Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quỹ Hỗ trợ đầu tư hướng đến dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa
Nhiệt Băng - 10/09/2024 11:09
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư mới hướng đến các dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa trong lĩnh vực công nghệ cao thông qua Quỹ Hỗ trợ đầu tư để tạo đột phá.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin đến các địa phương về đề xuất thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin đến các địa phương về đề xuất thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Ảnh: Linh Đan

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổ chức Hội thảo lấy ý kiến 19 tỉnh, thành phố thuộc 2 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đấu thầu ở Đà Nẵng

Tại Hội thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin đến các địa phương về đề xuất thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư. 

Điều các địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm là đề xuất này cụ thể ra sao, tạo đột phá như thế nào?

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều yếu tố bất ổn và thách thức, các quốc gia đang cạnh tranh gay gắt để ổn định, khuyến khích và thu hút đầu tư, tập trung mạnh vào lĩnh vực công nghệ cao, trong đó chú trọng các lĩnh vực đang là xu hướng của thế giới như chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, các quốc gia châu Âu, nhiều nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan đều ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư đa dạng và hấp dẫn, áp dụng song song chính sách ưu đãi dựa trên thu nhập (miễn, giảm thuế) và ưu đãi dựa trên chi phí các gói hỗ trợ lên đến nhiều tỷ USD. Nhờ sự phản ứng nhanh trong việc đổi mới chính sách, các quốc gia này, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã thu hút được các dự án quy mô rất lớn trong lĩnh vực công nghệ cao.

Tại Việt Nam, mặc dù thu hút đầu tư nước ngoài tăng trưởng qua các năm gần đây, nhưng số lượng dự án quy mô vốn đầu tư lớn, với hàm lượng công nghệ cao còn khiêm tốn.

Trong khi đó, việc áp dụng thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu đã làm suy giảm mạnh sức hấp dẫn trong thu hút dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa. Một số doanh nghiệp đã thông báo chính thức tạm chưa triển khai hoặc sẽ cân nhắc kế hoạch đầu tư mới, mở rộng tại Việt Nam.

Một số tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư, nhưng chưa lựa chọn Việt Nam hoặc chờ đợt để theo dõi phản ứng chính sách của Chính phủ.

Thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổng kết việc thi hành pháp luật về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.

Kết quả cho thấy, việc khuyến khích, thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay dựa trên chính sách ưu đãi (miễn, giảm thuế, nghĩa vụ tài chính cho nhà đầu tư) và chính sách hỗ trợ đầu tư (nhà nước bỏ chi phí để bù đắp chi phí cho nhà đầu tư trong một số hoạt động như phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực… được quy định tại Điều 18 Luật Đầu tư).

Các chính sách này được áp dụng trên cơ sở tiêu chí ngành, nghề (lĩnh vực) và địa bàn khuyến khích đầu tư theo quy định tại Chương III, Luật Đầu tư và Chương III, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Mức ưu đãi cụ thể đối với từng loại ưu đãi đầu tư áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán và đất đai. Các hỗ trợ đầu tư thực hiện theo từng quy định riêng của Chính phủ trên cơ sở định hướng, khả năng bố trí nguồn lực trong từng giai đoạn, thời kỳ.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về cơ bản, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của Việt Nam có tính cạnh tranh trong khu vực. Nhờ đó, cùng với các lợi thế so sánh như kinh tế chính trị ổn định; tăng trưởng kinh tế cao và ổn định; vị trí địa lý chiến lược; hội nhập quốc tế sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực; Chính phủ “hành động, thân thiện, đồng hành, chia sẻ” với cộng đồng doanh nghiệp; chi phí sản xuất cạnh tranh; nguồn lao động dồi dào; thị trường tiềm năng…, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, với dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục tăng qua các năm.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, chính sách này còn dàn trải, thiếu đa dạng, chưa bắt kịp với các chính sách tiên tiến, thông lệ quốc tế và đặc biệt là không còn tác dụng trong thu hút dự án lớn, tập đoàn đa quốc gia trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Với mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài (giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỷ USD, 30 - 40 tỷ USD/năm; giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỷ USD, 40 - 50 tỷ USD/năm) và trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng, Việt Nam cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư mới hướng đến các dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa trong lĩnh vực công nghệ cao thông qua Quỹ Hỗ trợ đầu tư để tạo đột phá, có chọn lọc trong thu hút đầu tư, đảm bảo vị thế cạnh tranh; giữ chân và thu hút các tập đoàn với chuỗi cung ứng và mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh lớn, có ảnh hưởng và tác động lan tỏa lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, chính sách này cần đủ mạnh để thay thế các chính sách thu hút đầu tư bị mất hiệu lực do áp dụng thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu, đồng thời đảm bảo yêu cầu không nhằm bù đắp cho các nhà đầu tư thuộc phạm vi áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu và thể hiện tinh thần “thiện chí đồng hành” của Chính phủ Việt Nam đối với nhà đầu tư trong bối cảnh tình hình quốc tế thay đổi.

“Hiện nay, Chính phủ đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư để trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 18 Luật Đầu tư về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư để tạo cơ sở pháp lý cho việc ban hành Nghị định này”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin.

Hối thúc sớm có biện pháp hỗ trợ đầu tư bổ sung
Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục hối thúc Việt Nam sớm ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư