Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 05 năm 2024,
Quyết không biến Việt Nam trở thành bãi rác của quốc gia khác
Mạnh Bôn - 08/09/2020 16:27
 
Mặt hàng nào cũng bị buôn lậu. Từ đường cát, thuốc lá, bia, sữa bột, thuốc tân dược, mỹ phẩm, đồ điện tử mới, gia cầm, sản phẩm gia cầm, sừng động vật... đến ma túy, rác thải độc hại.
Trách nhiệm của cơ quan hải quan là phải bảo đảm tạo thuận lợi tối đa cho hàng hóa thông thương, đồng thời phải ngăn chặn được gian lận thương mại, buôn lậu
Trách nhiệm của cơ quan hải quan là phải bảo đảm tạo thuận lợi tối đa cho hàng hóa thông thương, đồng thời phải ngăn chặn được gian lận thương mại, buôn lậu

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, trong vòng 5 năm qua (2015-2019), ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, xử lý 82.362 vụ việc vi phạm.

Hàng gì cũng buôn lậu

Trong 7 tháng đầu năm 2020, qua công tác điều tra chống buôn lậu, cơ quan hải quan đã bắt giữ 7.988 vụ. Đặc biệt, trong vòng một tháng trở lại đây, sau khi Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội và thực hiện các biện pháp kích thích phát triển kinh tế, cho phép mở lại các cửa khẩu phụ biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có dấu hiệu gia tăng.

Tính từ 16/7/2020 đến 15/8/2020, ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.122 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 161,268 tỷ đồng; thu về cho ngân sách  70,716 tỷ đồng. Hiện cơ quan hải quan khởi tố 2 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 10 vụ. Mặt hàng vi phạm chủ yếu gồm đường cát, thuốc lá, bia, sữa bột, thuốc tân dược, mỹ phẩm, đồ điện tử mới, gia cầm, sản phẩm gia cầm, sừng động vật… được các đối tượng vận chuyển qua đường hàng không, cảng biển, bưu điện, đường mòn, lối mở biên giới đường bộ.

Hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy diễn ra rất phức tạp có chiều hướng tăng hơn so với tháng trước. Trong tháng tuyến hàng không, bưu điện đã phát hiện nhiều vụ việc vận chuyển ma túy. Trên tuyến biên giới như các tỉnh Điện Biên, Nghệ An, Tây Ninh… tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vào Việt Nam vẫn còn rất nóng và thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi và số lượng ma túy bị bắt giữ lớn…

Chỉ trong mấy ngày gần đây, cơ quan hải quan đã bắt giữ hàng loạt vụ buôn lậu nghiêm trọng. Đơn cử, ngày 17/8/2020, bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển trái phép 15 bánh heroin, nặng 4.836,27 gram; ngày 18/8/2020, phát hiện, bắt giữ một đối tượng vận chuyển 12.000 viên hồng phiến; ngày 04/8/2020, phát hiện một đối tượng vận chuyển 1,73 kg thuốc phiện và 19,96 kg pháo; ngày 04/8/2020, phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển trái phép 4.000 gói thuốc lá hiệu Esse và 1.000 gói thuốc là hiệu 555, xuất xứ nước ngoài...

Còn từ năm 2015 đến năm 2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, xử lý 82.362 vụ việc vi phạm, thu về cho ngân sách nhà nước hơn 1.561 tỷ đồng; khởi tố 247 vụ án hình sự, chuyển 571 vụ cho cơ quan khởi tố.

“Việt Nam đã hội nhập với hầu hết các nước trên thế giới. Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hầu như không bị ngăn cản tại hầu hết các lãnh thổ trên thế giới. Bù lại, chúng ta cũng phải mở cửa đề hàng hóa nước ngoài xâm nhập thị trường Việt Nam. Với 13 hiệp định thương mại tự do đã thực thi, hoạt động ngoại thương sẽ ngày một sôi động hơn, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân… nhưng đổi lại tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu, buôn bán ma túy, hàng quốc cấm, thậm chí cả vũ khí nóng cũng gia tăng.

Trách nhiệm của cơ quan hải quan là phải bảo đảm tạo thuận lợi tối đa cho hàng hóa thông thương, thu hút đầu tư nước ngoài đồng thời phải ngăn chặn được gian lận, buôn lậu, buôn bán hàng giả, mang phế thải, rác thải vào Việt Nam và bảo vệ tuyệt đối chủ quyền quốc gia”, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh tại Tọa đàm “Vì mục tiêu bảo vệ lợi ích chủ quyền quốc gia” vừa được Tổng cục Hải quan tổ chức sáng nay.

Thuốc lá, ma túy và rác thải hấp dẫn buôn lậu

Ông Đào Xuân Thành, Hải đội trưởng Hải đội Kiểm soát trên biển khu vực miền Bắc (Hải đội 1) Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, mới đây nhất, ngày 22/8/2020, Hải đội 1 đã phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an phát hiện, bắt giữ tàu Quế Bắc 70568 đang sang mạn trái phép thuốc lá điếu trên vùng biển Vịnh Bắc bộ thu giữ 177 thùng thuốc lá.

Còn trước đó, vào trung tuần tháng 3/2020, Hải đội 1 đã chỉ bắt giữ một tàu biển buôn lậu hơn 4 triệu bao thuốc lá các loại với tổng giá trị hàng hóa vi phạm gần 33 tỷ đồng.

“Đây là vụ bắt giữ thuốc lá buôn lậu có số lượng tang vật lớn nhất từ trước đến nay của ngành hải quan”, ông Thành nói thêm

“Mặt trận chống buôn lậu trên biển luôn nóng bỏng. Các đối tượng buôn lậu ngày càng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, có sự tham gia cấu kế của nhiều đối tượng trong và ngoài nước. Trong khi đó, lực lượng đấu tranh chống buôn lậu trên biển còn mỏng, hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về trang thiết bị, phương tiện trong khi hoạt động buôn lậu trên biển không có ranh giới”, ông Thành nói.

Đội trưởng đội Kiểm soát phòng, chống ma túy, Cục Hải quan TP.HCM, ông Huỳnh Nam cho biết, tình trạng buôn bán ma túy ngày càng diễn biến phức tạp. Chỉ trong vòng từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 6 năm nay, trong thời gian tạm dừng giãn cách xã hội do Việt Nam về cơ bản đã kiểm soát được Covid-19, Đôi Kiểm soát phòng, chống ma túy đã phát hiện, bắt giữ 2 vụ buôn bán ma túy quy mô lớn.

“Ngày 27 và 28/4/2020 qua kiểm tra 16 bưu kiện, bưu phẩm đã phát hiện và thu giữ hơn 18 kg ma túy tổng hợp, 124 gram Cocaine, 458 gram cần sa được ngụy trang tinh vi trong những bao thư, gói kẹo, ép giữa các thành bao bì carton, loa điện tử, túi treo vải. Và ngày 16/6/2020, cơ quan chống buôn lậu trên địa bàn TP.HCM đã bắt giữ hơn 9 kg ma túy tổng hợp được gửi từ châu Âu về Việt Nam”, ông Thành cho biết.

Trong khi đó, ông Nghiêm Xuân Thọ, Đội trưởng Đội Điều tra hình sự, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, từ đầu năm 2018, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu của nước ta tăng đột biến. Hàng ngàn container phế liệu, thậm chí là rác thải công nghiệp, rác thải độc hại nhập khẩu trái phép vào Việt Nam, tồn đọng tại các cảng biển gây ách tắc, cản trở hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh cảng và hoạt động thông quan hàng hóa. Lượng phế liệu này nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nguy cơ biến Việt Nam trở thành “công xưởng” chế biến các loại rác thải, gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường.

“Quyết không biến Việt Nam trở thành bãi rác của quốc gia khác, cơ quan hải quan đã vào cuộc và đến nay, Cục Điều tra chống buôn lậu đã ban hành 9 quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vi phạm của doanh nghiệp trong hoạt động nhập khẩu phế liệu và hiện đang tiếp tục củng cố hồ sơ để khởi tố đói với một số doanh nghiệp khác”, ông Thọ thông tin.

Quy chế tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, hàng giả
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư