Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Quyết tâm bảo vệ chủ quyền, nhưng không xao nhãng phát triển kinh tế
Mạnh Bôn - 03/06/2014 08:35
 
() Tiếp tục thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, hầu hết đại biểu Quốc hội đăng đàn phát biểu đều bày tỏ đồng tình với cách xử lý của Chính phủ xung quanh vấn đề biển Đông.
TIN LIÊN QUAN
   
  Đại biểu Nguyễn Thái Học  

Dẫn lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn…”, Đại biểu Nguyễn Thái Học liên tưởng, trong những thời khắc chủ quyền, lãnh thổ bị đe dọa như hiện nay, toàn thể người Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước, ở trong nước cũng như nước ngoài đang “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ”, đồng sức, đồng lòng xung quanh Đảng, Quốc hội, Chính phủ thì nhất định chủ quyền, lãnh hải quốc gia vẫn vẹn toàn.

Lo ngại những bất ổn trên biển Đông, ông Học cũng không lãng quên tình trạng như ông nói cũng nguy hiểm không kém đó là tham nhũng - nội xâm.

“Tình trạng “tham nhũng vặt”, hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền vẫn còn nhức nhối. Việc xử lý hành vi tham nhũng ở một số vụ, việc có biểu hiện nương nhẹ”, ông Học lo lắng khi nhắc lại Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thực hiện.

“Chúng ta phải tuyên chiến với tham nhũng cũng như bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc. Nếu bờ cõi được bình yên mà tham nhũng hoành hành thì chính loại giặc nội xâm sẽ phá vỡ thể chế, làm mất lòng tin của người dân với chế độ. Cần phải chống tham nhũng ngay tại cơ quan phòng chống tham nhũng mới chấm dứt được tình trạng “lạm dụng quyền hạn để xử lý kỷ luật, xử lý hành chính thay cho việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can”, ông Học nhấn mạnh.

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Đặng Ngọc Tùng trích trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn AP và Reuters về tình hình biển Đông của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây: “Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó” để bày tỏ quan điểm ủng hộ của mình với quyết tâm của Chính phủ trong bảo vệ chủ quyền đất nước.

Qua sự kiện biển Đông, ông Tùng băn khoăn trước thực tế là nhập siêu của Việt Nam và Trung Quốc mỗi năm một tăng và đã vượt 23 tỷ USD vào năm 2013; 90% dự án điện, 80% dự án giao thông đều do nhà thầu Trung Quốc thực hiện.

   
  Đại biểu Đặng Ngọc Tùng  

“Họ trúng thầu, xuất siêu vào nước ta chắc là do giá rẻ. Nếu giá rẻ mà đảm bảo chất lượng, kịp tiến độ, sử dụng lao động địa phương thì quá tốt. Còn đằng này, họ trúng thầu giá rẻ sau đó đề nghị tăng vốn, chất lượng công trình không cao và sử dụng phần lớn lao động từ nước họ đem sang thì chúng ta phải xem xét lại cơ chế, chính sách để không bị lệ thuộc”, ông Tùng nhấn mạnh.

Trong khi đó, Đại biểu Bùi Văn Phương đánh giá rất cao cách xử lý nhanh nhạy, kịp thời, bình tĩnh, kiên quyết của Chính phủ sau khi Trung Quốc mang giàn khoan vào vùng biển Việt Nam và sự kiện công nhân bị một số phần tử xúi giục, ép buộc biểu tình, đập phá tài sản, nhà xưởng, máy móc… của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM và Hà Tĩnh.

“Chúng ta bình tĩnh khi xử lý những vấn đề khó khăn, phức tạp là tốt, nhưng quan trọng không kém trong lúc này là cần phải điều chỉnh một số chính sách kinh tế, cân đối lại nguồn lực theo hướng tạm dừng đầu tư vào một số dự án chưa thực sự cần thiết, tập trung nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực an ninh, quốc phòng; tăng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho lực lượng bảo vệ biển đảo và đầu tư thích đáng cho ngư dân bám biển, giữ vững chủ quyền quốc gia”, ông Phương đề xuất.

Nhắc lại tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xử lý các vấn đề phức tạp, Đại biểu Nguyễn Bắc Việt cho rằng, để giữ được toàn vẹn lãnh thổ quốc gia cần phải thực hiện nhiều giải pháp, tận dụng mọi cơ hội, mọi lực lượng, trong đó chủ trương cho ngư dân vay vốn ưu đãi đóng tàu công suất lớn, thay tàu vỏ gỗ bằng vỏ sắt để ra ngư trường khơi xa và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ tàu đánh bắt xa bờ là một chủ trương sáng suốt của Chính phủ.

“Chúng ta phải đồng lòng, kiên định, quyết tâm yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, chúng ta phải thực hiện đồng bộ bằng nhiều giải pháp khác nhau, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được xao nhãng nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm các cán cân kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Chỉ có như vậy lòng dân mới yên, mới đoàn kết xung quanh Chính phủ xử lý mọi vấn đề dù có phức tạp, khó khăn đến đâu đi chăng nữa”, ông Việt phát biểu.

Cũng như nhiều đại biểu Quốc hội khác, Đại biểu Đỗ Văn Đương bày tỏ đồng tình với đề xuất của Chính phủ dành 16 ngàn tỷ đồng đầu tư cho cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư. “Nếu có điều kiện, tôi muốn Chính phủ đầu tư nhiều hơn nữa cho các lực lượng bảo vệ biển đảo tổ quốc”, ông Đương gợi ý.

Theo ông Đương, nếu linh hoạt có thể có thêm nguồn đầu tư cho lực lượng bảo vệ biển đảo, chủ quyền quốc gia trên biển. “Chính phủ cần yêu cầu các địa phương tổng rà soát, tạm dừng triển khai những dự án chưa thực sự bức xúc, chưa thật sự cần thiết, tập trung nguồn lực, tiềm lực cho quốc phòng, an ninh, tăng cường sức mạnh cho quân đội và công an”, ông Đương đề xuất.

“Nhân dân và cử tri cả nước đồng tình và ủng hộ các chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, Đại biểu Trần Ngọc Vinh nhắc lại tâm tư của cử tri.

Mặc dù tin tưởng tuyệt đối vào các cách thức xử lý về vấn đề biển Đông và hệ lụy của nó, nhưng ông Vinh cho biết, cử tri vẫn tha thiết đề nghị Chính phủ có các kịch bản ứng phó với những tác động tiêu cực có thể xảy ra, làm ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư