Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Quy hoạch 3 Vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum
Cát Tiên - 10/04/2013 16:29
 
Kon Tum quy hoạch 3 vùng kinh tế động lực, nỗ lực xúc tiến, tận dụng mọi ưu thế để thu hút thêm nhà đầu tư.
TIN LIÊN QUAN

TP. Kon Tum được xác định là tâm điểm đầu tư của tỉnh Kon Tum

Đến nay, Kon Tum đã có 24 dự án đầu tư vào 3 vùng kinh tế động lực của địa phương, trong tổng số 43 dự án đã được ban hành chủ trương thu hút đầu tư. Trong đó, Thành phố Kon Tum được xác định là tâm điểm đầu tư, có 17 dự án, với vốn đăng ký hơn 2.000 tỷ đồng. Huyện Kon Plông với các ưu thế về du lịch và lâm sản, được chấp thuận 20 dự án với vốn gần 9.200 tỷ đồng.

Chỉ đạo của tỉnh Kon Tum là phải không ngừng nâng cao năng lực chủ động ở cấp cơ sở, thúc đẩy các dự án triển khai đúng tiến độ và hiệu quả. UBND tỉnh luôn sẵn sàng đối thoại với các nhà đầu tư, để tìm ra những vướng mắc từ thủ tục hành chính đến công tác phối hợp thực thi. Nhờ nỗ lực ấy, dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng Kon Tum đã cơ bản đầu tư xong 12 dự án, với vốn đầu tư hơn 503 tỷ đồng; đang tiến hành rà soát cấp phép, hiện thực hóa 12 dự án còn lại.

Đánh giá của chính quyền tỉnh cho thấy, sự chậm trễ của 12 dự án đã có giấy chứng nhận đầu tư có nguyên nhân chủ quan từ các quy trình thủ tục hành chính chưa cải thiện nhanh, sự quan tâm của các cấp, ngành địa phương còn thiếu sâu sát, trong đó, vai trò tư vấn giám sát của một số ngành cơ sở chưa tốt. Nhiều nhà đầu tư đang phải làm nhiều thủ tục pháp lý, bị vướng mắc khi giải quyết thủ tục đất đai, điều chỉnh quy hoạch.

Đơn cử, ở vùng sinh thái du lịch Măng Đen, tỉnh Kon Tum đã thống nhất quy hoạch, nhưng đồ án chung lại chưa được Bộ Xây dựng trình Chính phủ phê duyệt. Ở một số dự án đầu tư, nhà đầu tư chưa được ngành chức năng hỗ trợ thông tin, giải đáp vướng mắc kịp thời, thậm chí chưa nắm được cả quy trình thủ tục giấy tờ cần thiết trong cấp phép đầu tư.

Từ thực tiễn đó, UBND tỉnh Kon Tum đang nỗ lực yêu cầu các cấp, ngành cơ sở tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời phản ánh mọi ách tắc để có biện pháp giải quyết nhanh cho nhà đầu tư. Chẳng hạn, ở 12 dự án đang hoàn tất, có đến 8 dự án bị trở ngại do thủ tục đất đai, đòi hỏi địa phương phải tách lọc, phân loại vướng mắc cụ thể để giải quyết.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, trong các dự án trên, cần yêu cầu dừng dự án liên quan đến khai thác sa khoáng theo quy hoạch chung, các dự án vướng mắc ở đâu sẽ gỡ ngay ở đó, nếu sai về chỉ số đầu tư, sẽ điều chỉnh lại luôn giấy phép đầu tư. Ngược lại, các doanh nghiệp phải cam kết thúc đẩy thực hiện dự án đúng tiến độ đăng ký, nỗ lực cùng địa phương gỡ mọi vướng mắc cụ thể, chứ không nên thụ động ngồi chờ.

Phân tích từ tình hình quy hoạch đầu tư chung các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên cho thấy, áp lực cạnh tranh thu hút đầu tư đang tăng lên nhanh chóng, do các địa phương đều cố gắng thúc đẩy, cải thiện môi trường đầu tư, mời gọi các dự án hiệu quả. Là một tỉnh nghèo của Tây Nguyên, không có đủ lợi thế thu hút đầu tư mạnh mẽ, nhất là về giao thương, Kon Tum lại càng phải vận động nhiều hơn nữa, bám sát quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư để đáp ứng. Trong đó, 3 vùng kinh tế động lực của địa phương cũng còn nhiều trở ngại trong bối cảnh kinh tế chung, nếu không thực sự gắn bó với các chủ đầu tư, nhanh chóng hiện thực hóa các dự án cơ sở, thì sẽ rất khó đạt mục tiêu thu hút đầu tư đề ra.

Hơn nữa, một trong những điểm yếu ở khu vực Tây Nguyên là công tác xúc tiến đầu tư chung, nối kết hành động vùng còn yếu. Theo UBND tỉnh Kon Tum, địa phương cần thay đổi nhanh tư duy liên kết vùng, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đầu mối thông tin từ Nam chí Bắc, để kịp thời tham dự, hợp tác với các địa phương khác qua các diễn đàn xúc tiến, hoạt động liên kết khu vực, đẩy mạnh quảng bá tiềm năng của địa phương cả ở trong nước và quốc tế.

Hy vọng, với những định hướng sâu sát với quyền lợi nhà đầu tư và hiện thực hóa chủ trương tăng tốc thu hút đầu tư, các vùng kinh tế trọng điểm Kon Tum sẽ đạt được những yêu cầu cần thiết, không ngừng nâng sức hút mời gọi đầu tư, đồng thời đáp ứng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp đã có mặt, từ đó tạo nên niềm tin để không ngừng phát triển.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư