Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
SAM Holdings dùng hàng chục triệu cổ phiếu làm tài sản cho lô trái phiếu 250 tỷ đồng
Duy Bắc - 16/11/2022 14:26
 
CTCP SAM Holdings (Mã SAM - sàn HoSE) dùng 22 triệu cổ phiếu VAB và 11,39 triệu cổ phiếu DVN làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu có mệnh giá 250 tỷ đồng.

Dùng cổ phiếu DVN và VAB đảm bảo khoản trái phiếu mệnh giá 250 tỷ đồng

Theo nguồn tin của phóng viên Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn, SAM Holdings đã phát hành một lô trái phiếu mệnh giá 250 tỷ đồng, mã trái phiếu SAMH2122001, ngày phát hành 8/12/2021 và kỳ hạn 1 năm. Trong đó, tài sản đảm bảo là 22 triệu cổ phiếu Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á (mã VAB); 11.385.100 cổ phiếu Tổng công ty Dược Việt Nam (mã DVN).

Từ thời điểm phát hành lô trái phiếu, Dược Việt Nam đã trả cổ tức tiền mặt với tổng tỷ lệ 12,7% và Ngân hàng Việt Á trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 21,35% bằng cổ phiếu.

Như vậy, với 22 triệu cổ phiếu Ngân hàng Việt Á, số cổ phiếu này sẽ nhận thêm 4.697.000 cổ phiếu VAB, nâng tổng cổ phiếu lên 26.697.000 cổ phiếu; với 11.385.100 cổ phiếu Tổng công ty Dược Việt Nam sẽ nhận thêm 14,46 tỷ đồng tiền cổ tức với tỷ lệ 12,7%.

Tính tới ngày 15/11, cổ phiếu DVN giao dịch vùng 17.300 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu VAB giao dịch vùng 5.900 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, tổng giá trị tài sản đảm bảo cổ phiếu VAB là 157,51 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản đảm bảo cổ phiếu DVN là 211,42 tỷ đồng và lũy kế giá trị tài sản đảm bảo của lô trái phiếu là 368,93 tỷ đồng.

Được biết, thời điểm phát hành lô trái phiếu mã SAMH2122001, SAM Holdings cho biết tổng giá trị tài sản đảm bảo tối thiểu phải bằng 200% so với giá trị theo mệnh giá của lô trái phiếu, tương ứng 500 tỷ đồng.

Như vậy, tính tới ngày 15/11, do giá cổ phiếu DVN và VAB giảm sâu, giá trị tài sản đảm bảo là 368,93 tỷ đồng, thấp hơn 131,1 tỷ đồng giá trị tài sản đảm bảo tối thiểu (500 tỷ đồng).

Với việc giá trị tài sản đảm bảo thấp hơn giá trị tối thiểu, SAM Holdings sẽ phải bổ sung tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu nói trên.

Tính tới 30/9/2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của SAM Holdings tăng 9,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 149 tỷ đồng lên 1.753,2 tỷ đồng và chiếm 17,7% tổng nguồn vốn. Trong đó, 1.379,1 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn và 374,1 tỷ đồng là nợ vay dài hạn.

Tiếp tục thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính

Trong quý III/2022, SAM Holdings ghi nhận doanh thu đạt 545,87 tỷ đồng, tăng 43,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 11,32 tỷ đồng, giảm 76,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 1,9% lên 8,7%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 558,5% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 40,38 tỷ đồng lên 47,61 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 28,3%, tương ứng giảm 27,92 tỷ đồng về 70,72 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 400,4%, tương ứng tăng thêm 47,41 tỷ đồng lên 59,25 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 55,8%, tương ứng tăng thêm 15,52 tỷ đồng lên 43,34 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý III, Công ty ghi nhận lỗ 54,98 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 32,43 tỷ đồng.

Như vậy, Công ty chỉ thoát lỗ nhờ hoạt động tài chính khi ghi nhận doanh thu tài chính 70,61 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty có thuyết minh chi phí tài chính tăng đột biến do ghi nhận lỗ do thanh lý các khoản đầu tư 47,6 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 1.573,8 tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 45,63 tỷ đồng, giảm 25,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2022, SAM đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.855,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 210,7 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 69,83 tỷ đồng, Công ty mới hoàn thành 33,1% kế hoạch lợi nhuận năm và cách rất xa kế hoạch năm.

Cổ phiếu HPG là khoản đầu tư tài chính lớn nhất của SAM Holdings

Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của SAM Holdings tăng 31,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.370,8 tỷ đồng lên 9.915,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu đầu tư tài chính dài hạn đạt 2.295,7 tỷ đồng, chiếm 23,2% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn đạt 2.119,1 tỷ đồng, chiếm 21,4% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 2.062,7 tỷ đồng, chiếm 20,8% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt 1.447,3 tỷ đồng, chiếm 14,6% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong kỳ, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 55,4% so với đầu năm, tương ứng giảm 615,9 tỷ đồng về 495,2 tỷ đồng; các khoản phải thu dài hạn tăng 802,5%, tương ứng tăng thêm 1.884,3 tỷ đồng lên 2.119,1 tỷ đồng; đầu tư tài chính dài hạn tăng 44,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 710,8 tỷ đồng lên 2.295,7 tỷ đồng và các biến động khác.

Phải thu dài hạn tăng so với đầu năm chủ yếu do Công ty bắt đầu ghi nhận phải thu dài hạn của Công ty TNHH Dịch vụ Đầu tư Đông Dương 810 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Sơn Thủy 670 tỷ đồng và Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn và Đầu tư Hải Hà Land 570 tỷ đồng.

Xét về danh mục đầu tư chứng khoán, đầu năm ghi nhận 278,5 tỷ đồng và trích lập dự phòng 2,81 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm 30/9/2022, danh mục đầu tư chứng khoán là 311,2 tỷ đồng, trích lập dự phòng 55,54 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 17,8% tổng danh mục.

Trong đó, danh mục đầu tư chủ yếu 91,12 tỷ đồng cổ phiếu HPG; 62,22 tỷ đồng  cổ phiếu SJS; 56,42 tỷ đồng cổ phiếu DNP; 20,7 tỷ đồng cổ phiếu SSI; 20,5 tỷ đồng cổ phiếu TCB…

Đối với danh mục đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, SAM Holdings bắt đầu ghi nhận khoản đầu tư 726,9 tỷ đồng vào CTCP Liên Doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thủy so với đầu năm không ghi nhận.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/11, cổ phiếu SAM giảm sàn 450 đồng về 6.060 đồng/cổ phiếu.

SAM Holdings kinh doanh kém vì chậm triển khai dự án
Dù là doanh nghiệp sở hữu nhiều tài sản hiếm, tài sản ngầm, nhưng sau 6 tháng đầu năm, hàng loạt dự án lớn của Công ty cổ phần SAM Holdings vẫn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư