Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ra mắt dịch vụ cấp cứu tư nhân đầu tiên tại Việt Nam
Nhã Nam - 26/09/2016 16:47
 
Family Medical Practice, phòng khám tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu Việt Nam, vừa ra mắt dịch vụ điều phối cấp cứu *9999 hoạt động 24/7. Đây là dịch vụ cấp cứu tư nhân đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.

Family Medical Practice, phòng khám tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu Việt Nam, vừa chính thức mang mô hình cấp cứu ngoại viện vào Việt Nam khi ra mắt dịch vụ Điều phối cấp cứu *9999 hoạt động 24/7. Đây là dịch vụ cấp cứu tư nhân đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.

Bác sĩ Rafi Kot - Nhà sáng lập Family Medical Practice Việt Nam, đồng thời đóng vai trò nhân tố thúc đẩy cho sự ra đời của dịch vụ Điều phối cấp cứu, cho biết, trước đây, khi một người gặp tai nạn, lên cơn đau tim, đột quỵ, hoặc gặp bất kỳ trường hợp cần cấp cứu khác, họ chỉ đơn giản gọi taxi, gọi xe cứu thương không đủ tiêu chuẩn, hay gọi đến bệnh viện chỉ có nhân viên lễ tân chịu trách nhiệm điều phối xe cứu thương. “Giờ đây để cứu người, chỉ cần năm lần nhấn phím. Nhấn phím Sao và sau đó 9, 9, 9, và 9”, bác sĩ Kot nói.

Bệnh nhân được cấp cứu khẩn cấp.
Bệnh nhân được cấp cứu khẩn cấp.

Nhưng “*9999” không chỉ là nhận cuộc gọi đến, chở nạn nhân đi. Các chuyên viên cấp cứu đã trải qua quá trình đào tạo nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế của Học viện Điều phối cấp cứu quốc tế (IAED). Trước khi xe cứu thương tối tân có mặt, đội ngũ chuyên viên cấp cứu trình độ cao sẽ liên tục giữ liên lạc với người dân tại hiện trường và các bác sĩ ở phòng khám.

“Tại hiện trường, đội cấp cứu *9999 sẽ đưa nạn nhân đến cơ sở y tế thích hợp - cần lưu ý là - không nhất thiết phải là phòng khám của Family Medical Practice. Chúng tôi sẽ đưa họ đến cơ sở y tế phù hợp nhất cho việc điều trị của họ”, bác sĩ Kot nhấn mạnh.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ trong 5 tháng đầu năm nay đã có 8.400 vụ tai nạn giao thông được ghi nhận khắp cả nước, với 3.588 người chết, 7.339 người bị thương. Năm ngoái, số người tử vong vì tai nạn giai thông cũng đã lên gần 9.000 người, và hơn 25.000 người khác cũng bị thương vì tai nạn. Ngoài ra, số ca bị đột quỵ trên cả nước cần tới cấp cứu khẩn cấp cũng rất cao, khoảng 200.000 ca tính từ đầu năm tới nay. Một nửa trong số ca đột quỵ đó đã để lại những biến chứng nguy hiểm.

Số vụ tai nạn giao thông và số ca đột quỵ cao như vậy, nhưng hệ thống cấp cứu ngoại viện của Việt Nam nói chung và ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM nói riêng lại chưa đáp ứng được nhu cầu. Phần do trạm cấp cứu ở quá xa, phần thiếu bác sỹ và y tá.

Trong khi đó, nguyên tắc cấp cứu bệnh nhân là phải rất nhanh, ví dụ bị đột quỵ liên quan đến tim chỉ cần sơ cứu chậm ba phút sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến não, và chậm 10 phút thì nguy cơ tử vong rất cao. Đã có nhiều trường hợp, các bác sỹ cho biết không thể cứu được nạn nhân hoặc người bị bệnh do xe cấp cứu đến quá muộn.

Do vậy, được phép của Sở Y tế TP.HCM, Family Medical Practice Việt Nam đã đưa mô hình cấp cứu ngoại viện Paramedic - vốn đang được áp dụng ở Anh, Mỹ, Úc và một số nước châu Á - vào hoạt động.

Với mô hình này, các trạm cấp cứu vệ tinh sẽ được đặt ở nhiều nơi trong thành phố, gồm hệ thống xe cấp cứu được trang bị dụng cụ sơ cấp cứu, thuốc men, và đặc biệt nhân viên trên xe là các chuyên viên không phải bác sĩ, nhưng họ được đào tạo tốt kỹ năng sơ cấp cứu.

“Family Medical Practice sở hữu đội xe cấp cứu hiện đại nhất Việt Nam”, bác sĩ Kot nói và cho biết, mỗi xe là một phòng cấp cứu di động có thể duy trì sự sống cho bệnh nhân lên đến 72 tiếng.

Theo đó, các thông số và dữ liệu của bệnh nhân được truyền trực tiếp từ xe cứu thương tới đội ngũ cấp cứu tại phòng khám, cho phép các bác sĩ trao đổi trong suốt quá trình chuyển bệnh và sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Và hệ thống này có thể xác định được chuyện gì đang xảy ra với bệnh nhân và đưa ra phương án tối ưu nhất cho bệnh nhân tại hiện trường, giúp giảm tỷ lệ tử vong đến 25%.

Trước mắt, dịch vụ *9999 hoạt động trong khu vực quận 1, 2, 3, Bình Thạnh và Phú Nhuận (TP.HCM), và sẽ được mở rộng vào đầu năm 2017. Phí thường niên dịch vụ là 575.000 đồng/người/ năm.

Trong năm, thành viên có thể gọi bao nhiêu lần cũng được và được sử dụng trọn dịch vụ. Nếu không phải thành viên gọi đến thì xe cứu thương vẫn được gửi đi, nhưng giá dịch vụ cho ban ngày là 1.840.000 đồng/ lần gọi và ban đêm là 4.140.000/ lần gọi.

Family Medical Practice là hệ thống phòng khám đa khoa tư nhân 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Thành lập tại Hà Nội từ năm 1994, Family Medical Practice là hệ thống phòng khám tư nhân duy nhất tại Việt Nam có mật độ phủ sóng dịch vụ khắp Việt Nam, sở hữu 5 phòng khám hiện đại tại các thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Tất cả các phòng khám của Family Medical Practice đều có xe cứu thương hoạt động 24/7 được trang bị hiện đại.

Vạn Khang SOS ra mắt dịch vụ cấp cứu bằng di động
Trung tâm cấp cứu Vạn Khang (Vạn Khang SOS) - đơn vị thuộc Công ty TNHH Vạn Khang SOS vừa ra mắt dịch vụ cấp cứu tại hiện trường bằng điện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư