Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Rà soát thông tin rao mua bán hóa đơn trên mạng Internet
Mạnh Bôn - 12/03/2021 10:43
 
Năm 2021, ngành thuế tập trung kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp có rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp.
Tất cả hóa đơn được mua, bán trên mạng Internet, mạng xã hội là bất hợp pháp
Tất cả hóa đơn được mua, bán trên mạng Internet, mạng xã hội là bất hợp pháp

Ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra, Tổng cục Thuế cho biết, năm 2021 bắt đầu triển khai Nghị định 125/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, ngành thuế tập trung kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp có rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

Chuyển gần 300 vụ mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp cho công an

Theo ông Vũ Mạnh Cường, trong những năm vừa qua, cơ quan thuế thường xuyên đẩy mạnh rà soát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp có rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn.

Cụ thể, cơ quan thuế đã áp dụng rất nhiều giải pháp trong công tác quản lý thuế như tổ chức nhận dạng doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm nắm bắt hành vi, cách thức sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp; thu thập thông tin dữ liệu về người nộp thuế và thông tin giao dịch đáng ngờ từ Cơ quan giám sát Ngân hàng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, đơn thư tố cáo và cả thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng.

“Cơ quan thuế tập trung rà soát các thông tin có nội dung rao mua bán, cung cấp hóa đơn không hợp pháp trên mạng Internet, mạng xã hội như trang cá nhân trên Facebook, email, điện thoại… từ đó xác định danh tính, địa chỉ, phương thức, thủ đoạn hoạt động của cá nhân, tổ chức rao mua bán, cung cấp hóa đơn bất hợp pháp và cung cấp thông tin các đối tượng này cho cơ quan công an điều tra làm rõ” ông Cường cho biết.

Cũng theo ông Cường, bên cạnh tăng cường phối hợp với các ngân hàng thương mại để đề nghị cung cấp thông tin về giao dịch, chứng từ thực tế thanh toán qua ngân hàng làm cơ sở xử lý về thuế; thanh tra, kiểm tra đối với trường hợp người nộp thuế có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, trốn thuế, mua bán hóa đơn, cơ quan thuế còn tăng cường giám sát chặt chẽ đối với người nộp thuế có rủi ro cao về hóa đơn, kiểm soát việc in, phát hành, quản lý sử dụng hóa đơn, kiểm tra, rà soát việc bán hóa đơn lẻ nhằm tránh việc lợi dụng sử dụng hóa đơn lẻ để hợp thức hóa đầu vào, hoặc làm chứng từ để thanh toán với ngân sách nhà nước.

“Đặc biệt, cơ quan thuế đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong việc xác minh nguồn gốc hàng hóa, kiểm tra xác minh người mua, người bán từ khâu đầu đến khâu cuối; hồ sơ, tài liệu cơ quan thuế chuyển cơ quan công an xác định rõ dấu hiệu, hình thức và thủ đoạn vi phạm về in, phát hành, sử dụng hóa đơn không hợp pháp nhằm trốn thuế, hoặc có dấu hiệu mua bán hóa đơn của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Năm 2019, cơ quan thuế đã tổng hợp các hành vi vi phạm mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và củng cố hồ sơ chuyển cho cơ quan công an 135 trường hợp và năm 2002 là 162 trường hợp”, ông Cường cho biết.

Tăng nặng mức xử phạt

“Trong thời gian tới, triển khai Nghị định 125/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tập trung rà soát, giám sát các doanh nghiệp có rủi ro cao về hóa đơn; thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thuế và công tác phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về hóa đơn nhằm trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, kể từ năm 2021 khi Nghị định 125/2020 chính thức có hiệu lực, các hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về hóa đơn đã được tăng lên đáng kể so với quy định cũ, trong đó đã bổ sung quy định về tình tiết tăng nặng. Cụ thể, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vi phạm hành chính về thuế với số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn từ 100 triệu đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa, dịch vụ từ 500 triệu đồng trở lên được xác định là vi phạm hành chính về thuế có quy mô lớn; vi phạm hành chính từ 10 số hóa đơn trở lên được xác định là vi phạm hành chính về hóa đơn có quy mô lớn.

Cũng theo ông Huy, nhằm tăng tính răn đe đối với hành vi vi phạm về hóa đơn để trốn thuế, Nghị định 125/2020 đã tăng hình phạt đối với hành vi này. Theo đó, ngoài phải nộp đủ số tiền trốn thuế vào ngân sách nhà nước, đối tượng vi phạm còn bị phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn nếu không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với nếu có một tình tiết tăng nặng; phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn nếu có tình tiết tăng nặng và phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn nếu có từ 3 tình tiết tăng nặng trở lên.

“Nếu trốn thuế từ 200 triệu đồng trở lên hoặc 100 triệu đồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế. Tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở từ 50 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Huy cho biết.

Tổng cục Thuế sẽ công bố danh tính các đối tượng mua bán hoá đơn
Tổng cục Thuế vừa có văn bản "thúc" cơ quan Thuế địa phương tập trung kiểm tra việc sử dụng và phát hành hoá đơn tại các cơ sở kinh doanh siêu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư