Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sàn chứng khoán “đỏ lửa” ngày tỷ giá tăng nóng
Thanh Thủy - 18/09/2023 17:21
 
Nhích tăng nhẹ trong phiên thứ Sáu, VN-Index quay đầu giảm hơn 15,5 điểm. Sắc đỏ lại trở lại áp đảo trên cả ba sàn. Khối ngoại cũng trở lại trạng thái bán ròng mạnh.

Duy trì sắc đỏ trong toàn bộ phiên giao dịch, VN-Index mở cửa tuần mới khá tiêu cực khi có thời điểm giảm sâu xuống 1.205 điểm. Phiên điều chỉnh diễn ra sau khi chỉ số hồi phục nhẹ cuối tuần trước. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa giảm 15,55 điểm, tương ứng mức giảm 1,27%, xuống 1.211,81 điểm. Chỉ số sàn HNX và UPCoM cũng đa phần giao dịch dưới mốc tham chiếu nhưng mức giảm kết phiên vẫn “khiêm tốn” hơn, lần lượt giả 0,9% và 0,63% so với cuối tuần trước.

Thanh khoản trên thị trường vẫn ở mức cao nhưng thấp hơn các phiên liền trước. Trên cả ba sàn, giá trị giao dịch đạt 22.587 tỷ đồng. Trong đó, tại sàn HoSE, có gần 845 triệu đơn vị cổ phiếu được sang tay, với quy mô giao dịch đạt 18.768 tỷ đồng, giảm 8,8% so với phiên liền trước. Đây cũng là mức thanh khoản thấp nhất trên sàn chứng khoán TP.HCM kể từ phiên 24/8.

Không có cổ phiếu nào đạt mức thanh khoản nghìn tỷ đồng trong phiên. Các nhà đầu tư vẫn đang thận trọng quan sát. Các nhà đầu tư nước ngoài trở lại trạng thái bán ròng, thu về tổng cộng 485 tỷ đồng trong phiên.

Giao dịch sôi động nhất diễn ra ở cổ phiếu SSI (900 tỷ đồng), GEX (gần 710 tỷ đồng), VND (709 tỷ đồng), VIC (605 tỷ đồng)… VIC là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất. Nhóm nhà đầu tư nước ngoài bán ra 253 tỷ đồng, mua vào 117 tỷ đồng, qua đó bán ròng 136 tỷ đồng. Giá cổ phiếu VIC giảm thêm 1,12%, qua đó có phiên giảm thứ tư liên tiếp, kéo mức giảm từ đỉnh tháng 8 lên gần 30%.  Cổ phiếu Vincom Retail cũng chung cảnh, bị bán ròng 45,6 tỷ đồng và giảm tới 2,46% trong phiên.

Trong khi đó, hai ông lớn ngành chứng khoán không chỉ hút mạnh dòng tiền mà còn ngược dòng, kết phiên tăng điểm so với tuần trước.

Tuy nhiên, số lượng cổ phiếu chứng khoán tăng điểm tương tự SSI và VND không quá áp đảo, tập trung ở những công ty chứng khoán lớn như MBS, FTS, CTS, AGR… Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu dòng chứng khoán giảm khá sâu như VIX, VDS, PSI, SHS.

Cổ phiếu thủy sản là nhóm giao dịch tích cực nhất phiên khi các cổ phiếu đều tăng hoặc đứng giá tham chiếu. Trong khi đó, sắc đỏ phủ rộng ở nhóm ngân hàng, bất động sản.

Các cổ phiếu góp nhiều điểm giảm nhất cho mức giảm hơn 15,5 điểm của VN-Index đều là những gương mặt từ hai nhóm lớn này, lần lượt là VHM, VCB, BID, CTG, TCB, VPB… Sắc xanh yếu ớt đến từ cổ phiếu VHC, VND, SSI không đáng kể so với đà giảm chung.

Toàn thị trường có tổng cộng 494 mã giảm, 15 mã giảm sàn; trong khi chỉ có 272 mã tăng và 19 mã tăng kịch biên độ.

VN-Index chạm mốc 1.205 điểm, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 8/2023 - Nguồn: Trading View

Phiên điều chỉnh mạnh của sàn chứng khoán diễn ra trong ngày tỷ giá có biến động đáng chú ý. Các ngân hàng thương mại liên tục đẩy tỷ giá USD lên nấc mới. Tại Vietcombank, tỷ giá đang yết ở mức 24.190 đồng/USD (mua vào và 24.530 đồng/USD (bán ra), tăng hơn 100 đồng chỉ trong vỏn vẹn một ngày. Loạt ngân hàng khác như ACB, VietinBank, Sacombank… đều cao hơn, vượt trên 24.540 đồng. Tỷ giá bán ra tại các ngân hàng thậm chí có vượt xa giá USD tự do đang giao dịch tại các cửa hàng.

Theo ông Đinh Quang Hình -Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, áp lực tỷ giá gia tăng trong những tuần gần đây và động thái liên tục bán ròng của khối ngoại đã làm giảm sự hưng phần của thị trường. Tuy nhiên, cũng theo ông Hinh, ở chiều tích cực hơn, dòng tiền trong nước sẽ tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh mặt bằng lãi suất hạ nhiệt nhanh. Dòng tiền chực chờ ngoài thị trường sẽ giúp thị trường khó giảm sâu.

Đại diện từ VNDirect cho rằng nhà đầu tư có thể xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường về vùng hỗ trợ 1.205-1.215 điểm (tương ứng đường MA50 và MA20), và hạ tỷ trọng khi thị trường tiến gần tới vùng kháng cự 1.240-1.250 điểm. Lời khuyên được đưa ra ở giai đoạn này là ưu tiên quản trị rủi ro danh mục, duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy.

Dừng ngay lệnh robot tần suất cao: Sự thông suốt của thị trường chứng khoán đặt lên hàng đầu
Có ý kiến cho rằng, việc sử dụng thuật toán, robot và lệnh tần suất cao trong đặt lệnh giao dịch trực tuyến là một xu thế của ứng dụng công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư