Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Quy định vênh nhau, doanh nghiệp điện mắc kẹt - Bài 2: Nguy cơ đình trệ dự án, doanh nghiệp bên bờ phá sản
Anh Việt - 13/05/2021 09:33
 
Từ các doanh nghiệp đầu tư dự án điện có quy mô vài trăm tỷ đồng, đến các doanh nghiệp đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng đều khẩn thiết đề xuất có giải pháp tháo gỡ vướng mắc.
Doanh nghiệp đầu tư dự án điện lo lắng, nếu không có giải pháp gỡ vướng về thuế giá trị gia tăng, thì nhiều doanh nghiệp có thể phá sản
Doanh nghiệp đầu tư dự án điện lo lắng, nếu không có giải pháp gỡ vướng về thuế giá trị gia tăng, thì nhiều doanh nghiệp có thể phá sản

Chất chồng nỗi lo

Chỉ vào công trường ngổn ngang máy móc, thiết bị, ông Trương Đình Lam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Lam Sơn cho biết, doanh nghiệp đã đầu tư các dự án thủy điện tại Sơn La. Công ty đã thực hiện các đợt hoàn thuế GTGT với số tiền 300 tỷ đồng, tiền về tài khoản công ty đã được ngân hàng thu lại theo dự toán dòng tiền và phương án tài trợ vốn mà doanh nghiệp và ngân hàng đã thống nhất.

Nay Cục Thuế Sơn La cho biết, số thuế GTGT đã được hoàn khoảng 300 tỷ đồng trong thời kỳ chưa được cấp giấy phép điện lực trước đây có khả năng bị truy thu. Không những vậy, doanh nghiệp còn có nguy cơ bị phạt 20% tính trên số tiền thuế bị truy thu, cộng thêm phạt tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày, tính từ ngày được hoàn thuế đến ngày chốt số theo biên bản làm việc với Cục Thuế.

Số tiền thuế truy thu cộng tiền phạt và tiền chậm nộp như trên là rất lớn. Nếu thực hiện truy thu và phạt số tiền như vậy sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của dự án, thậm chí dẫn đến nguy cơ phá sản doanh nghiệp.

“Chúng tôi khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá lại việc áp dụng các quy định về hoàn thuế GTGT đối với dự án ngành điện nói riêng, giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo sự nhất quán trong chủ trương, chính sách khuyến khích đầu tư đối với ngành điện”, ông Lam kiến nghị.

Theo ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam, đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn, ngân hàng giải ngân không kịp thời do gián đoạn về tình hình dịch bệnh, giãn cách xã hội… Việc nhập khẩu thiết bị gặp nhiều khó khăn, chi phí vận chuyển đưa hàng hóa về Việt Nam tăng cao hơn rất nhiều so với dự kiến ban đầu. Nay lại thêm việc ngưng trệ hoàn thuế ước khoảng 2.100 tỷ đồng, sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn gấp nhiều lần, vỡ hết kế hoạch tài chính cho các dự án.

Các tỉnh mà doanh nghiệp đầu tư như Ninh Thuận, Đắk Lắk, Trà Vinh đều khuyến khích đầu tư vào các dự án điện tái tạo. Thực tế, các dự án của Trung Nam  tại Ninh Thuận và Trà Vinh có tổng giá trị đầu tư đến nay gần 2 tỷ USD, đã nộp nghĩa vụ ngân sách cho 2 tỉnh trên khoảng 1.400 tỷ đồng. Nay chính sách thuế thay đổi bất ngờ, doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền lớn, các phương án đầu tư đều bị đảo lộn. Không những thế, các địa phương cũng bị ảnh hưởng mạnh về thu ngân sách.

Những doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn như Công ty TNHH Điện lực Vân Phong, Công ty TNHH Nhiệt điện Nghi Sơn 2 đã liên tục gửi văn bản tới Bộ Công thương báo cáo về các vướng mắc liên quan đến việc dừng hoàn thuế giá trị gia tăng trong thời gian xây dựng các dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 và Nghi Sơn 2.

Theo quan điểm của lãnh đạo các công ty trên, thì hai dự án này có quy mô công suất và tổng vốn đầu tư lớn (công suất mỗi dự án khoảng 1.320 MW và tổng vốn đầu tư mỗi dự án khoảng 2,5 tỷ USD). Hai dự án đã được cơ quan thuế hoàn thuế GTGT nhiều lần. Bộ Hợp đồng BOT của các dự án này được Chính phủ cam kết và bảo lãnh nên việc dừng hoàn thuế GTGT trong thời gian xây dựng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền, tiến độ vận hành thương mại và sự thành công của các dự án, đồng thời có thể dẫn đến các thủ tục pháp lý và trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo đảm cho dự án.

Quy định vênh nhau, khó thực thi

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, pháp luật đã có các quy định về hoàn thuế GTGT để hỗ trợ doanh nghiệp, dự án, bao gồm cả doanh nghiệp điện trong giai đoạn đầu tư.

Cụ thể, Điều 13, Luật số 13/2008/QH12 về thuế giá trị gia tăng nêu rõ: “Trường hợp cơ sở kinh doanh đã đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới, đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ hết và có số thuế còn lại từ 200 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng”.

Điều 13, Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng tiếp tục quy định: “Trường hợp cơ sở kinh doanh đã đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới, đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ và có số thuế còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng”.

Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện chính sách hoàn thuế GTGT với các doanh nghiệp hiện nay lại có nhiều bất cập.

Đơn cử, khoản 6, Điều 1, Nghị định số 100/2016/NĐ-CP quy định, cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT bao gồm dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư. Song, Nghị định không quy định rõ thời điểm người nộp thuế cung cấp giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nên có những doanh nghiệp đang đầu tư, không được cơ quan quản lý cấp giấy phép vì chưa hoàn thành cơ sở vật chất, điều kiện về phòng cháy, chữa cháy… Đến khi dự án đầu tư đã hoàn thành, đủ điều kiện để được cấp giấy phép thì dự án đã đi vào hoạt động, do vậy không được hoàn thuế GTGT theo khoản 2, Điều 1, Nghị định 100/2016/NĐ-CP. “Rõ ràng, điều này là chưa phù hợp với thực tế và gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Ngãi phân tích.

Một điểm đáng lưu ý nữa là, Luật số 31/2013/QH13 quy định các trường hợp được hoàn thuế GTGT nhưng không đề cập đối với những hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, hướng dẫn  tại Công văn số 10492/BTC-TCT ngày 30/7/2015 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý hoàn thuế GTGT lại quy định không hoàn thuế GTGT đối với doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng được điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

Ngay cách hiểu về “điều kiện kinh doanh” cũng có sự vênh nhau giữa các cơ quan quản lý. Trong Công văn số 1936/BCT-ĐL của Bộ Công thương gửi Bộ Tài chính ngày 6/4/2021 có nêu: “Luật Điện lực hiện hành cũng như lĩnh vực điện lực không có quy định về giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như được đề cập đến tại Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Thông tư số 130/2016/TT-BTC. Luật Điện lực chỉ có quy định về giấy phép hoạt động điện lực và đây là loại giấy phép cần thiết cho các dự án trong giai đoạn vận hành, không cần thiết trong thời gian xây dựng. Bộ Công thương sẽ xem xét cấp giấy phép hoạt động điện lực sau khi các dự án hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt tổ máy và doanh nghiệp dự án trình nộp hồ sơ đề nghị theo quy định tại Điều 7, Thông tư số 21/2020/TT-BCT.

“Giấy phép hoạt động điện lực không phải là giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hay giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh trong công văn gửi Bộ Tài chính.

Cũng trong công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương khẳng định, trong thời gian xây dựng, các dự án Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 và Nghi Sơn 2 không thuộc đối tượng không được hoàn thuế GTGT như quy định tại Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Thông tư số 130/2016/TT-BTC. Nếu 2 doanh nghiệp này được tiếp tục hoàn thuế như công văn của Bộ Công thương đề nghị, thì hàng trăm doanh nghiệp khác cũng cần được gỡ khó tương tự.

Không chỉ các doanh nghiệp đầu tư điện trong nước, mà còn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác cũng có thể “mắc kẹt” với những quy định liên quan đến hoàn thuế GTGT. Có nhiều câu hỏi đang được giới chuyên gia và doanh nghiệp đặt ra quanh thực tế hiện nay, đó là vì sao trước đây các doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế GTGT đầu vào khi đầu tư dự án điện, mà nay lại không được tiếp tục hoàn thuế, trong khi các chính sách chưa có sự thay đổi nào đáng kể. Liệu số thuế đã hoàn trước đây có bị truy thu? Nếu truy thu, thì phải chăng doanh nghiệp trở thành đối tượng vi phạm quy định thuế, dù trước đây hồ sơ của họ đã được cơ quan thuế chấp nhận.

Ngày 3/5/2021, Báo Đầu tư đã có công văn gửi ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phản ánh thực tế và đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như các câu hỏi xoay quanh vấn đề này. 

(Còn tiếp)

Thủ tướng yêu cầu rà soát, sửa đổi quy định cản trở đầu tư, kinh doanh
Kết quả rà soát, thống kê và đề xuất, kiến nghị phải hoàn thành trước ngày 15/5/2021 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư