Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 12 năm 2024,
Samsung đồng hành với doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình phát triển nhà máy thông minh
Nhã Nam - 07/09/2023 11:56
 
Giải pháp nhà máy thông minh được xem là “chìa khóa” mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt “chen chân” vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng trong quá trình “chuyển mình” ấy, cần sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ và các doanh nghiệp toàn cầu.

“Lột xác” sau cải tiến

Công ty TNHH Điện tử Việt - Nhật (Cụm công nghiệp Vĩnh Phúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) là một trong số những doanh nghiệp được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh, do Samsung phối hợp với Bộ Công thương thực hiện.

Dự án này được triển khai từ năm 2022, nhằm nâng cao khả năng chuyên môn của đội ngũ chuyên gia tư vấn trong nước và cải tiến năng lực vận hành sản xuất trên nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp. 

Sau 90 ngày được tư vấn, Công ty TNHH Điện tử Việt - Nhật gần như đã “lột xác”. 

Công ty TNHH Điện tử Việt - Nhật đã "lột xác" sau khi nhận được sự hỗ trợ để phát triển mô hình nhà máy thông minh

“Nhờ được chuyên gia của Tập đoàn Samsung tư vấn, các dây chuyền sản xuất thủ công cũ đang được chúng tôi chuyển đổi sang tự động hóa. Đây là một trong nhiều phần việc của nội dung xây dựng nhà máy thông minh mà chúng tôi đang thực hiện và hướng tới”, ông Đồng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty cho biết.

Ông Tùng kể, trước đây, để quản lý kho hàng, thông thường thủ kho phải ghi chép bằng tay rồi nhập vào sổ. Vì thế, có độ trễ về thời gian và còn có thể xảy ra sai sót, tùy thuộc vào kinh nghiệm hay tài năng của thủ kho.

Nhưng từ khi áp dụng nhà kho thông minh, quản lý bằng phần mềm mã QR Code, chỉ cần thao tác đơn giản trên điện thoại hay máy tính, thì dữ liệu của từng sản phẩm, như tên hàng hóa, chủng loại, ngày sản xuất, vị trí trong kho đều được tự động cập nhật chính xác 100%, giúp giảm thiểu thời gian và quản lý chính xác hàng ra - vào.

Theo ông Tùng, nhờ có hệ thống quản lý dữ liệu thông minh mà toàn bộ năng suất, chất lượng sản phẩm sản xuất ra đều được tự động cập nhật, giúp quản lý doanh nghiệp nắm được thời gian hoàn thiện của từng công đoạn, số sản phẩm hoàn thành, số sản phẩm bị lỗi, lỗi ở khâu nào, nguyên nhân do đâu… để có sự điều chỉnh hiệu quả hơn, dù không có mặt ở nhà máy.

“Bất cứ ở đâu, chúng tôi cũng truy vấn được quá trình sản xuất và chất lượng sản phẩm nên tính hiệu quả tăng lên rất cao. Hiệu suất sản xuất của chúng tôi cũng tăng lên từ 10-20%”, ông Tùng cho biết.

Đối với người lao động trong Công ty, việc chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh cũng mang lại cho họ nhiều thay đổi.

Theo đó, trước khi bước vào làm việc, người lao động phải chuẩn bị kỹ càng, từ máy móc cho tới các chi tiết, linh kiện sản xuất. Việc riêng của người lao động cũng buộc phải xử lý xong trước khi bước vào dây chuyền, bởi chỉ cần bị gián đoạn ở một khâu nào đó, do một cá nhân nào đó, dù chỉ 5-10 phút, cũng sẽ ảnh hưởng tới cả dây chuyền sản xuất.

“Khi chuyển đổi mô hình nhà máy thông minh, môi trường làm việc, cách thức cũng như phong cách làm việc của toàn bộ nhân viên trong Công ty cũng được cải thiện, trở nên chuyên nghiệp hơn, góp phần sản xuất sản phẩm có chất lượng tốt hơn”, Vũ Xuân Tiệp, một nhân viên tại Việt - Nhật chia sẻ.

Cần được hỗ trợ để hiện thực hóa mô hình nhà máy thông minh

Sự chuyển mình thành công của Việt - Nhật sau khi tham gia Dự án Hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh đã cho thấy, bằng sự nỗ lực, quyết tâm và sự đồng hành chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp toàn cầu, các doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể thay đổi để đạt các tiêu chuẩn của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đại diện chuyên gia tư vấn được phái cử từ Samsung Hàn Quốc, ông Kweon Hyeogchel cho biết, trong thời gian thực hiện Dự án, cá nhân ông cảm nhận rõ nét tinh thần quyết liệt của lãnh đạo các doanh nghiệp đối với mục tiêu phát triển mô hình nhà máy thông minh, qua đó nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh trong bối cảnh khó khăn và cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, Samsung sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Việt trong phát triển mô hình nhà máy thông minh

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, mặc dù các công ty Việt Nam đang rất quan tâm và mong muốn vận dụng các nguồn dữ liệu thực tại hiện trường sản xuất - yếu tố đóng vai trò nền tảng trong việc xây dựng nhà máy thông minh, nhưng điều đáng tiếc là các doanh nghiệp vẫn đang do dự trong việc áp dụng “hệ thống quản lý dữ liệu” vì không biết cách thức thực hiện hoặc do áp lực về tài chính.

Để giải quyết vấn đề này, ông Choi đề xuất rằng, khi các doanh nghiệp đã quyết tâm hiện thực hóa việc xây dựng mô hình nhà máy thông minh, thì Chính phủ Việt Nam cần giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp này bằng cách áp dụng các chính sách về hỗ trợ chi phí hoặc miến giảm thuế...

“Chỉ khi các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam phát triển thành công mô hình ‘nhà máy thông minh’ thì mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh theo tiêu chuẩn toàn cầu và mở rộng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Samsung sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình ấy”, ông Choi Joo Ho nhấn mạnh.

Tính đến cuối năm 2022, Samsung đã tư vấn hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh cho tổng 26 doanh nghiệp và đào tạo 51 chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực nhà máy thông minh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư