Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Rủi ro với Nam Việt khi giá cá tra hạ nhiệt
Duy Bắc - 05/10/2022 08:15
 
Giai đoạn đầu năm 2022, khi kinh doanh thuận lợi, hàng loạt công ty xuất khẩu cá tra, trong đó có CTCP Nam Việt (mã ANV) đều nâng kế hoạch kinh doanh, nhưng khi giá cá tra giảm, sẽ là rủi ro cho doanh nghiệp trong việc hoàn thành mục tiêu.
Giá cá tra đang giảm mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này gặp rủi ro 	ảnh: lê toàn
Giá cá tra đang giảm mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này gặp rủi ro.         Ảnh: Lê Toàn

 Qua thời giá cao và cầu mạnh

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá cá tra đông lạnh xuất khẩu trong tháng 8 đạt 2,81 USD/kg, là mức thấp nhất trong 8 tháng qua. Riêng giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ vẫn đạt mức cao 5 USD/kg. Được biết, trong 8 tháng đầu năm, giá cá tra xuất khẩu bình quân sang Mỹ là 4,64 USD/kg, Trung Quốc 2,47 USD/kg, Mexico 2,75 USD/kg, Thái Lan 2,15 USD/kg, Brazil 3,2 USD/kg.

Công ty Chứng khoán Funan nhận định, xuất khẩu cá tra dự kiến hạ nhiệt trong những tháng cuối năm do tác động tiêu cực từ lạm phát.

Nam Việt đã xuất khẩu cá tra sang các thị trường chủ yếu là Trung Quốc, EU, Nga, Australia. Kể từ tháng 8/2022, Nam Việt bắt đầu xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường Mỹ.

Lạm phát cao, sức mua suy giảm và việc giá hàng hóa xuất khẩu cá tra của Việt Nam đang đắt lên tương đối so với các khu vực khác, chính là một rủi ro hiện hữu đối với CTCP Nam Việt.

Hưởng lợi từ điều kiện thị trường thuận lợi trong hơn 1 năm trở lại đây, nhóm công ty xuất khẩu cá tra liên tục báo cáo kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận của CTCP Vĩnh Hoàn là 1.355 tỷ đồng, bằng 94% so với thực hiện năm 2018 và tăng 245% so với cùng kỳ. Nam Việt ghi nhận 447 tỷ đồng, bằng 74% so với thực hiện năm 2018 và tăng 411% so với cùng kỳ; CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I ghi nhận 435 tỷ đồng, bằng 67,5% so với thực hiện đỉnh năm 2018 và tăng 805% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, nhóm Vĩnh Hoàn, Nam Việt và I.D.I có biên lợi nhuận gộp lần lượt là 25%, 32,36% và 17,24%, cao hơn mức đỉnh năm 2018; lợi nhuận gần bằng mức kỷ lục năm 2018.

Được biết, cá tra là loại cá rất dễ nuôi với chu kỳ ngắn, vòng đời trung bình một lứa dao động 6 - 8 tháng. Do thời gian thả nuôi ngắn nên khi giá xuất khẩu cao, nhiều người đồng loạt thả nuôi, nhưng khi giá giảm, họ lại trì hoãn thả nuôi. Chính vì vậy, chu kỳ ngành cá tra phổ biến là 2 - 3 năm.

Trong chu kỳ năm 2018, nhóm xuất khẩu cá tra đạt đỉnh lợi nhuận nhờ giá xuất khẩu tăng cao và nhu cầu tiêu thụ lớn. Giá bán cao đã thúc đẩy người dân thả nuôi ồ ạt, tình trạng dư cung diễn ra và nhóm xuất khẩu cá tra chạm đáy lợi nhuận vào năm 2020.

Sự khác biệt lớn nhất giữa hai thời điểm đỉnh cao của ngành cá tra năm 2018 và 2022 là biến động giá thức ăn chăn nuôi, vốn chiếm 75 - 80% giá thành cá tra.

Năm 2018, giá thức ăn chăn nuôi duy trì mặt bằng thấp, người dân tăng cường nuôi cá. Giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao do ảnh hưởng của bão lương thực, thực phẩm, hiện tượng thả nuôi không còn ồ ạt như trước. Nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng vọt, nguồn cung giảm và giá bán cao bù đắp chi phí đầu vào, cùng với đó là một phần tồn kho giá thấp từ trước, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã lấy lại đỉnh lợi nhuận, với biên lợi nhuận gộp mở rộng.

Tuy nhiên, trước áp lực lạm phát tăng cao trong thời gian qua, giá cá tra có dấu hiệu đạt đỉnh và đang trên xu hướng giảm, điều này sẽ tác động ngược lại đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra.

Thêm nữa, với chính sách tỷ giá thả nổi trong biên độ 3%, việc USD tăng giá, vô hình trung đẩy VND mạnh hơn so với các đồng tiền còn lại. Theo đó, VND đang lên giá so với các quốc gia trong khu vực và thế giới, các thị trường xuất khẩu chính như châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng không phải ngoại lệ.

Với việc nhóm xuất khẩu cá tra nói chung và Nam Việt nói riêng chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, EU, Nga, Australia…, nơi mà VND đang lên giá, khiến hàng hóa Việt Nam đắt hơn so với các quốc gia thả nổi tỷ giá, ảnh hưởng tiêu cực tới nhóm xuất khẩu.

Bên cạnh đó, lạm phát vẫn còn cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, sức mua suy giảm và việc giá hàng hóa xuất khẩu cá tra của Việt Nam đang đắt lên tương đối so với các khu vực khác, chính là một rủi ro hiện hữu đối với Nam Việt nói riêng và nhóm doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nói chung.

Lãnh đạo cấp cao liên tục bán cổ phiếu

Mặc dù tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Ban lãnh đạo Nam Việt cho biết triển vọng tích cực và nâng kế hoạch lợi nhuận từ 720 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, tức tăng 39% so với kế hoạch trước đó và tăng 560% so với thực hiện trong năm 2021.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, liên tục các lãnh đạo cấp cao của Nam Việt lại đồng loạt bán ra cổ phiếu để giảm sở hữu.

Cụ thể, từ ngày 15/7 đến 9/8, ông Đỗ Lập Nghiệp, Chủ tịch HĐQT Nam Việt bán ra 450.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 469.000 cổ phiếu (0,37% vốn điều lệ) về 19.000 cổ phiếu (0,01% vốn điều lệ).

Mới đây, ông Doãn Chí Thiên, trợ lý Tổng giám đốc Nam Việt đăng ký bán 4,99 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 6,88% về còn 3,1% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 23/9 đến 22/10 và nếu giao dịch thành công, ông Thiên không còn là cổ đông lớn của Công ty.

Được biết, ông Thiên cũng chính là con trai ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Công ty. Tính tới 30/6/2022, ông Tới đang là người sở hữu cổ phiếu lớn nhất với tỷ lệ 56,48% vốn điều lệ. Ông Tới cũng là người sáng lập, lãnh đạo Nam Việt từ khi thành lập tới nay.

Hai lãnh đạo này đều bán cổ phiếu trong bối cảnh cổ phiếu đã trải qua đợt tăng nóng và hiện tại đang có dấu hiệu giảm xuống.

Cụ thể, từ ngày 28/1 đến 17/6/2022, cổ phiếu ANV tăng hơn 133%, từ 27.200 đồng lên 63.700 đồng/cổ phiếu và sau đó giảm trở lại. Tính tới ngày 27/9, cổ phiếu ANV đã giảm 33,6%, từ đỉnh 63.700 đồng về 42.300 đồng/cổ phiếu, nhưng vẫn cao hơn 55,5% so với đáy hồi tháng 1/2022.

Có thể thấy, tận dụng điều kiện kinh doanh thuận lợi, Nam Việt báo cáo kết quả kinh doanh ghi nhận mức kỷ lục trong nhiều năm và nhờ vậy giá cổ phiếu cũng tăng cao. Tuy nhiên, việc Ban lãnh đạo đồng loạt bán ra và giá cá tra có dấu hiệu bão hòa và có xu hướng đi xuống đang là rủi ro lớn đối với nhà đầu tư bên ngoài.

Nam Việt: Lãi quý I/2022 tăng gấp 3 lần, lấn sân sang bất động sản
Cước vận chuyển tăng chóng mặt ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động song do doanh thu và giá cả tra tăng, lợi nhuận quý I/2022 của CTCP Nam Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư