Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Rẻ mà vô kỷ luật thì không làm được gì
Thùy Liên - 22/09/2013 10:15
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, để cải thiện môi trường đầu tư thì ngoài vấn đề cải cách thủ tục hành chính, yếu tố kỷ luật lao động, kỷ cương công vụ phải được siết chặt. Bởi lẽ, lợi thế của Việt Nam là có lao động rẻ, nhưng nếu vô kỷ luật rẻ cũng không làm được gì.
TIN LIÊN QUAN

Thưa ông, kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, song mức độ hài lòng của các doanh nghiệp (DN) với môi trường kinh doanh dường như chưa được cải thiện nhiều. Vì sao vậy?

Đúng vậy, mức độ hài lòng của DN trong nước và DN FDI về môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam gần đây rất thấp. Đặc biệt, báo cáo của EuroCham sẽ phát hành tháng 11 tới đây có khá nhiều đánh giá tiêu cực về môi trường kinh doanh Việt Nam, nhất là về thủ tục hành chính, thuế khóa, thực thi pháp luật, phí dịch vụ, cơ cở hạ tầng, mối quan hệ giữa ngân hàng và DN…

TS. Lê Xuân Nghĩa

Nhiều DN, nhất là các DN Nhật Bản cho rằng, lâu nay, hiệu quả kinh doanh của DN Nhật ở Việt Nam cao hơn các nước ASEAN khác do lao động rẻ, nhưng họ thấy về lâu dài, lợi thế này sẽ mất đi, trong khi cơ sở hạ tầng, nền tảng giáo dục, y tế, văn hóa… của Việt Nam ngày càng chứng tỏ sự đuối sức về cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Theo ông, liệu có xảy ra xu hướng vốn FDI chạy khỏi Việt Nam?

Đang có nhận định khác nhau về vấn đề này.

Tuy nhiên, theo tôi, vốn FDI ra khỏi khu vực ASEAN là hiển nhiên, bởi lãi suất của các nước phát triển có vẻ đang tăng lên.

Lý do là, vốn FDI vào, ra chủ yếu do chênh lệch lãi suất giữa các nước ASEAN và thế giới, một khi chênh lệch này giảm thì vốn FDI có thể đi ra.

Tuy nhiên, vốn FDI vẫn có thể quay lại ASEAN, nhất là với Việt Nam và Philippines. Lý do là tại ASEAN, Chính phủ Việt Nam và Philippines nỗ lực nhất trong kích thích tăng trưởng, phục hồi đà tăng trưởng, chấn chỉnh những yếu kém của thị trường để khôi phục kinh tế.

Các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, một khi Chính phủ hăng hái đứng ra tạo lập thị trường thì bao giờ cũng có kết quả tốt.

Nhưng với tình hình tái cơ cấu nền kinh tế và xử lý nợ xấu như hiện nay, liệu các nhà đầu tư có quay trở lại?

Trong tái cơ cấu nền kinh tế, quan trọng nhất là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, vì điều này liên quan chặt chẽ đến thanh khoản của toàn bộ nền kinh tế, phá băng tín dụng, phá băng bất động sản… Hiện tái cơ cấu ngân hàng đã có những bước chuyển tích cực.

Liên quan đến xử lý nợ xấu, lâu nay, các ngân hàng vẫn tự làm bằng nguồn dự phòng rủi ro. Hiện NHNN đang xúc tiến hoạt động Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

So với trình tự ra đời của các định chế tài chính khác thì VAMC hoàn thành các thủ tục pháp lý trong một thời gian tương đối nhanh. Tôi hy vọng, với sự kiên quyết này, VAMC sẽ xử lý được một lượng lớn nợ xấu.

Để cải thiện môi trường kinh doanh, giữ chân nhà đầu tư, Việt Nam cần ưu tiên những giải pháp cấp bách gì, thưa ông?

Giải pháp quan trọng nhất vẫn là cải cách thủ tục hành chính, đồng thời, rút gọn một số thủ tục khác. Tại Hà Lan, các ngân hàng thẩm định hồ sơ tín dụng không quá 30 giờ, tại Mỹ là không quá 36 giờ, trong khi ở Việt Nam, quá trình thẩm định nhiều khi kéo dài cả năm.

Cùng với rút gọn thủ tục hành chính thì phải minh bạch hơn nữa thông tin. Sắp tới đây, khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì tất cả doanh nghiệp nhà nước sẽ phải minh bạch tuyệt đối, cả về báo cáo tài chính lẫn báo cáo giao dịch.

Cuối cùng, kỷ luật lao động, kỷ luật cán bộ, kỷ cương công vụ phải được siết lại. Việt Nam có lao động rẻ, trẻ, nhưng lại chịu tai tiếng về mức độ vô kỷ luật. Lao động rẻ mà vô kỷ luật, thì lao động rẻ cũng không làm được gì.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư