Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Săn tìm cơ hội trên thị trường chứng khoán năm 2023
Tùng Linh - 04/01/2023 10:01
 
Sau những thăng trầm trong năm 2022, thị trường chứng khoán năm 2023 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều biến số trong môi trường lạm phát và lãi suất khó lường. Tuy vậy, vẫn có những điểm nhấn đáng chú ý để gạn tìm cơ hội đầu tư.

Năm 2022 nhiều thăng trầm

Khép lại một năm nhiều cảm xúc, VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm ở mức 1.007,09 điểm, tăng hơn 15% so với mức đáy 874 điểm xác lập giữa tháng 11/2022, nhưng vẫn thấp hơn 35% so với đỉnh lịch sử 1.536 điểm trong phiên giao dịch đầu năm.

Năm nhiều biến động, với biên độ giao dịch lớn, đã chứng kiến nhiều cảm xúc của nhà đầu tư. Từ sự hào hứng sau năm 2021 bùng nổ về điểm số và thanh khoản đến trạng thái hoảng loạn khi thị trường rơi sâu, trở thành hòn tuyết lăn kích hoạt lệnh bán giải chấp khối lượng lớn từ tài khoản các nhà đầu tư, gồm cả các lãnh đạo doanh nghiệp. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn là một điểm sáng khi con số bình quân cả năm khá khả quan (20.000 tỷ đồng/phiên), dù thị trường biến động và gặp nhiều thách thức.

Hàng loạt “thiên nga đen” đã xuất hiện trong năm 2022, như cuộc chiến tại Ukraine, xu hướng nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát của các ngân hàng trung ương, Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách Zero-Covid, hay các biến cố trong nước như các vụ án cùng loạt chính sách tăng cường kỷ cương trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu.

Năm 2023 sẽ vẫn còn nhiều biến số tác động lên thị trường chứng khoán - nơi được xem là hàn thử biểu phản ánh nhanh nhạy diễn biến của nền kinh tế. Tâm điểm được giới phân tích chỉ ra là động thái của các ngân hàng trung ương trong điều hành chính sách tiền tệ - điều phụ thuộc lớn vào xu hướng của lạm phát cũng như giá cả hàng hóa.

Xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương toàn cầu được dự báo hạ nhiệt, nhưng thách thức từ suy giảm tăng trưởng lại tăng dần lên, đặc biệt tại các thị trường lớn (Mỹ, EU, Trung Quốc...). Đây đều là các thị trường có tác động trực tiếp đến đơn hàng từ Việt Nam. Hay rủi ro địa chính trị cũng cần được theo dõi, bởi nếu xảy ra cũng có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Mặt bằng lãi suất gia tăng khiến kênh chứng khoán trở nên ít hấp dẫn hơn, bởi một mặt kéo dòng tiền về kênh tiền gửi tiết kiệm, mặt khác khiến chi phí vốn gia tăng, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ở trong nước, áp lực tăng lãi suất vẫn còn, khi những hạn chế thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết triệt để, cùng nhu cầu đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn theo quy định của ngành ngân hàng. Dù vậy, trong báo cáo chiến lược năm 2023, Bộ phận Phân tích của Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất lên mức 5,25% trong năm 2023, khi so với tương quan trong nước đã cung cấp một biên an toàn phù hợp cho vị thế đầu tư trung và dài hạn, nhờ vậy, VN-Index khó giảm sâu thêm.

So sánh với nhóm các nước ASEAN, định giá của Việt Nam cũng nằm ở mức thấp nhất khu vực, nhưng đem lại dư địa tăng trưởng EPS lớn nhất và mức ROE đầy triển vọng. Với quan điểm trên, TPS dự báo, kịch bản cơ sở của VN-Index sẽ dao động từ 1.150 đến 1.210 điểm, tương ứng với mức tăng trưởng thận trọng 5% cho cả năm.

Chứng khoán VNDirect dự báo, thị trường trong năm 2023 sẽ chia thành 2 nửa, với đà tăng khá mong manh và không ổn định trong những tháng đầu năm 2023, nhưng sẽ vững chãi và có thể đạt 1.300-1.350 điểm trong nửa cuối năm 2023, sau khi đi qua được giải đoạn áp lực lãi suất, tỷ giá cùng bài kiểm tra năng lực thanh toán cho trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn.

Lọc tìm cơ hội

Giữa môi trường nhiều thách thức, vẫn có những điểm nhấn đầu tư để săn tìm lợi nhuận. Câu chuyện đảo chiều chính sách được quan tâm nhất trong những ngày cuối năm 2022 là việc Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phát đi tín hiệu dần nới lỏng chính sách Zero-Covid. Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sẽ là động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước và bù đắp tác động tiêu cực từ nhu cầu suy yếu ở Mỹ và EU.

Câu chuyện giải ngân đầu tư công cũng được kỳ vọng là yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường chứng khoán. Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 dự kiến hơn 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Phân tích (Công ty Chứng khoán Thành Công) đánh giá, ngành hàng không sẽ được hưởng lợi đầu tiên nhờ việc giao thương và đi lại thuận lợi. Tiếp theo là ngành hỗ trợ giao thương như logistics. Một số nhóm ngành bao gồm các ngành có hoạt động thương mại chặt chẽ với Trung Quốc như dệt may, thuỷ sản, bán lẻ, cao su, xi măng, gạo… cũng như các ngành hưởng lợi từ xu hướng hồi phục của giá nguyên vật liệu khi tiêu thụ của Trung Quốc phục hồi như thép, dầu khí… được kỳ vọng hưởng lợi.

Bên cạnh lượng khách sang Việt Nam du lịch, các nhà đầu tư Trung Quốc đến Việt Nam cũng có thể là động lực thúc đẩy dòng tiền từ nước ngoài trên thị trường chứng khoán hay bất động sản.

Câu chuyện giải ngân đầu tư công cũng được kỳ vọng là yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường chứng khoán. Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 dự kiến hơn 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022.

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% của năm 2023 cần cú hích từ hoạt động đầu tư công, bởi không chỉ là một công cụ của chính sách tài khóa, mà đầu tư công còn mang tính dẫn dắt và lan tỏa trên nhiều nhóm ngành, hưởng lợi trực tiếp là xây dựng hạ tầng và vật liệu xây dựng.

Cơ hội đầu tư còn đến từ sức hấp dẫn khi định giá cổ phiếu đã rơi sâu. Trong quá khứ, các vùng tạo đáy của những chu kỳ tăng trưởng lớn đều rơi về khoảng P/E từ 8.x đến 10.x. Mức định giá P/E của VN-Index cũng chính là động lực kích hoạt dòng tiền ngoại đổ vào thị trường.

Thống kê của Bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy các ngành đang có mức chiết khấu sâu so với lịch sử, bao gồm bảo hiểm, bất động sản, cao su, dệt may, xăng dầu. Như với ngành bất động sản, P/B trung bình các doanh nghiệp do BVSC theo dõi đã về vùng định giá năm 2011-2012. Giá lao dốc sâu còn khiến P/B của Nhà Từ Liêm (NTL), Hạ tầng kỹ thuật (IJC); Nam Long (NLG), Đất Xanh (DXG) về mức thấp nhất ghi nhận trong năm 2010.

Dù đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là áp lực đáo hạn năm 2023-2024, chính sách tiền tệ thắt chặt hay khả năng suy thoái, định giá thấp chính là điểm nhấn còn lại cho nhóm cổ phiếu bất động sản trong bối cảnh năm 2023. Theo chuyên gia từ BVSC, việc P/E ở mức thấp trong lịch sử không hàm ý định giá sẽ quay trở lại, nhưng cho thấy, nhiều ngành đang hấp dẫn trong dài hạn.

Ngoài việc săn cổ phiếu chiết khấu sâu về định giá, ở một số giai đoạn, cơ hội đầu tư cũng đến từ nhóm phòng thủ. Cổ phiếu có dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh duy trì ổn định và tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt so với giá thị trường cổ phiếu cao hơn so với lãi suất tiết kiệm cùng các cổ phiếu ngành có tính chất “phòng thủ” với kết quả kinh doanh ít phụ thuộc hơn vào chu kỳ kinh tế là hai gợi ý đầu tư được BVSC đưa ra.

So với các ngành khác, nhóm các công ty thuộc ngành vận tải, công nghệ thông tin và viễn thông cùng các ngành tiện ích như thủy điện, nhiệt điện, cấp nước… nhiều khả năng sẽ ít chịu tác động tiêu cực trong viễn cảnh các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đối diện nguy cơ suy thoái. Hay các doanh nghiệp có yếu tố nhà nước cũng thường là doanh nghiệp dành ra một tỷ lệ lớn lợi nhuận sau thuế hàng năm để chi trả cổ tức băng tiền mặt.

Câu chuyện riêng của thị trường

Ngoài các biến số vĩ mô, cùng câu chuyện riêng của từng ngành, từng doanh nghiệp trước cơ hội và thách thức năm 2023, bản thân thị trường chứng khoán cũng có lợi thế riêng để thu hút dòng tiền. Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là đang ở giai đoạn giống như Đài Loan, Thái Lan 10-20 năm. Đây cũng có thể là một trong các nguyên nhân khiến các quỹ ETF các nền kinh tế này dành sự quan tâm đặc biệt tới thị trường Việt Nam khi định giá về vùng hấp dẫn.

Nhìn lại lịch sử của nhiều thị trường đi trước, ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà sáng lập FinPeace cho rằng, với quốc gia có dân số trẻ như Việt Nam, tỷ trọng đầu tư luôn lớn hơn kênh đầu tư lãi suất cố định.

Trong giai đoạn thị trường đi qua nhiều thăng trầm năm 2022, lượng tài khoản mở mới vẫn tiếp tục lập kỷ lục với tổng cộng hơn 2,48 triệu tài khoản, gấp khoảng 2,58 lần so với lượng tài khoản mới năm trước. Đến cuối tháng 11/2022, tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt gần 6,8 triệu tài khoản, tăng 57,7% so với cuối năm 2021. Trong đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước đạt 6,755 triệu tài khoản, tương đương hơn 6,7% dân số.

Đã có những nhà đầu tư rời khỏi thị trường. Song, theo bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc phân tích (Công ty Chứng khoán SSI), với sự nhanh nhạy, các nhà đầu tư cá nhân sẽ quay lại rất nhanh, khi thị trường chứng khoán bắt đầu thay đổi với triển vọng tích cực, tươi sáng hơn.

Hệ thống giao dịch KRX với kỳ vọng là tiền đề cho việc ra đời các sản phẩm, dịch vụ mới trên thị trường đã lỡ hẹn trong năm 2022. Tuy nhiên, đây vẫn là nhiệm vụ hàng đầu được lãnh đạo ngành tài chính yêu cầu rốt ráo thực hiện, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, nỗ lực, quyết liệt cao nhất để sớm đưa vào vận hành.

Điểm tựa về công nghệ cũng là cơ sở để Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (tiền thân là Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam -VSD) triển khai mô hình cơ chế đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP). Không chỉ nâng sức mua khi nhà đầu tư không còn cần phải có đủ 100% tiền ký quỹ trước khi mua, đây cũng là một tiêu chí khi xem xét nâng hạng thị trường mà Việt Nam đang theo đuổi.

Chính phủ sẽ xây dựng một nghị định sửa đổi liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo triển khai xây dựng một nghị định sửa đổi nhiều nghị định liên quan tới thị trường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư