Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
Sabeco ra mắt bia Lạc Việt có phân khúc giá tương tự bia Việt của Heineken Việt Nam
Hồng Phúc - 26/06/2020 08:04
 
Bia Lạc Việt của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB) vừa được ra mắt với phân khúc giá tương tự sản phẩm bia Việt do Heineken Việt Nam sản xuất.

Tương đồng đối thủ về diện mạo và giá

Ra mắt bia Lạc Việt là 1 trong những hoạt động trong chuỗi chương trình kỷ niệm Sabeco 145 “tuổi”. 

Điều đáng chú ý là diện mạo bia Lạc Việt của Sabeco và bia Việt của Heineken Việt Nam khá giống nhau khi đều sử dụng biểu tượng “chim Lạc” và “trống đồng Đông Sơn”, 4,3% độ cồn và đặc biệt là giá quá không chênh lệch.

Trong khi bia Việt có giá khoảng 240.000 đồng/thùng thì bia Lạc Việt là 230.000 đồng/thùng/két. 

Dòng bia mới trên của Heineken Việt Nam được ra mắt vào đầu tháng 04/2020, ngay thời điểm đại dịch Covid-19 tại Việt Nam chưa được kiểm soát tốt như hiện nay. Và Sabeco chọn thời điểm này ra mắt Lạc Việt cũng như đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 sẽ diễn ra vào ngày 30/06 tới.  

Lạc Việt là thương hiệu bia đầu tiên trong danh mục sản phẩm của Sabeco không gắn với nhãn hiệu “bia Sài Gòn” như Sài Gòn special, Sài Gòn export, Sài Gòn lager, Sài Gòn Gold hay 333.

Ông Bennett Neo, Tổng giám đốc Sabeco khẳng định, “các dòng sản phẩm của Sabeco không ăn thịt lẫn nhau” dù cùng phân khúc giá. 

“Thời điểm tốt nhất để đầu tư vào thương hiệu mới là lúc thị trường đang bão hòa, người khác ngừng lại và chúng ta có nhiều cơ hội vượt lên xuất sắc hơn. Vào giai đoạn thấp điểm của thị trường, có thể sẽ tốn ít chi phí hơn”, ông Bennett Neo chia sẻ về mối lo ngại Sabeco sẽ tốn nhiều chi phí hơn cho marketing, tăng độ nhận diện của sản phẩm.  

.
Diện mạo của bia Lạc Việt (Sabeco) và bia Việt (Heineken) khá giống nhau cũng như mức giá không quá chênh lệch (Ảnh: HP).

Dù không mang tên gọi quen thuộc là bia Sài Gòn nhưng phía Sabeco lại liên tục nhấn mạnh vào yếu tố “bia sản xuất bởi người Việt và cho người Việt” gắn với Lạc Việt khi định vị sản phẩm này mang phân khúc phổ thông. 

“Các sản phẩm bia Sài Gòn được tiêu thụ trên toàn quốc nhưng Sài Gòn vẫn là cái tên địa phương. Trong khi bia Lạc Việt vừa có mặt trên toàn quốc, lại mang tính quốc gia”, ông Hoàng Đạo Hiệp, Phó Tổng giám đốc Sabeco lý giải và không quên ví von rằng, nếu bia Lạc Việt như một con người thì họ sẽ mang tính cách của một người đích thực, nguyên bản, đơn giản và "không giả vờ".

90% thị phần ngành bia Việt Nam đang thuộc về 4 ông lớn là Sabeco (43%), Heineken (25%) Habeco và Carlsberg, theo số liệu dựa trên tổng sản lượng bán ra trong năm 2018 của Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt. Hiện các con số này có thể đã thay đổi và phần còn lại của thị trường thuộc về các công ty như Sapporo và AB InBev, cũng như các công ty bia nhỏ trong nước như Masan.

Dù thị phần nhỏ hơn Sabeco nhưng Heineken Việt Nam đang thu hẹp dần khoảng cách khi dần tham gia vào những sản phẩm cùng phân khúc về giá và Lạc Việt đang được kỳ vọng có thể “gặm nhấm” thêm thị phần, ít nhất tại khu vực miền Bắc- thị trường mà đối thủ Habeco còn đang loay hoay, phần vì vốn Nhà nước chưa được thoái.

Trong khi đó, từ khi ThaiBev- công ty gián tiếp chi gần 5 tỷ USD mua 53,59% vốn Sabeco hồi năm 2017, các tin đồn về việc “bán Sabeco cho người Trung Quốc”, “bán Sabeco cho nhà đầu tư khác, bán lại cho Bộ Công thương”,…liên tục xuất hiện. 

Theo báo Dân trí, Công ty Bia Sài Gòn Tây Nguyên đã có đơn trình bày về việc 2 đối tượng sử dụng mạng xã hội để đưa tin đồn giả mạo việc bia Sài Gòn bán cho người Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Qua điều tra xác minh, Công an tỉnh Gia Lai xác định hai cá nhân sử dụng mạng xã hội, đăng tải thông tin giả mạo liên quan đến bia Sài Gòn là nhân viên thị trường và nhân viên tiếp thị của Heineken Việt Nam. 

Về thông tin nhượng lại tài sản Sabeco hay bán lại cho Bộ Công thương gần đây, ThaiBev đã có văn bản gửi Sở Chứng khoán Singapore và khẳng định không bán mảng kinh doanh tại Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào. 

Ngược lại tập đoàn vẫn theo sát cam kết hiện thựcc hóa tiềm năng của khoản đầu tư này và khẳng định sẽ tiếp tục củng cố Sabeco trở thành công ty dẫn đầu ngành bia cũng như chiến lược trở thành công ty đồ uống lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

“Một số tin đồn ác ý nhắm vào chúng tôi khiến ảnh hưởng đến việc bán hàng khu vực miền Trung. Hy vọng Chính phủ ban hành quy định giải quyết tận gốc với những người tung tin giả. Tin giả có thể phá hoại việc làm ăn và phá hoại cuộc sống”, Tổng giám đốc Sabeco nói.  

.
Ông Bennet Neo, Tổng giám đốc Sabeco (Ảnh: SAB).

Lãi năm nay dự kiến giảm hơn 2.000 tỷ đồng

Ban lãnh đạo Sabeco dự kiến lợi nhuận sau thuế năm nay giảm 39% so với kết quả năm 2019, tương đương chỉ còn 3.252 tỷ đồng. 
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, ngành bia Việt Nam đang nếm trải hai ảnh hưởng tiêu cực, khiến sản lượng giảm gần 19% so với cùng kỳ năm 2019.

Hai ảnh hưởng đến từ Nghị định 100 (với các quy định khắt khe hơn với tiếp thị, quảng cáo bia cũng như xử phạt nặng hơn khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở) và tác động từ đại dịch Covid-19. 

Tính đến cuối năm 2019, Sabeco có 26 công ty con, chiếm tỷ lệ sở hữu trên 51% vốn và 18 công ty liên doanh, liên kết.

Ban lãnh đạo Sabeco dự đoán, xu hướng tiêu thụ các dòng bia cao cấp sẽ tiếp tục tăng trưởng do thu nhập tăng trong các năm qua. 

Dù vậy, thị trường bia năm 2020 sẽ tiếp tục diễn ra các cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các công ty sản xuất nhằm gia tăng thị phần. 

Bên cạnh các nhiệm vụ liên quan đến giữ thị phần khu vực thành thị, Sabeco sẽ tăng độ phủ tại nông thôn và đẩy mạnh xuất khẩu cũng như cho ra đời các sản phẩm mới, giảm chi phí hoạt động, xây dựng hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời,…

Tổng giám đốc Sabeco: Ngành bia rượu sẽ tiếp tục trở nên khó khăn hơn
“Chúng tôi dự kiến rằng tình hình sẽ tiếp tục trở nên khó khăn hơn trước khi có thể bắt đầu phục hồi vào nửa cuối năm 2020”, ông Neo Gim...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư