Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Rối với tem xanh, tem vàng
Thanh Hương - 19/12/2014 10:57
 
Kể từ ngày 1/1/2015, trước khi đưa ra bán trên thị trường, các ô tô dưới 7 chỗ được sản xuất mới và nhập khẩu đều phải dán nhãn tiêu thụ năng lượng. Song tình hình xem ra khá rối, khi có thể lưu hành cùng lúc hai loại tem màu xanh lá cây và màu vàng.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Giấc mơ xuất khẩu ô tô
Công nghiệp ô tô: Bất đồng trong chính sách thuế
Ngoài ốc vít, Việt Nam 'bó tay' với sơn ôtô
Lúng túng tìm lối đi cho công nghiệp hỗ trợ
Công nghiệp ô tô Việt nhắm đích xuất khẩu 20.000 xe

Có 2 loại nhãn tiêu thụ năng lượng gồm màu xanh lá cây và màu vàng được sử dụng cho việc công bố mức độ tiêu thụ nhiên liệu của ô tô. Đại diện Phòng Xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, tem năng lượng màu xanh lá cây thể hiện số liệu về tiêu thụ nhiên liệu của chiếc xe đã được cơ quan quản lý nhà nước (mà ở đây là Cục Đăng kiểm) tiến hành thử nghiệm và cấp xác nhận.

Cùng với các loại tem đang thực hiện theo quy định, trong 2 năm tới, cùng là xe có nhãn tiêu thụ năng lượng, nhưng có xe sẽ mang tem màu vàng và có xe lại dán tem màu xanh. Ảnh minh hoạ.

Còn tem màu vàng, tuy cũng thể hiện các số liệu tiêu thụ nhiên liệu của xe, nhưng lại do doanh nghiệp (DN) tự công bố. Cục Đăng kiểm chỉ kiểm tra mức độ hợp lệ của hồ sơ được nộp và phương pháp thử nghiệm được sử dụng, chứ không tiến hành bất cứ thử nghiệm nào để kiểm chứng mức tiêu thụ nhiên liệu mà DN công bố trên tem màu vàng.

Tính đến đầu tuần này, Cục Đăng kiểm đã nhận được 95 bộ hồ sơ của các kiểu loại xe được 9 DN (gồm Toyota, Hyundai, Honda, Suzuki, Ford, Nissan, Audi, BMW và KIA) gửi tới liên quan đến nhãn tiêu thụ năng lượng và đã xem xét được 88 bộ hồ sơ. Danh sách các nhãn hiệu và mẫu xe cụ thể này cũng được Cục công bố công khai trên website của mình.

Tuy nhiên, đại diện Phòng Xe cơ giới cũng cho hay, ngoại trừ Công ty Hyundai Thành Công nộp hồ sơ để thực hiện dán tem màu xanh lá cây cho loại xe Hyundai, các DN khác đều nộp hồ sơ để thực hiện dán tem màu vàng, tức là tem tự công bố.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện một DN ô tô cũng cho biết, các loại xe đang bán tại Việt Nam của DN đều có cả số liệu tiêu thụ nhiên liệu được công ty mẹ ở nước ngoài công bố lẫn số liệu thử nghiệm tại Trung tâm Thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của Cục Đăng kiểm. Tuy nhiên, việc công bố số liệu nào phải có ý kiến của công ty mẹ, do hai số liệu tiêu thụ nhiên liệu này có sự khác nhau.

“Trong thời gian đầu thực hiện dán nhãn tiêu thụ năng lượng, DN nghiêng về phương án chọn tem màu vàng, tức là tự công bố và chịu trách nhiệm về mức tiêu hao nhiên liệu của xe, mà không cần giám định lại tại Cục Đăng kiểm”, đại diện DN này cho hay. 

Được biết, Thông tư 43/2014/TTLT-BGTVT-BCT của Liên bộ Giao thông - Vận tải và Tài chính cũng quy định, từ ngày 1/1/2015, các kiểu loại xe được sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu mới phải dán nhãn tiêu thụ năng lượng. Như vậy, sẽ có tình trạng ở thời điểm sau ngày 1/1/2015 có cả xe được dán nhãn tiêu thụ năng lượng lẫn xe không có nhãn tiêu thụ năng lượng, dù đều mới 100%, bởi đã được sản xuất, nhập khẩu từ trước thời điểm này và không phải áp dụng Thông tư 43/2014/TTLT-BGTVT-BCT.

Cũng bởi để DN có thời gian chuyển đổi, Thông tư 43/2014/TTLT-BGTVT-BCT cho phép các trường hợp được đăng ký tự công bố mức tiêu hao nhiên liệu và dán tem màu vàng sẽ áp dụng từ  ngày 1/1/2015 đến hết ngày 31/12/2016. Nghĩa là, trong 2 năm tới, cùng là xe có nhãn tiêu thụ năng lượng, nhưng có xe sẽ mang tem màu vàng và có xe lại dán tem màu xanh.

Trước thực tế sẽ tồn tại song song 2 tem có màu khác nhau, đại diện một DN ô tô đã nhận xét rằng, đằng nào Cục Đăng kiểm cũng có đủ số liệu tiêu thụ nhiên liệu của các loại xe, thì nên yêu cầu DN cùng công bố mức độ tiêu thụ nhiên liệu trên một mặt bằng, thay vì chỗ thì công bố số liệu của hãng, chỗ thì theo số liệu của Cục Đăng kiểm.

DN này cũng cho rằng, công bố theo số liệu do Cục Đăng kiểm kiểm định sẽ “hơi cao hơn” so với số liệu mà hãng xe tự công bố. Như thế, các xe dán nhãn màu xanh sẽ bị thiệt thòi hơn xe dán tem màu vàng, khi khách hàng tìm hiểu, so sánh và không có thông tin đầy đủ.

Trước thắc mắc này của DN, đại diện Phòng Xe cơ giới cũng cho hay, thời gian 2 năm để cho DN chuyển đổi trước khi tiến tới áp dụng cùng 1 nhãn màu xanh là theo thông lệ quốc tế và có xét tới điều kiện thực tế của DN, của nền kinh tế. “Khách hàng quan tâm tới việc  tiêu thụ nhiên liệu của xe ô tô thì cần phải hiểu rằng, tem màu xanh lá cây có độ tin cậy về số liệu cao hơn tem màu vàng”, đại diện Phòng Xe cơ giới cho hay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư