Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Quy mô thị trường bán lẻ sắp chạm ngưỡng 179 tỷ USD
Thế Hải - 21/03/2019 08:26
 
Lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam vẫn đang tiếp tục chứng kiến sự đổ bộ của nhiều nhà đầu tư mới và các nhà đầu tư hiện có. Dự báo, chỉ 1 năm nữa, quy mô thị trường bán lẻ sẽ chạm 179 tỷ USD.
Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam dự báo sẽ đạt 179 tỷ USD vào năm 2020.
Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam dự báo sẽ đạt 179 tỷ USD vào năm 2020.

Quy mô thị trường sắp chạm 179 tỷ USD

Diễn đàn Đầu tư Tiếp thị và Bán lẻ Việt Nam do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cùng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức sáng 20/3/2019 tại Hà Nội đã mang đến nhiều thông tin về hoạt động đầu tư, quy mô thị trường bán lẻ tại Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Nếu như năm 2010 mới dừng ở 88 tỷ USD thì đến 2017 là 130 tỷ USD và dự báo chạm ngưỡng 180 tỷ USD vào năm 2020.

Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng cùng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam đến nay đã hội tụ nhiều nhà phân phối lớn trong và ngoài nước, nhưng sự phát triển cũng chỉ mới ở giai đoạn đầu, cơ hội còn nhiều cho các nhà đầu tư đến sau, nhất là các nhà đầu tư có thương hiệu, có sự khác biệt, biết ứng dụng công nghệ quản lý bán hàng hiện đại.

Báo cáo về thị trường bán lẻ của Bộ Công Thương chỉ ra rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam tăng mạnh với nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là hình thức bán lẻ hiện đại như các siêu thị, trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại rộng lớn. Thị phần bán lẻ hiện đại chỉ mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ,thấp hơn so với các nước trong khu vực như Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Trung Quốc là 51%, Malaysia là 60% và Singapore lên đến 90%.

Bên cạnh đó, các cửa hàng, hộ kinh doanh cá thể, gánh hàng rong cũng ngày càng phát triển. Hiện nay, cả nước có khoảng 800 siêu thị, trung tâm mua sắm và 150 trung tâm thương mại, gần 9.000 khu chợ và 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ trên khắp mọi miền. Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.

Bà Lưu Bảo Vân, Giám đốc Điều hành Dự án Intage Việt Nam khẳng định, công nghệ 4.0 đã lan tỏa vào bán lẻ và lĩnh vực tiêu dùng ở nhiều nước, và tại Việt Nam, giai đoạn 2018-2020 thực sự sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ. Đây cũng là thời điểm mà sự cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài, giữa các kênh bán hàng hiện đại và truyền thống.

Vốn tiếp tục chảy vào bán lẻ

Năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nước ta ước tính đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017, đây là mức tăng đột phá và cao nhất trong 5 năm trở lại đây.  

Nhìn nhận ở sức hấp dẫn của thị trường, bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) quả quyết, dung lượng thị trường rộng lớn, tầng lớn trung lưu tăng nhanh tại Việt Nam và nhìn vào doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2 con số, kinh tế tăng trưởng,  đó là lực hút cho các nhà đầu tư mới và các nhà đầu tư đã có chân trong lĩnh vực bán lẻ.

Nhận thấy tiềm năng của thị trường, đến nay, các tập đoàn lớn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart…đều đã hiện diện tại Việt Nam, và chắc chắn các nhà đầu tư này chưa chịu ngồi yên.

Làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) doanh nghiệp được cho sẽ mang vốn ngoại vào bán lẻ Việt Nam nhanh hơn.  

Sự xuất hiện nhanh chóng của hàng loạt tập đoàn bán lẻ đến từ Nhật Điển hình là tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản với với tổng số vốn đầu tư hơn 13 tỷ yên và dự định năm 2020 sẽ mở 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn tại Việt Nam với tổng vốn lên đến 1,5 tỷ USD; Tập đoàn Lotte Mart Của Hàn Quốc với 8 trung tâm thương mại quy mô lớn tại Hà Nội và có mục tiêu sẽ tăng lên 60 trung tâm thương mại trên toàn Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên đến 3,2 tỷ USD vào năm 2020..

Hay việc Central Group của Thái Lan mua lại thành công toàn bộ chuỗi siêu thị Big C từ tay các ông chủ người Pháp với giá trị lên đến hơn 1 tỷ USD); Hoặc thương vụ tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma (Trung Quốc) mua lại Lazada, hay sự kiện hãng thương mại điện tử nổi tiếng của Mỹ đầu tư vào Việt Nam,…

Đánh giá vể tương lai của bán lẻ, bà Nga cho biết, thị trường sẽ sôi động, đa dạng hơn rất nhiều vì một số mặt hàng được nhập khẩu nhiều hơn do xóa bỏ rào cản về thuế.

Điển hình là AEC, đây là cơ hội lớn cho ngành bán lẻ Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn từ ASEAN, bởi vì từ năm 2018, thuế suất nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng đều giảm mạnh. Điển hình với Hiệp định thương mại ASEAN (ATIGA), thuế hầu hết các mặt hàng đều giảm về 0% và mức thuế suất cao nhất chỉ là 5%.

"Vốn FDI vào bán lẻ tăng nhanh khi nhìn vào các thương hiệu lớn đã hiện diện tại Việt Nam, nhưng sau đó vẫn là  những lo ngại về hiện tượng báo lỗ để chuyển giá, trốn thuế như đã từng xảy ra, cần có sự kiểm toán, thanh tra làm rõ các trường hợp doanh nghiệp bán lẻ báo lỗ, để tạo môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng và lành mạnh", bà Nga khuyến cáo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư