Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Quy định vốn chủ sở hữu doanh nghiệp đưa người Việt đi làm việc ở nước ngoài
Nguyễn Lê - 21/07/2020 07:45
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý một số vấn đề để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)
.
Trong 3 tháng đầu năm trên 32 nghìn người  đã được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng - Ảnh minh hoạ. 

Nghiên cứu quy định nguyên tắc để Chính phủ có thể ban hành văn bản quy định chi tiết về vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lưu ý.

Sau khi cho ý kiến dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) ở phiên họp thứ 46 vừa qua, tại thông báo kết luận phiên họp này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý một số vấn đề để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật.

Đó là, không quy định thời hạn của giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; doanh nghiệp thực hiện hoạt động dịch vụ chỉ có tối đa 3 chi nhánh; bổ sung nguyên tắc để xác định mức trần tiền dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Lưu ý tiếp theo là bổ sung, làm rõ chính sách, chiến lược về đào tạo, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và sử dụng nguồn lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và vai trò, trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành, địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý về lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tạo thị trường lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu bảo đảm không làm phát sinh bộ máy và không thu phí của người lao động khi giao Trung tâm dịch vụ việc làm (do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập) thực hiện nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực thi điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, lưu ý từ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là cần quy định để bảo đảm các nhiệm vụ chi của Quỹ phải tập trung vào hỗ trợ, giải quyết những vấn đề rủi ro của người lao động, doanh nghiệp; không trùng lặp nhiệm vụ chi cho hoạt động quản lý nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp; có cơ chế phối hợp linh hoạt giữa các cơ quan trong việc tiếp nhận, hỗ trợ kịp thời cho người lao động và doanh nghiệp, nhất là khi người lao động gặp rủi ro ở nước ngoài...

Vấn đề cuối cùng được lưu ý là nghiên cứu quy định nguyên tắc để Chính phủ có thể ban hành văn bản quy định chi tiết về quản lý người lao động đi làm việc ở các nước lân cận không theo hợp đồng và quy định về vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp dịch vụ.

Liên quan đến vấn đề này, Dự thảo luật trình Quốc hội kỳ họp thứ 9 quy định một trong những điều kiện để doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là phải có có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 5 tỷ đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.

Sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu trong các phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, dự thảo luật được Uỷ ban Thường  vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 46 đã thay "vốn chủ sở hữu" bằng "vốn điều lệ" để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp.

Song, đại diện Ban Soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung vẫn đề nghị quy định vốn chủ sở hữu vì vốn điều lệ thì có thể thay đổi, nay thế này mai thế khác, rất khó kiểm soát. Trong khi đó doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đến cùng với người lao động, khi xảy ra vấn đề gì thì phải sử dụng đến vốn chủ sở hữu để xử lý.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội và của các vị đại biểu Quốc hội; chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Theo dự kiến, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020) của Quốc hội.

Xuất khẩu lao động: Câu chuyện "phá rào" của Đồng Tháp
Sau khi người đi lao động xuất khẩu trở về, ai muốn khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp, chính quyền Đồng Tháp sẽ cử chuyên gia, những người...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư