Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Sàn chứng khoán đón loạt “tân binh”
Thanh Thủy - 09/01/2022 08:15
 
Hàng loạt thông báo chấp thuận niêm yết/đăng ký giao dịch vừa được 3 sàn chứng khoán Việt Nam công bố, hứa hẹn những ngày đầu năm sôi động với sự ra mắt của nhiều “tân binh”.

Hơn chục doanh nghiệp sắp chào sàn

Sáng 7/1, Quỹ ETF KIM Growth VN30 chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). Đây là quỹ mô phỏng chỉ số (ETF) thứ 9 và cũng là “tân binh” đầu tiên của sàn chứng khoán năm 2022. Có 7,1 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương vốn góp 71 tỷ đồng sẽ được giao dịch với mã FUEKIV30.

Chứng chỉ quỹ ETF là một điểm sáng trong thu hút dòng vốn ngoại giữa xu hướng bán ròng mạnh mẽ năm qua với giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 11.500 tỷ đồng. Mô phỏng theo danh mục VN30 đang niêm yết trên HoSE, quy mô của ETF KIM Growth VN30 cũng chỉ nhỏ hơn Quỹ ETF DCVFMVN30 do Dragon Capital quản lý, hứa hẹn một sản phẩm “hút” dòng tiền, đặc biệt từ khối ngoại.

Cùng với sự xuất hiện của chứng chỉ quỹ mới, hoạt động chào sàn của các doanh nghiệp cũng sôi động ngay trong tháng đầu năm 2022. Hơn chục doanh nghiệp đã nhận được quyết định chấp thuận lên sàn. Trong đó, khá đông cổ phiểu “chuyển nhà” từ sàn UPCoM sang HoSE, như Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV), EVNFC (EVF), EVNGENCO3 (PGV), VietBrand (ABR), Viettel Construction (CTR). Cùng với đó, cổ phiếu SPC của Bảo vệ thực vật Sài Gòn chuyển sang sàn HNX. Cổ phiếu EVF đã dừng giao dịch tại UPCoM từ ngày 30/12/2021 và sẽ chính thức niêm yết mới vào ngày 12/1/2022.

“Tân binh” mới nhất trên sàn HoSE là CTCP Minh Hưng Quảng Trị (GMH) sẽ chào sàn ngày này. Ngoài ra, Big Invest Group (BIG), Tập đoàn Truyền thông và Giải trí ODE (ODE), Đá Hoàng Mai (HMR) cũng là những lính mới của sàn chứng khoán Việt.

Làn sóng gia nhập của các “tân binh” tháng đầu năm nay trái ngược với sự ảm đạm ở khoảng thời gian giữa năm 2021, khi tình hình dịch bệnh còn nhiều phức tạp và HoSE không được đón thêm cổ phiếu niêm yết mới vì nghẽn lệnh. Năm 2021, cả 3 sàn đón 79 “tân binh”, giảm gần 20% so với năm liền trước.

Theo quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP, ngoài thỏa mãn các tiêu chí về năng lực tài chính, được sự thông qua của Đại hội đồng cổ đông, doanh nghiệp muốn đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE và HNX còn phải đáp ứng thêm tiêu chí, hoặc đã giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM tối thiểu 2 năm, hoặc đã chào bán cổ phiếu ra công chúng, doanh nghiệp cổ phần hóa.

Sức nóng tân binh

Điểm chung của cả 2 phiên IPO do Minh Hưng Quảng Trị và Đá Hoàng Mai tổ chức là cổ phiếu chào bán đều được phân phối hết, thậm chí tỷ lệ đặt mua gấp nhiều lần số chào bán. Như phiên đấu giá 500.000 cổ phiếu GMH hồi giữa tháng 11/2021 tổ chức trên sàn HoSE, đã có 25 cá nhân đã đăng ký mua với tổng giá trị đặt mua là 2,24 triệu đơn vị, gấp 4,48 lần số chào bán. Chỉ 10 cá nhân trúng giá với giá đấu bình quân hơn 22.000 đồng/cổ phiếu, gấp đôi mức giá khởi điểm. Phiên IPO của cổ phiếu HMR được thực hiện tại Công ty chứng khoán SHS, phân phối hết cho 144 nhà đầu tư với giá trúng bằng giá khởi điểm (15.200 đồng/cổ phiếu).

Sức hấp dẫn của cổ phiếu mới cũng thấy rõ trên sàn chứng khoán. Giá cổ phiếu TIN của Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) vừa chào sàn UPCoM hôm 28/12/2021 đã liên tiếp tăng kịch biên độ, nâng vốn hóa thị trường của công ty tài chính này lên gấp đôi chỉ sau 6 phiên giao dịch. Cổ phiếu EVF của Công ty Tài chính Điện lực cũng tăng gần 3,8% trong 2 phiên cuối giao dịch trên sàn UPCoM. CTR đã có chuỗi tăng 7 phiên liên tiếp. Cổ phiếu EVNGENCO3 vừa xác lập mức kỷ lục mới về giá.

Hai năm qua, đã có dòng vốn lớn lựa chọn chứng khoán là kênh đầu tư với tỷ suất sinh lời hấp dẫn hơn, thay thế cho kênh tiết kiệm đã giảm mạnh về mặt bằng lãi suất. Dòng tiền đã đổ mạnh vào nhiều doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính vững vàng trước đại dịch, qua đó, nâng giá cổ phiếu lên mặt bằng mới. Thậm chí, những tháng cuối năm 2021, dòng tiền hướng về các cổ phiếu đầu cơ, kéo cả các cổ phiếu của các doanh nghiệp không có nền tảng cơ bản tốt đi lên. Số lượng cổ phiếu dưới giá cốc trà đá đến ngày 31/12/2021 chỉ còn chưa đến 20 mã chứng khoán.

Bổ sung hàng hóa mới là giải pháp để nhà đầu tư có thêm lựa chọn khi giá nhiều cổ phiếu đã tăng “phi mã”. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp đã là công ty đại chúng, việc đưa cổ phiếu lên sàn (UPCoM hoặc các sàn niêm yết) còn là nghĩa vụ cần thực hiện. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp cổ phần hóa dưới hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng chưa niêm yết và cả các công ty đại chúng khác đủ/không đủ điều kiện niêm yết đều nằm trong diện “phải đăng ký giao dịch trên UPCoM”. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 250 công ty đại chúng đang chây ỳ lên sàn.

Ở chiều ngược lại, sự sôi động của thị trường cũng tạo động lực cho doanh nghiệp niêm yết. Lý giải về quyết định chuyển sang niêm yết trên sàn HoSE, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) cho biết, giao dịch trên UPCoM với cổ phiếu HHV đã đảm bảo điều kiện huy động vốn để đầu tư và phát triển dự án. Nhưng với việc chuyển sàn HoSE, vị lãnh đạo này kỳ vọng, cổ phiếu sẽ tăng thanh khoản và tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.

Khác với thời điểm sơ khởi khi cả thị trường chỉ có 2 cổ phiếu đầu tiên là REE và SAM, thị trường chứng khoán Việt Nam thời điểm hiện tại đã có trên 1.650 doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch. Tổng quy mô vốn hóa đạt 7,77 triệu tỷ đồng, tăng 46,8% so với một năm trước và tương đương 123% GDP năm 2020 (chưa điều chỉnh).
VietCredit chuẩn bị lên sàn UPCoM, giá 15.200 đồng/cổ phiếu
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa chấp thuận gần 68,79 triệu cổ phiếu của Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt - VietCredit (Mã chứng khoán TIN)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư