Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Sản xuất suy giảm
T.H - 02/04/2013 07:15
 
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2013 của toàn nền kinh tế chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 5,9% của quý I năm trước. Một dấu hiệu cho thấy những khó khăn của hệ thống doanh nghiệp, qua đó, tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế.
TIN LIÊN QUAN

Ông Nguyễn Thanh Long, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng rất ngạc nhiên khi là một thành phố công nghiệp, nhưng IIP của Hải Phòng trong quý I/2013 chỉ tăng 1,75% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở Bắc Giang cũng không khả quan hơn. Theo ông Trịnh Hữu Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang, nhiều nhà máy đã phải dừng sản xuất. Ngay cả Sanyo, cuối năm ngoái đã phải đóng cửa nhà máy ở tỉnh này, kéo theo hơn 3.000 lao động mất việc làm. Còn doanh nghiệp dệt may, mọi năm nhiều đơn hàng, nhưng năm nay, mới chỉ có đơn hàng đến hết quý II.

Ngành công nghiệp có mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 4 năm qua

Còn ở TP.HCM, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, quý I/2013, có có 4.434 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, 692 doanh nghiệp giải thể. Chỉ số IIP của đầu tàu kinh tế cả nước này trong quý I/2013 chỉ tăng 3,6%, thấp hơn mức tăng chung cả cả nước.

Những động thái riêng lẻ của từng địa phương này đã được phản ánh trong một báo cáo chung mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2013, diễn ra vào cuối tuần qua tại Hà Nội. Theo đó, IIP chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi con số của quý I năm ngoái là 5,9%. Và tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng cũng chỉ tăng 4,93%, thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Trong đó, đáng chú ý, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, ngành công nghiệp có mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 4 năm qua (năm 2010 tăng 5,21%; năm 2011 tăng 7,74%; năm 2012 tăng 5,8%; năm 2013 tăng 4,95%).

Một báo cáo khác, cũng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2013, cả nước có 15.707 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 79.389 tỷ đồng, giảm 6,8% về số lượng và giảm 16,1% về vốn đăng ký. Nếu so với quý IV/2012, thì số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 9,4% và số vốn đăng ký giảm 26,7%.

Bổ sung thêm con số cho thấy những khó khăn của hệ thống doanh nghiệp, đó là cũng trong quý đầu năm, cả nước có 2.272 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể. Số lượng doanh nghiệp phải ngừng hoạt động là 13.011 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2012 tăng 26,1%.

Tất nhiên, có tín hiệu vui là đã có 7.645 doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động, nhưng nhìn chung, khó khăn vẫn bao trùm hệ thống doanh nghiệp. Hàng tồn kho lớn, sức mua yếu là một trong những lý do cơ bản khiến doanh nghiệp thiếu động lực để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Nhưng một lý do khác, đó là hệ thống doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó tiếp cận vốn vay.

Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), dư nợ tín dụng chỉ tăng 0,03% trong quý đầu năm, nhiều gói tín dụng thấp vẫn không đưa ra được thị trường.

Trong khi đó, ở TP.HCM, mặc dù tín dụng có vẻ khá hơn, khi tăng 0,26% so với cuối năm 2012, nhưng nợ xấu vẫn tăng 5,9%. Điều đáng nói hơn, ông Minh cho biết, khá nhiều doanh nghiệp đã “than” rằng không chịu nổi mức lãi suất 14 -15%/năm.

Tình trạng cũng tương tự với Bắc Giang. “Chúng tôi đi kiểm tra, thấy lãi suất doanh nghiệp vay vẫn rất cao, chỉ trừ doanh nghiệp xi măng vay đầu tư thì lãi suất còn thấp, còn không thì đều ở mức 14%/năm”, ông Thắng nói và cho biết, “mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các ngân hàng vào thời điểm này vẫn chưa xuôi chèo mát mái”. Bởi thế, các ngân hàng ở Bắc Giang dù hầu như dư thừa vốn, nhưng lại khó đến với các doanh nghiệp, nên dư nợ tín dụng vẫn ở mức -1,3% trong 3 tháng đầu năm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư