Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 01 năm 2025,
Quy định kinh doanh điện máy vẫn đang bị thả nổi
Tú Ân - 14/08/2014 14:49
 
Bộ công thương và Công ty LG Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực điện máy”.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Ồ ạt khuyến mại đón trái bóng tròn World Cup
Khuyến mại khủng, siêu thị điện máy vẫn ảm đạm
Trần Anh “gây choáng” thị trường điện máy
Cuối năm, hàng hiệu giá rẻ đua xả hàng
iPhone 5S và 5C giá sẽ là bao nhiêu?
Vận tải, du lịch... được niêm yết giá bằng ngoại tệ

Hội thảo là dịp đại diện các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, các hiệp hội người tiêu dùng gặp gỡ trao đổi các ý kiến kinh nghiệm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hướng tới một thị trường điện máy phát triển lành mạnh.

Theo báo cáo của Bộ công thương, hiện nay thị trường điện máy Việt Nam với sự đa dạng về chủng loại sản phẩm, phương thức phân phối và sự phát triển của các hệ thống cung cấp đã đem lại nhiều cơ hội cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn, thỏa mãn nhu cầu đời sống.

  Việc niêm yết giá điện máy vẫn đang bị thả nổi  
  Các trung tâm điện máy lớn  hiện đã thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá.  

Theo báo cáo của GFK, chi tiêu cho các sản phẩm điện tử tiêu dùng tại Việt Nam quý I/2014 xấp xỉ 35.000 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mặt hàng điện thoại tăng 37%, máy tính bảng tăng 220%, các mặt hàng điện tử gia dụng (Tivi, dàn âm thanh, tủ lạnh, điều hòa, lò vi sóng...) đạt mức tăng 20%. Tuy nhiên cùng với các cơ hội lựa chọn, sử dụng các sản phẩm điện tử phong phú, người tiêu dùng đang phải đối mặt với một loạt những hành vi vi phạm quyền lợi như: bán hàng hóa kém chất lượng với giá cao, cung cấp những thông tin sai lệch, gian dối gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ; khuyến mại không trung thực; không cung cấp hóa đơn chứng từ, từ chối bảo hành...

Hội thảo “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực điện máy” đã đề cập đến nhiều vấn đề như: Xu hướng phát triển thị trường điện máy tại Việt Nam; Thực trạng việc thực thi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cụ thể trong lĩnh vực điện máy; Kinh nghiệm giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực điện máy tại các Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Vai trò của chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với việc phát triển các doanh nghiệp sản xuất và phân phối các sản phẩm điện tử; Bảo vệ người tiêu dùng – Chính sách và thực trạng tại siêu thị điện máy...

Theo ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng  (Cục quản lý cạnh tranh,Bộ Công thương), doanh nghiệp phải có trách nhiệm với người tiêu dùng nhiều hơn: “Một số trách nhiệm của doanh nghiệp trong lĩnh vực điện máy chính là bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, cung cấp thông tin, trách nhiệm liên quan đến ghi nhãn, niêm yết giá. Các trung tâm điện máy lớn  hiện đã thực hiện nghiêm túc, nhưng tại các trung tâm, cửa hàng nhỏ thì thực tế trách nhiệm này chưa được thực hiện đầy đủ”.
Một yêu cầu bức thiết đặt ra là phải thực thi hiệu quả quy định của luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh Bộ công thương nhìn nhận: “Hàng điện máy rất quan trọng trong cuộc sống hằng ngày nhưng dịch vụ đáp ứng cho người tiêu dùng vẫn chưa được tốt, chính vì vậy thông qua các buổi hội nghị chúng tôi hy vọng cảnh tỉnh các nhà kinh doanh cung ứng hàng hóa dịch vụ trong lĩnh vực điện máy thấy rõ làm thế nào đáp ứng cho người tiêu dùng một cách tốt hơn. Chúng ta luôn luôn đặt ra khách hàng là thượng đế, nhưng các thượng đế không được tôn trọng”.

 Theo bà Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM  việc xử lý giải quyết khiếu nại người tiêu dùng hiện nay còn bỏ ngỏ. Trước khi có luật, Sở Công thương giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng, nhưng hiện nay việc giải quyết khiếu nại nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ mới dừng lại ở Cục quản lý cạnh tranh, tức là ở cấp trung ương. Tại TP.HCM cũng như nhiều tỉnh thành chưa có một cơ quan nào ở cấp quận, huyện chịu trách nhiệm tiếp nhận khiếu nại của người tiêu dùng. Trong luật quy định, Ủy Ban nhân dân quận huyện cũng phải có trách nhiệm giải quyết, nhưng hiện nay không có Ủy ban nhân dân quận huyện nào chịu trách nhiệm. Khi người tiêu dùng khiếu nại, chỉ có một con đường là nhờ tòa án giải quyết.

Hiện nay, LG đã phát triển tới 80 Trung tâm bảo hành và chăm sóc khách hàng trên khắp toàn quốc,  thực hiện việc bảo hành, bảo dưỡng nhanh chóng, hiệu quả, đem lại sự thuận tiện và hài lòng cao cho khách hàng trong quá mình mua hàng và sử dụng. Thông qua đường dây nóng 18001503, Trung tâm Hỗ trợ khách hàng 24/7 của LG thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết thắc mắc, khiếu nại của khách hàng trong vòng 24h.

LG luôn tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các quy định của luật pháp nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở tất cả các khâu: từ cung cấp thông tin sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng, thực hiện việc sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng các sản phẩm cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, LG còn thường xuyên thực hiện các chương trình chủ động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: đến tận nhà khách hàng hướng dẫn tư vấn sử dụng; miễn phí sửa chữa và bảo dưỡng các sản phẩm hết hạn bảo hành trong các chương trình chăm sóc khách hàng đặc biệt....nhằm phòng ngừa hư hỏng, đem lại hiệu quả sử dụng cao cho khách hàng.

Ông Ko Tae Yeon, Tổng giám đốc LG Electronic Vietnam cho biết “Chúng tôi đánh giá Hội thảo là cơ hội tốt để các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và cộng đồng người tiêu dùng trao đổi các ý kiến và kinh nghiệm hướng đến một thị trường điện máy phát triển lành mạnh và bền vững đem lại lợi ích cho cả các doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư