Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Rủi ro cho nhà quản lý sàn thương mại điện tử nếu phải kê khai, nộp thuế thay
Khánh Linh - 06/11/2024 08:56
 
Đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị bỏ yêu cầu tổ chức là nhà quản lý sàn thương mại điện tử có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.

Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đề nghị sửa đổi Khoản 4, Điều 6 sửa đổi khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế.

Đại biểu Phan Đức Hiếu

Đại biểu Hiếu đề nghị bỏ yêu cầu tổ chức là nhà quản lý sàn thương mại điện tử có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Thay vào đó, bổ sung quy định các nhà quản lý sàn thương mại điện tử có trách nhiệm phối hợp, hợp tác với cơ quan thuế để kê khai, quyết toán thuế, ví dụ như cung cấp doanh thu, thông tin phù hợp khác mà sàn có thể có được…

Theo phân tích của đại biểu Phan Đức Hiếu, yêu cầu trên không chỉ tạo thêm gánh nặng thủ tục cho nhà quản lý sàn thương mại điện tử mà còn tạo rủi ro cho nhà quản lý sàn thương mại điện tử.

“Họ sẽ khó đảm bảo trách nhiệm kê khai, nộp thuế đúng, tuân thủ theo quy định của pháp luật vì nhà quản lý sàn thương mại điện tử chỉ có thông tin về hoạt động kinh doanh của đối tượng này trên sàn của mình, không có thông tin về hoạt động kinh doanh khác”, ông Hiếu phân tích.

Ông cho rằng, các nhà quản lý sàn thương mại điện tử chỉ kê khai, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân theo ủy quyền, như đối với nhà cung cấp nước ngoài trên sàn thương mại điện tử.

Thực tế, nhà quản lý sàn thương mại điện tử chỉ phải kê khai, nộp thuế cho nhà cung cấp nước ngoài nếu nhận ủy quyền.  

Về lâu dài, đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị Chính phủ rà soát toàn diện chính sách thuế, quy tắc xuất xứ … đối với hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, đặc biệt đối với hàng hóa của nhà cung cấp nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam. Yêu cầu này nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng cho mọi doanh nghiệp, đặc biệt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước ta.

Cùng với đó, ông tiếp tục nhấn mạnh các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp của nước ta trong việc nâng cao năng lực cạnh trang, thích ứng với phương thức kinh doanh mới.

Trước đó, cũng trong văn bản gửi Ủy ban Tài chính  - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội góp ý Dự thảo Luật sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã tập hợp các ý kiến của doanh nghiệp, đề nghị xem xét kỹ nội dung này. 

“Nếu không được quy định rõ ràng và chi tiết, quy định này có thể khiến doanh nghiệp và thương nhân kinh doanh trên sàn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện”, VCCI kiến nghị.

Theo tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, quy định bổ sung trách nhiệm của sàn thương mại điện tử trong kê khai, nộp thuế hộ người bán chưa thống nhất với các văn bản luật khác trong lĩnh vực thuế.

Cụ thể, Luật Thuế thu nhập cá nhân chỉ quy định hai chủ thể có trách nhiệm thực hiện kê khai, nộp thuế là cá nhân có thu nhập chịu thuế và tổ chức, cá nhân trả thu nhập. Sàn thương mại điện tử không được coi là tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người bán.

“Như vậy, trách nhiệm kê khai, nộp thuế thuộc về cá nhân có thu nhập chịu thuế, trong trường hợp này là người bán trên sàn”, VCCI làm rõ.

Luật Thuế giá trị gia tăng, tại Điều 4 Luật chỉ quy định hai đối tượng là người nộp thuế. Một là, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (cơ sở kinh doanh). Hai là, tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa (người nhập khẩu). Theo quy định này, người bán trên sàn là đối tượng có trách nhiệm nộp thuế giá trị gia tăng.

Đặc biệt, VCCI lo ngại, quy định trên có thể tạo ra gánh nặng tuân thủ lớn cho các sàn thương mại điện tử, trong khi chưa đánh giá tác động một cách đầy đủ về lợi ích có thể đạt được so với chi phí bỏ ra.

Theo nghiên cứu năm 2022 của VCCI, nếu áp dụng quy định này, các sàn thương mại điện tủ có thể phải tăng tổng chi phí hơn 10% vào năm đầu tiên thực hiện và hơn 8% vào năm tiếp theo để tuân thủ quy định này. Các chi phí chủ yếu bao gồm chi phí công nghệ thông tin và chi phí nhân sự.

Tuy nhiên, từ các tài liệu Dự thảo, VCCI nhận thấy rằng chưa có đánh giá tác động toàn diện về các chi phí mà người dân, doanh nghiệp phải bỏ ra, cũng như lợi ích mà phương án này đạt được, đặc biệt là so sánh với phương pháp hiện nay.

Việc ban hành quy định theo trình tự rút gọn, trong khi chưa có đánh giá tác động cụ thể, có thể mang lại các tác động nghiêm trọng cho doanh nghiệp là chưa phù hợp, chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết 93/NQ-CP.

Cùng với đó, VCCI đặt thêm nhiều câu hỏi. Chẳng hạn, việc thu thuế với người bán vừa kinh doanh trên sàn thương mại điện tử vừa có cửa hàng truyền thống sẽ được thực hiện như thế nào? Hiện nay, người bán đã nộp thuế (dạng thuế khoán) cho cơ quan thuế địa phương. Nếu thu thêm thuế trên sàn thương mại điện tử, liệu có gây ra vấn đề thu thuế hai lần hay không?

Việc thu thuế với người bán lần đầu, người bán dưới ngưỡng thu thuế sẽ được thực hiện như thế nào? Do không có cơ chế hoàn thuế, nếu sàn thương mại điện tử đã thu và nộp cho cơ quan thuế rồi thì có cách nào hoàn trả lại cho người bán hay không?

Người bán có trách nhiệm như thế nào? Nhiều công việc các sàn thương mại điển tử khó có thể tự làm mà phụ thuộc vào người bán như kê khai các thông tin làm căn cứ nộp thuế; xác định mức thuế với từng mặt hàng…

Doanh thu tính thuế được xác định như thế nào? (giá bán, giá bán sau khi trừ khuyến mại hay giá người mua chi trả…)

Khai thuế, nộp thuế thay không tạo gánh nặng cho chủ sàn thương mại điện tử
Bộ Tài chính đề xuất bổ sung trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trong Luật...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư