Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam trong giai đoạn mới còn nhiều thách thức
Trúc Giang - 04/11/2018 08:32
 
Nhiều ý kiến của các nhà quản lý, doanh nghiệp xuất khẩu gạo được ghi nhận tại Hội thảo “Sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam trong giai đoạn mới” diễn ra mới đây tại TP. Cần Thơ.

Tọa đàm tại Hội thảo sản xuất và xuất khẩu gạo VN trong giai đoạn mới.
Tọa đàm tại Hội thảo sản xuất và xuất khẩu gạo VN trong giai đoạn mới.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã duy trì xu hướng tích cực ngay từ đầu năm 2018 nhờ tín hiệu nhập khẩu trở lại từ nhiều thị trường, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại. Giá gạo xuất khẩu duy trì ở mức cao góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa với mức giá cao, có lợi cho người nông dân; tăng trưởng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao và giảm dần tỷ trọng các loại gạo chất lượng trung bình và thấp.

Lượng gạo xuất khẩu hàng năm của Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Gạo của Việt Nam đã xuất khẩu sang 150 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong năm 2016), bên cạnh thị trường truyền thống đã từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước Mỹ la- tinh, Trung Đông…Sản phẩm gạo trắng cao cấp và gạo thơm đã bước đầu thâm nhập vào thị trường khó tính, giúp sản phẩm gạo Việt Nam từng bước hiện diện trên khắp thế giới.

Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao chính sách mới quản lý điều hành xuất khẩu gạo qua việc Chính phủ ký ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Qua đó giúp cho việc xuất khẩu gạo dần dần được hình thành một cách hệ thống. Thể chế chính sách xuất khẩu gạo đã từng bước theo hướng tự do hóa, dần phù hợp với quy định của quốc tế, loại bỏ các rào cản gây bất lợi cho thương nhân trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Intimex Group cho rằng, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trước đây chủ yếu trông vào hợp đồng đấu thầu của Chính phủ chứ doanh nghiệp Việt Nam không giỏi về mở rộng thị trường. Nhưng nay có cơ chế mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc chủ động tìm kiếm thị trường.

Dù có những tín hiệu tích cực nhưng trong công tác điều hành xuất khẩu gạo và phát triển thị trường vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, xuất khẩu gạo thiên về bề rộng, gia tăng khối lượng, chưa chú trọng cải thiện chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường truyền thống, trọng điểm, đặc biệt là thị trường Trung Quốc; tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp với thương hiệu gạo từ Việt Nam còn thấp, nhiều thị trường bị chi phối bởi trung gian. Uy tín, năng lực tiếp cận, thâm nhập thị trường, đàm phán ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam còn hạn chế…

Theo ông Đỗ Hà Nam, nếu doanh nghiệp có sự phối hợp hành động, biết liên kết thì sẽ tìm được hợp đồng xuất khẩu giá tốt, từ đó thu mua lúa gạo với giá có lợi cho nông dân. Tuy nhiên, theo ông Nam, cơ hội có nhiều nhưng cũng không ít thách thức đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng lực đàm phán và giữ chữ tín.

Ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Công ty Agromonitor chia sẻ, gạo là thị trường hết sức phức tạp, kinh doanh gạo hết sức rủi ro. Để tăng cường năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu gạo, Việt Nam nên đa dạng chủng loại gạo, đa dạng thị trường; nhà nước giảm can thiệp, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đóng vai trò kiểm soát, kiến tạo, hỗ trợ phát triển thị trường của các doanh nghiệp.

Về sản xuất lúa gạo, theo các chuyên gia dù đã đạt được những thành tựu khá ấn tượng nhưng qui mô sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa thật sự hình thành một nền nông nghiệp lớn theo hướng hiện đại. Chính sách về hạn điền và các hạn chế chuyển nhượng đất trồng lúa đã gây khó khăn cho tích tụ đất đai, mở rộng qui mô sản xuất, thay đổi phương thức sản xuất. Nông dân canh tác manh mún, nhỏ lẻ gây khó khăn cho việc ứng dụng công nghệ mới nhằm tạo ra sản phẩm mang tính toàn cầu… Những hạn chế này cần phải sớm được khắc phục.

Thủ tướng chỉ thị triển khai giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2018 về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư