Brendan Ahern, Giám đốc đầu tư tại Công ty quản lý đầu tư KraneShares (Mỹ), cho rằng, điều này sẽ thu hút các nhà đầu tư tổ chức trở lại thị trường Trung Quốc.

Tính đến hết tháng 9/2022, đã có 262 công ty Trung Quốc được niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ với tổng giá trị vốn hóa thị trường là 775 tỷ USD, theo Ủy ban đánh giá an ninh kinh tế Mỹ - Trung (USCC).

Đối với dòng vốn đầu tư vào Trung Quốc, ông Brendan Ahern đánh giá: "Rủi ro đó sẽ biến mất tùy theo thông báo của PCAOB, bạn sẽ thấy dòng chảy đầu tư trở lại với những doanh nghiệp này".

"Những 'gã khổng lồinternet này thực sự là những tên tuổi mà các nhà đầu tư nhắm đến khi tiến vào thị trường Trung Quốc", Giám đốc đầu tư KraneShares nói thêm. Tuy nhiên, chuyên gia này dự đoán vẫn cần có vài tuần hoặc tháng để dòng vốn trở lại quỹ đạo.

Ngoài ra, việc Trung Quốc gần đây công bố các hỗ trợ chính sách được kỳ vọng giúp thúc đẩy tăng trưởng của các công ty công nghệ. Đơn cử, tuần trước Trung Quốc khẳng định sẽ thúc đẩy tiêu dùng nội địa vào năm tới, khi nước này hướng đến thúc đẩy tăng trưởng sau khi gỡ bỏ chính sách chống dịch hà khắc zero-Covid.

"Năm 2023 sẽ chứng kiến nhiều hỗ trợ từ chính sách của chính phủ (Trung Quốc - BTV) như đẩy mạnh tiêu dùng nội địa", đại diện Công ty quản lý đầu tư KraneShares nhận định; đồng thời ước tính khoảng 25% tổng doanh số bán lẻ của Trung Quốc sẽ chảy qua các công ty công nghệ đó.

Ông Ahern cho biết thêm: "Chính phủ Trung Quốc thực sự cần những công ty internet này, điều này lý giải tại sao một số cuộc điều tra pháp lý bị chững lại trong năm 2021".

Theo Morgan Stanley, các quỹ toàn cầu có thể sẽ quay trở lại thị trường Trung Quốc vào năm 2023 sau làn sóng tháo chạy trong năm 2022.

Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ước tính nhà đầu tư nước ngoài đã rút 8,8 tỷ USD khỏi thị trường tài chính Trung Quốc vào tháng 10 khi chứng khoán lao dốc, cao hơn mức rút vốn 2,1 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài của tháng 9. Trong đó, dòng vốn chảy ra khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc ước đạt 7,6 tỷ USD còn dòng vốn 1,2 tỷ USD rời thị trường trái phiếu.

Các chuyên gia kinh tế từ Morgan Stanley kỳ vọng Trung Quốc sẽ thu hút từ 120 đến 200 tỷ USD dòng vốn đầu tư nước ngoài hàng năm từ năm 2023 đến 2030.

Doanh nghiệp Trung Quốc nghẽn dòng chảy IPO sang Mỹ
Nửa năm sau khi cơn sốt IPO của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ dần lắng dịu, các quy định chi tiết về việc niêm yết tại nước ngoài như thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư