Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
SaigonRes cứu lợi nhuận từ thương vụ M&A
Thanh Thủy - 20/12/2019 14:35
 
Nguồn thu từ chốt lời thương vụ mua bán công ty đang góp phần quan trọng đem lại lợi nhuận cho Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (SaigonRes).
Phối cảnh Dự án Lê Gia Plaza tại Bình Dương của Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Lê Gia, công ty con của SaigonRes.
Phối cảnh Dự án Lê Gia Plaza tại Bình Dương của Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Lê Gia, công ty con của SaigonRes.

Lãi lớn từ “lướt sóng” công ty

47,7 tỷ đồng là con số lợi nhuận trước thuế mà Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (SaigonRes, mã SGR) đạt được trong 9 tháng đầu năm và mới hoàn thành 22,5% kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, lợi nhuận doanh nghiệp này vẫn có thể bật lên trong quý cuối cùng của năm, như đã từng diễn ra trong năm 2018, nhờ ghi nhận doanh thu từ hợp đồng hợp tác đầu tư và chuyển nhượng cổ phần.

Báo cáo hợp nhất quý III/2019 của SaigonRes đã không tiến hành hợp nhất kinh doanh với công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Lê Gia, bởi SaigonRes dự kiến chuyển nhượng cổ phần cho đối tác. Lê Gia là chủ đầu tư Dự án Khu nhà ở Lê Gia Plaza tại Bình Dương với quy mô đất 6,9 ha, trong đó hơn một nửa là đất ở nhà liền kề (khoảng 403 nền). SaigonRes cũng chỉ mới sở hữu chi phối doanh nghiệp dự án này sau giao dịch mua lại 70% vốn góp hồi tháng 1/2019 với giá 238,6 tỷ đồng. Nếu kịp hoàn tất thương vụ “lướt sóng” dự án này, kết quả kinh doanh của SaigonRes sẽ được “cứu vớt” phần nào trong phút chót.

Năm 2018, công ty này thoái vốn tại Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Du lịch Phước Lộc - chủ đầu tư Dự án Vũng Tàu Golden Complex, với 1.118 căn hộ du lịch, 115 phòng khách sạn và diện tích lớn sàn thương mại - dịch vụ. Sau khi xong phần móng và sàn tầng hầm B1, SaigonRes đã rút khỏi dự án này. Đây được xem là một quyết định khá hợp lý trong bối cảnh phân khúc condotel gặp khó khăn về cầu và yếu tố pháp lý.

Ngoài đóng góp chính cho lợi nhuận năm 2018, nguồn thu từ mua bán dự án này còn mang về 50 tỷ đồng doanh thu tài chính trong quý I/2019. Nếu không ghi nhận khoản lãi này, con số lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm đã chuyển thành số âm, thay vì mức 47,7 tỷ đồng hiện tại.

Lợi thế năng lực tài chính

Mảng kinh doanh bất động không mấy sáng sủa trong 2 năm gần đây không phải bởi SaigonRes “cạn đất”. Sở hữu gần chục dự án, nhưng phần lớn trong số này đang gặp vướng ở khâu giải phóng mặt bằng và thủ tục pháp lý. Tuyến đường kết nối 3 dự án của Công ty là An Phú River View, An Phú Residences và Gem Premium ra trục đường chính Phạm Văn Đồng cũng mới ở giai đoạn tích cực phối hợp với các đơn bị quản lý đầu tư xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng của quận nhằm đẩy nhanh công tác đền bù giải tỏa.

Số tiền đầu tư vào các dự án bất động sản dở dang trong 9 tháng đầu năm chỉ tăng thêm 33 tỷ đồng, nếu không kể biến động liên quan đến Dự án tại Vũng Tàu đã bán và Lê Gia Plaza mới mua thêm.

Không riêng SaigonRes, thị trường bất động sản TP.HCM trong 2 năm gần đây bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường bất động sản Thành phố thời gian gần đây rơi vào tình trạng khó khăn có tính nhất thời, do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật.

Thực hiện tìm kiếm các thương vụ M&A để tích lũy dự án bất động sản có vị trí đẹp, pháp lý rõ ràng và chuẩn bị chiến lược trung, dài hạn là chiến lược kinh doanh được công ty này đưa ra từ đầu năm.

Theo lãnh đạo Công ty, lợi thế của SaigonRes khi thực hiện các thương vụ M&A nằm ở năng lực tài chính vững vàng. “Sự đổ bộ của các doanh nghiệp nước ngoài rót vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam và các thương vụ M&A rầm rộ xuất hiện khiến Công ty cần nỗ lực hơn nữa trong việc tìm kiếm dự án mới”, lãnh đạo SaigonRes cho hay.

Tỷ lệ nợ vay đến cuối quý III/2019 đạt 61,3%, nhưng nhìn kỹ vào cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp bất động sản này, có thể thấy, các khoản nợ vay ngân hàng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 6,3% tổng tài sản theo cập nhật tình hình tài chính đến cuối quý III/2019. Còn lại, vốn vay của doanh nghiệp chủ yếu là khách hàng trả trước, các khoản phải trả đối tác…

Dư địa tìm thêm nguồn vốn tín dụng ngân hàng của SaigonRes vẫn rộng mở trong bối cảnh ngân hàng siết vốn vay vào lĩnh vực có hệ số rủi ro cao như bất động sản để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong quý cuối năm, HĐQT SaigonRes có tới hai lần thông qua chủ trương sử dụng tài sản đảm bảo để vay ngân hàng với tổng hạn mức 270 tỷ đồng. Hỗ trợ SaigonRes khi dòng tiền mảng kinh doanh bất động sản thu hẹp, nguồn tiền từ hoạt động “chốt lời” thương vụ M&A tích lũy vào lợi nhuận đã và dự kiến còn tiếp tục mang thêm nguồn tài chính.

Hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) của SaigonRes sôi động cả chiều bán và mua. Ngoài mua lại 70% Lê Gia, trong năm 2019, Công ty đã quyết định vào Công ty Hải Sinh Nguyên - chủ đầu tư Dự án Khu resort nghỉ dưỡng Bắc Vũng Bầu tại Phú Quốc, với tỷ lệ sở hữu 27%. Đầu tháng 12/2019, HĐQT SaigonRes cũng đã thông qua chủ trương mua 100% vốn Công ty cổ phần Xây dựng Sài Gòn Kim Hảo có vốn điều lệ 175 tỷ đồng. Một trong các dự án mà Sài Gòn Kim Hảo đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2017 là Dự án xây dựng mới chung cư cũ tại 11 - Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM).
Doanh nghiệp địa ốc “loay hoay” với bài toán vốn
Lãi suất tín dụng bất động sản tăng cao và bị thắt chặt, trong khi kênh huy động từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu và các quỹ đầu tư còn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư