Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quy mô tín dụng tiêu dùng sắp cán mốc 1 triệu tỷ đồng
 
Nắm bắt được nhu cầu mua sắm cá nhân ngày một tăng cao, các công ty tài chính, ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. So với các loại hình tín dụng khác, tín dụng tiêu dùng được triển khai đơn giản để khách hàng dễ dàng tiếp cận, nhưng đây cũng chính là kẽ hở gây rủi ro cho các tổ chức tín dụng.
Hiện tại, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đạt gần 600.000 tỷ đồng
Hiện tại, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đạt gần 600.000 tỷ đồng

Lãi suất bù đắp rủi ro

Báo cáo năm 2016 về tổng quan ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam do StoxPlus thực hiện cho thấy, tổng dư nợ/GDP toàn ngành năm 2012 đạt 7,3 tỷ USD, nhưng đã tăng lên tới 26,55 tỷ USD vào năm 2016. Hiện quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đạt gần 600.000 tỷ đồng và dự báo sẽ cán mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019, với mức tăng trưởng bình quân 29% mỗi năm.

Nhìn vào thống kê trên, không quá khó hiểu khi tín dụng tiêu dùng trở thành miếng bánh béo bở để các ngân hàng và công ty tài chính đua tranh. Điều đáng nói là trong khi hầu hết các khoản vay tiêu dùng là vay tín chấp, có độ rủi rủi cao, nhưng để đẩy nhanh gia tăng thị phần, nhiều công ty tài chính sẵn sàng chấp nhận điều này.

Hiện tại, khách hàng cá nhân chỉ cần có chứng minh nhân dân, hộ khẩu hoặc KT3, bằng lái xe, bản sao kê lương 3 - 6 tháng… sẽ dễ dàng được công ty tài chính cấp các khoản vay tín chấp giá trị từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Cũng bởi thủ tục vay nhanh gọn, không yêu cầu phải chứng minh tài chính, thời gian giải ngân nhanh, các khoản vay nhỏ phục vụ nhu cầu mua tài sản như xe máy, máy tính, điện thoại... đã thu hút số lượng lớn khách hàng tham gia.

Để bù đắp cho rủi ro từ những khoản vay này, lãi suất cho vay được các công ty tài chính áp dụng thấp thì cũng khoảng 18 - 20%/năm, cao thì 30 - 40%/năm, thậm chí có thể lên tới 50 - 60%/năm. Chẳng hạn, FE Credit áp dụng mức lãi suất cho vay tiêu dùng thấp nhất 24%/năm, có thể lên 40-45%/năm tùy từng đối tượng khách hàng. Home Credit áp dụng mức lãi suất cơ bản từ 20% trở lên và có thể tăng lên tới 50% nếu khoản vay đó có mức độ rủi ro cao.

Không thể phủ nhận tín dụng tiêu dùng vừa là phương tiện hỗ trợ tài chính hữu ích cho người tiêu dùng, vừa giúp các tổ chức tín dụng cải thiện lợi nhuận, song không ít kiến tỏ ra lo ngại việc chạy đua giành thị phần mà không kiểm soát được rủi ro dễ dẫn đến nguy cơ “bong bóng” tín dụng tài chính cá nhân, bởi trên thực tế đã từng xảy ra tình trạng này tại Mỹ hay Hàn Quốc.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng  cho rằng, ngành tài chính tiêu dùng Việt nam đang phát triển mạnh mẽ và có tỷ lệ tăng trưởng đều đặn mỗi năm. Vì thế, vấn đề quản lý rủi ro để hạn chế nợ xấu từ tín dụng tiêu dùng là hết sức quan trọng.

“Việc kiểm soát nợ xấu luôn cần một cơ chế quản trị rủi ro chặt chẽ. Do đó, các ngân hàng, công ty tài chính cần phải có sự đầu tư đúng đắn, phát triển tín dụng tiêu dùng theo hướng bền vững, thay vì chấp nhận rủi ro khó kiểm soát vốn, gây nguy hại cho sự phát triển chung của ngành”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, tất cả công ty tài chính đều từ chối tiết lộ thông tin về tỷ lệ nợ xấu. Lãnh đạo nhiều công ty tài chính cho rằng, với ngân hàng, việc tỷ lệ nợ xấu tăng 6-8% là điều đáng lo ngại, nhưng với các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, nợ xấu vượt ngưỡng này là điều bình thường!

Dư nợ vay tiêu dùng gia tăng

Thực tế, không chỉ khối công ty tài chính, mà hầu hết ngân hàng đều đang đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, bởi biên lợi nhuận trong cho vay tiêu dùng cao hơn đáng kể so với các loại hình tín dụng khác. Có ngân hàng, chỉ sau 1 năm tách mảng tài chính tiêu dùng hoạt động dưới pháp nhân riêng, lợi nhuận từ lĩnh vực này chiếm đến 40% tổng lợi nhuận của ngân hàng năm đó.

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến dư nợ cho vay cá nhân gia tăng mạnh thời qua, khiến nguy cơ rủi ro cũng tăng theo. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã có sự cảnh báo các ngân hàng thương mại phải có sự kiểm soát chặt chẽ và giám sát chất lượng tín dụng đối với các khoản vay thể nhân đang được triển khai mạnh gần đây.

Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay tiêu dùng hiện chiếm khoảng 8% trên tổng dư nợ tín dụng cả nước. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, chỉ có khoảng 20% dân số Việt Nam (khoảng gần 20 triệu người) có tài khoản ngân hàng. Như vậy, có thể thấy rằng, cầu vay tiêu dùng của người dân còn rất nhiều và dư địa để phát triển mảng tài chính tiêu dùng ở Việt Nam là rất lớn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM, việc phát triển tín dụng tiêu dùng đang phát huy hiệu quả về mặt xã hội, giúp người thu nhập trung bình và thấp có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng, cải thiện đời sống… Tuy nhiên, việc dư nợ tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng mạnh đã khiến nợ xấu trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng cá nhân tăng dần...

“Rủi ro trong cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính cao hơn các tổ chức tín dụng khác. Cùng với đó, năng lực tài chính của khối công ty tài chính cũng dễ bị ảnh hưởng hơn so với ngân hàng do chi phí cho vay cao hơn… Do đó, các công ty tài chính thường có tỷ lệ nợ xấu tương đối cao. Để hoạt động kinh doanh đảm bảo hiệu quả và an toàn, khối này cần quản lý tốt dự phòng rủi ro, thu hồi nợ...”, ông Minh nói.

TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, tín dụng tiêu dùng sẽ còn bùng nổ trong thời gian tới, khi người tiêu dùng đã bắt đầu quen và nhận ra những lợi ích thiết thực của hình thức này…

“Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng luôn cần lưu tâm đến nợ xấu, nhất là trong bối cảnh nợ xấu của toàn hệ thống còn khá lớn như hiện nay”, ông Hiển nhấn mạnh.

Đã đến lúc áp trần lãi suất cho vay tiêu dùng
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico cho rằng, đã đến lúc cần nghĩ tới việc áp trần lãi suất cho vay tiêu dùng với mức từ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư