Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
SaigonRes “ghi bàn” ở phút chót
Thanh Thủy - 19/01/2020 14:07
 
Phần lãi chênh lệch từ thương vụ chuyển nhượng Dự án Khu nhà ở Lê Gia Plaza dự kiến sẽ thay đổi kết quả kinh doanh năm 2019 của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (SaigonRes, mã SGR) ở phút cuối.
Mặt bằng Dự án Khu nhà ở Lê Gia Plaza tại huyện Tân Uyên, Bình Dương. Ảnh: S.T
Mặt bằng Dự án Khu nhà ở Lê Gia Plaza tại huyện Tân Uyên, Bình Dương. Ảnh: S.T

Thương vụ khuấy động thị trường

Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (SaigonRes, mã SGR) đã khuấy động thị trường bất động sản ngay từ những ngày đầu năm 2020, khi chính thức công bố Dự án Khu nhà ở Lê Gia Plaza tại huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã được SaigonRes chuyển nhượng cho chủ đầu tư mới thông qua việc chuyển toàn bộ cổ phần vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Lê Gia.

SaigonRes vừa mới đầu tư vào Lê Gia Plaza từ tháng 1/2019, sau khi mua lại 70% vốn góp với giá 238,6 tỷ đồng. Trong chưa đầy một năm, SaigonRes thực hiện các thủ tục pháp lý cho Dự án, triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật và tìm kiếm đối tác chuyển nhượng dự án.

Lãnh đạo SaigonRes cho biết, giá trị chuyển nhượng trong thương vụ trên là 600 tỷ đồng, tức gấp 2,5 lần giá mua ban đầu. Đây cũng là dự án chiến lược mang về nguồn lợi nhuận chính của SaigonRes trong năm 2019. Phần lãi chênh lệch từ giao dịch trên dự kiến sẽ thay đổi kết quả kinh doanh của SaigonRes ở phút cuối, bởi trong 9 tháng đầu năm 2019, doanh nghiệp này mới hoàn thành 22,5% mục tiêu 210 tỷ đồng lợi nhuận.

An Gia Group - bên nhận chuyển nhượng Lê Gia Plaza cũng không phải cái tên xa lạ trên thị trường. Từ hoạt động môi giới, doanh nghiệp bất động sản này đã trực tiếp đầu tư vào nhiều dự án và cũng vừa niêm yết trên thị trường chứng khoán những ngày đầu năm 2020. Quyết định mua lại dự án trên nằm trong chiến lược mở rộng quỹ đất với quy mô hàng năm lên tới 5.000 - 10.000 tỷ đồng mỗi năm của An Gia Group.

Động lực mới của thủ phủ công nghiệp

Khu nhà ở Lê Gia Plaza nằm tại phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với quy mô đất 6,9 ha, trong đó hơn một nửa là đất ở nhà liền kề (khoảng 403 nền). Nói về quyết định đầu tư vào Lê Gia Plaza, lãnh đạo SaigonRes thừa nhận đã có những đắn đo về tính khả thi của Dự án. Phần chênh lệch lợi nhuận trên không ngẫu nhiên, mà đến từ khả năng nắm bắt thị trường.

Trong khi đó, cũng không phải vô cớ An Gia Group lựa chọn dự án này và chấp nhận mua với giá chuyển nhượng cao như trên. Những chuyển động của Dự án Khu công nghiệp VSIP III cùng sự nâng cấp, hoàn thiện nhanh chóng của hệ thống hạ tầng đang thu hút dòng tiền đầu tư vào khu vực này, kéo theo sự nóng lên của thị trường bất động sản tại thủ phủ công nghiệp Bình Dương.

Hồi tháng 3/2019, Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP III) trên diện tích 1.000 ha tại xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương, với thời gian thực hiện là 50 năm, tổng mức đầu tư 6.407 tỷ đồng.

Trước đó, dự án khu công nghiệp này đã rục rịch những bước chuẩn bị. Hơn 690 ha trong dự án này là vườn cao su của Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa. Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) đã thỏa thuận bồi thường và hỗ trợ thiệt hại cây cao su do thanh lý sớm với giá bình quân 1,3 tỷ đồng/ha. Tổng số tiền đền bù chỉ với riêng phần đất trên xấp xỉ 900 tỷ đồng. Ngoài ra, Cao su Phước Hòa được nhận 20% lợi nhuận từ hoạt động cho thuê đất, tối thiểu 1,2 tỷ đồng/ha chia theo tiến độ cho thuê đất.

Đây đã là dự án thứ ba của VSIP tại Bình Dương. Hai khu công nghiệp trước đó đã có tổng diện tích gần 2.550 ha. Trong đó, VSIP I với diện tích 500 ha đi vào hoạt động từ năm 1996. VSIP II ra đời sau đó 10 năm có tổng diện tích 2.045 ha. Năm 2008, VSIP II mở rộng thêm 1.700 ha, gồm 1.000 ha phát triển khu công nghiệp và 700 ha phát triển khu đô thị và dịch vụ. Với tỷ lệ lấp đầy diện tích thuê cao, 2 khu công nghiệp này đã giúp giải quyết lượng lớn lao động phổ thông, đào tạo thêm lao động có tay nghề.

Bình Dương, thủ phủ công nghiệp với 28 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tiếp tục là điểm đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài những năm gần đây. Riêng trong năm 2019, tỉnh này đã có thêm hơn 3.232 tỷ đồng vốn đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và vốn góp. Con số trên cao gấp rưỡi so với năm trước và cũng chỉ thấp hơn 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Sự sôi động của các khu công nghiệp cũng thấy rõ từ xu hướng tăng mạnh nhu cầu sử dụng nước của Bình Dương. Trong 9 tháng đầu năm, Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, mã BWE)  thu về 1.777 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng sản xuất và kinh doanh nước sạch đóng góp chính vào doanh thu và lợi nhuận gộp, lần lượt đạt 1.171 tỷ đồng và 599 tỷ đồng.

Đất Xanh góp hơn 700 tỷ thành lập công ty con để phát triển Dự án SaigonRes Riverside
Công ty cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (mã DXG, sàn HOSE) cho biết sẽ góp 712,5 tỷ thành lập công ty mới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư