Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Sẵn sàng kịch bản cho giai đoạn hậu Covid-19
D.Ngân - 28/03/2022 16:17
 
Theo đại diện Bộ Y tế, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch và quản lý bền vững.

Lạc quan nhưng không chủ quan

Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, công tác phòng, chống dịch của Việt Nam đã đạt được những thành quả nhất định, qua việc kế thừa các nguyên tắc, biện pháp được áp dụng trong các đợt dịch trước.

Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với tình hình thực tiễn. 

Đến thời điểm hiện tại, theo ông Tuyên, hiện chúng ta vẫn chưa thể coi Covid-19 là bệnh lưu hành bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi Covid-19 trong tình trạng đại dịch và quan ngại tiếp tục có các biến thể không lường trước được của virus SARS-CoV-2.

Bên cạnh đó, nhiều nước trên thế giới vẫn có diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.

Hiện nay, Việt Nam hiện đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch và quản lý bền vững. 

Tại nước ta, tuy tỷ lệ bệnh nặng, tử vong đã giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng số tử vong ghi nhận hàng ngày vẫn ở mức cao trên dưới 100 trường hợp mỗi ngày. Tỷ lệ mắc bệnh không đồng đều giữa các tỉnh, thành phố. 

Bên cạnh đó, với đặc tính virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện các biến thể; cần phải rà soát hoàn thiện hơn hệ thống giám sát, chăm sóc và điều trị để có thể đáp ứng với các tình huống của dịch để xem xét bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành (endemic). 

Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với tình hình thực tiễn. 

Tăng cường năng lực phòng, chống dịch cho các cấp, đặc biệt là tuyến cơ sở. Sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống kể cả khi dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống có biến chủng mới. 

Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, trao đổi với các chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế để theo dõi sát diễn biến thực tiễn tình hình dịch để đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Về đề xuất F0, F1 có thể tham gia đi làm, học tập theo lãnh đạo Bộ Y tế, đây là điều cần thiết trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế nhưng vẫn phải thực hiện nghiêm 5K. 

Hiên nay, Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch Covid-19 cũng như cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để kịp thời điều chỉnh các văn bản theo hướng từng bước nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch để phù hợp với thực tiễn tình hình dịch.

Với tỷ lệ nhiễm biến chủng Omicron còn phổ biến như hiện nay, theo ông Tuyên, WHO và các nhà khoa học nhận định dịch Covid-19 chưa thể được kiểm soát trong năm 2022, có thể xuất hiện các chủng mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường, số ca nhiễm vẫn có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vắc-xin nếu loại bỏ các biện pháp phòng chống dịch. 

Và để chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19, theo ông Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục chủ động kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với tình hình thực tiễn. Tăng cường năng lực phòng, chống dịch cho các cấp, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở và y tế dự phòng. 

Sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống kể cả khi dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn. 

Với Chương trình tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023 mà Chính phủ vừa phê duyệt trong đó đặt ra các mục tiêu như tiếp tục đặt sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; bảo đảm vừa kiểm soát dịch hiệu quả, kiểm soát rủi ro (bệnh nặng, tử vong), bảo đảm thực hiện đa mục tiêu khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội được kỳ vọng sẽ là kim chỉ nam giúp công tác chống dịch ngày càng phát huy hiệu quả.

Làm gì bảo đảm an toàn sau mở cửa?

Hiện tại, với nhu cầu đi lại, mở cửa trở lại hoạt động giáo dục đào tạo trực tiếp, mở cửa du lịch, nhất là thời gian tới Việt Nam nới lỏng cách ly y tế, xóa bỏ các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên tất cả các phương tiện, lượng khách quốc tế đi, đến Việt Nam sẽ gia tăng mạnh sẽ không tránh khỏi gia tăng nguy cơ lây nhiễm, tiếp tục làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế, đặc biệt tại tuyến cơ sở. 

WHO và các nhà khoa học nhận định dịch Covid-19 chưa thể được kiểm soát trong năm 2022.

Và trong tình hình hiện nay các nhiệm vụ trong giai đoạn mới được xây dựng trên cơ sở yêu cầu của chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tập trung chỉ đạo thực hiện "đa mục tiêu" nhất là phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vừa sẵn sàng phòng, chống dịch. 

Trong đó, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, các cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện các nguyên tắc trong phòng, chống dịch đã được kế thừa, đúc kết: 5K + vắc-xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân.

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu bao gồm triển khai, hoàn thiện nghiêm túc Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 năm 2022-2023, trong đó tập trung chủ yếu các nội dung bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 và chủ động cung ứng vắc-xin; 

Kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19; Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở;

Tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến; 

Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19; Bảo đảm thông tin, truyền thông chủ động trong định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch thống nhất toàn quốc; 

Chủ động chuẩn bị các biện pháp về kinh tế - xã hội, hành chính theo cấp độ nguy cơ dịch để bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân. 

Tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, huy động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Chú trọng nâng cao năng lực, chỉ đạo điều hành, nhất là hệ thống chính trị cơ sở. Thực hiện hiệu quả nguyên tắc: 5K+vắc-xin, thuốc điều trị+công nghệ+ý thức người dân.

Tiếp tục hoàn thiện các công nghệ phục vụ phòng, chống dịch dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu về dân cư; 

Tăng cường hơn nữa ý thức của người dân để tự bảo vệ mình và gia đình, cộng đồng, đất nước, tiếp tục lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực trong phòng, chống dịch.

Triển khai lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; hướng dẫn các biện pháp thích ứng an toàn, triển khai đánh giá cấp độ dịch và triển khai các biện pháp đáp ứng phù hợp với diễn biến tình hình dịch Covid-19. 

Rà soát các quy định, hướng dẫn về cách ly trường hợp tiếp xúc gần (F1), người nhập cảnh; 

Tổ chức cách ly, điều trị người mắc Covid-19 (F0) tại nhà; tham gia công tác, đi làm với các trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly; các biện pháp xét nghiệm Covid-19; cơ chế cung ứng thuốc kháng vi rút điều trị Covid-19; 

Sử dụng thuốc điều trị Covid-19 tại nhà theo hướng đơn giản, thuận tiện bảo đảm khoa học và hiệu quả nhất; xây dựng phương án ứng phó không để quá tải hệ thống y tế, tập trung quản lý người có nguy cơ cao và người lao động. 

Triển khai tiêm vắc-xin thần tốc để hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi (trừ các đối tượng chống chỉ định và chưa tới thời gian tiêm) trong quý I/2022; hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi trong tháng 3/2022; chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi; nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 và các cháu dưới 5 tuổi…

Nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; lập kế hoạch đầu tư cho nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược, vắc-xin, sinh phẩm, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế. Tăng cường nguồn nhân lực; có các chính sách thỏa đáng đối với cán bộ y tế và lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch.

Tiếp tục triển khai việc mua, nhập khẩu, sử dụng vắc-xin, thuốc điều trị trong năm 2022, nhất là vắc-xin dành cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên. 

Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị trong nước. Triển khai hộ chiếu vắc-xin, đẩy nhanh mở cửa phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Khẩn trương cấp phép các loại thuốc phòng chữa bệnh bảo đảm an toàn, phù hợp tình hình, quy định và thông lệ quốc tế.

Xây dựng quy định về phòng, chống dịch đối với xuất nhập cảnh phù hợp điều kiện mới; chỉ đạo và hướng dẫn mở cửa trường học bảo đảm thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt trên toàn quốc; chỉ đạo, hướng dẫn về phòng, chống dịch khi mở cửa du lịch từ ngày 15/3/2022.

Thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, đẩy nhanh việc thực hiện các gói hỗ trợ an sinh xã hội cho các đối tượng người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch và phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Tăng cường công tác thông tin truyền thông, huy động người dân, cộng đồng tham gia công tác phòng chống dịch. 

Chủ động truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền bảo đảm kịp thời, chính xác về tình hình và các giải pháp của các cấp có thẩm quyền, theo tinh thần lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, tăng cường thông tin hướng dẫn để người dân yên tâm, ngăn chặn hiệu quả các luận điệu xuyên tạc, sai trái…. 

Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy hợp tác công tư, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch.

Hiểu đúng về hậu Covid-19 ở trẻ em
Theo các chuyên gia, tỷ lệ tử vong ở trẻ mắc Covid-19 không cao so với người lớn, song ảnh hưởng không nhỏ và lâu dài đến thể chất, tinh thần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư