Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 12 năm 2024,
Sắc đỏ áp đảo, VN-Index giảm hơn 10 điểm
Thanh Thuỷ - 04/11/2024 18:05
 
Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận biến động tiêu cực trong phiên giao dịch ngày 4/11 trước áp lực bán mạnh ở nhiều nhóm ngành, đặc biệt là dòng ngân hàng. VN-Index không thể trụ vững ở mốc 1.250 điểm.

Sau tuần giao dịch ảm đạm với giá trị giao dịch trung bình trên cả 3 sàn giảm hơn 18% (không tính giao dịch thỏa thuận cao đột biến), thanh khoản vẫn chưa khá hơn ở phiên đầu tuần.

Tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa được cải thiện, phần nào cũng đang chờ đợi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào 5/11. Cùng với đó, thị trường đang đi vào vùng trống thông tin khiến nhà đầu tư thận trọng hơn. Diễn biến các chỉ số có phần giằng co với sự hồi phục tốt ở một số cổ phiếu bất động sản. Tuy nhiên, áp lực bán mạnh nhanh chóng xuất hiện ngay sau đó và kéo các chỉ số lùi sâu xuống dưới mốc tham chiếu. Hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu chìm trong sắc đỏ và gây ra áp lực mạnh lên thị trường chung.

“Tội đồ” trong phiên giao dịch hôm nay thuộc về nhóm cổ phiếu ngân hàng, như TPB, VIB, VPB, VCB… Dòng ngân hàng giảm mạnh ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Đóng cửa phiên giao dịch, TPB giảm đến 2,9%, VPB giảm 2,23%, HDB giảm 1,9%, VIB giảm 1,9%, VCB giảm 1,1%... VCB cũng chính là cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index khi lấy đi 1,38 điểm. VPB và TCB lấy đi lần lượt 0,87 điểm và 0,43 điểm của chỉ số chung.

Không chỉ nhóm ngân hàng, hàng loạt cổ phiếu lớn khác trên thị trường cũng giảm khá mạnh. GVR giảm đến 2,3% và lấy đi của VN-Index 0,73 điểm. Các mã lớn khác như FPT, HVN, MSN… cũng nằm trong danh sách các mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index.

VCB và VPB kéo VN-Index lùi sâu.

Trong nhóm VN30 phiên hôm nay chỉ có 5 mã tăng giá gồm BVH, SAB, CTG, SSI và BCM, trong đó, BVH, SAB và BCM thường xuyên đóng vai trò điều tiết thị trường khi đây là những mã có thanh khoản tương đối thấp so với mặt bằng chung của nhóm VN30. BVH tăng 0,46%, SAB tăng 0,36%, BCM tăng 0,15%. Bên ngoài nhóm VN30, REE cũng gây bất ngờ khi tăng mạnh 3,2% và là mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index với 0,23 điểm. KBC bất ngờ tăng 2,7% và cũng đóng góp 0,13 điểm cho VN-Index.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán có sự hồi phục mạnh vào cuối phiên, trong đó những cái tên như FTS, MBS, HCM, BSI, VCI… đều tăng tốt. Chốt phiên, FTS tăng đến 4%, MBS tăng 2,2%, HCM tăng 2,1%, BSI tăng 1,5%...

Ở nhóm bất động sản, QCG tiếp tục khiến nhà đầu tư phải chú ý khi được kéo lên mức giá trần 13.050 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh đó các mã bất động sản như HQC, DIG, HDG, DXG hay PDR… đều giữ được sắc xanh nhẹ ở phiên hôm nay. Dù vậy, sự phân hóa ở nhóm bất động sản là khá mạnh khi các mã như NLG, TCH, HDC… lại giảm khá mạnh. NLG giảm đến 2,95%, TCB giảm 3,48%...

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 10,18 điểm (-0,81%) xuống 1.244,71 điểm. Toàn sàn có 93 mã tăng, 287 mã giảm và 59 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,96 điểm (-0,43%) xuống 224,45 diểm. Toàn sàn có 48 mã tăng, 102 mã giảm. UPCoM-Index giảm 0,35 điểm (-0,38%) xuống 91,61 điểm. VN-Index "thủng" mốc 1.250 điểm và ghi nhận mức thấp nhất kể từ ngày 18/9. 

Trên HoSE, tổng khối lượng giao dịch đạt 710 triệu cổ phiếu, trị giá 15.854 tỷ đồng, tăng 7,2% so với mức 14.790 tỷ đồng của phiên cuối tuần trước. Giá trị giao dịch thỏa thuận ở phiên này chiếm khoảng gần 2.500 tỷ đồng.

Khối ngoại nối dài chuỗi bán ròng.

Khối ngoại nối dài chuỗi bán ròng với giá trị khoảng 673 tỷ đồng trên sàn HoSE. Chuỗi bán ròng của khối ngoại đã kéo dài từ ngày 11/10 đến nay.

Trong phiên hôm nay, MSN bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với 246 tỷ đồng. VHM cũng bị bán ròng hơn 200 tỷ đồng. FPT và VCB bị bán ròng lần lượt 101 tỷ đồng và 48 tỷ đồng. Ở hướng ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã STB với 84 tỷ đồng. MWG đứng sau với giá trị mua ròng 63 tỷ đồng. Tiếp sau đó, VPB được mua ròng 33 tỷ đồng.

Góc nhìn TTCK tuần 4-8/11: Tiếp diễn xu hướng giằng co
Chiến lược mua vào cổ phiếu ở vùng cận dưới kênh tích lũy quanh 1.240-1.250 điểm và chốt lời khi VN-index chạm cận trên của kênh tích lũy tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư