Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Sắp ngã ngũ hai thương vụ M&A đình đám của BIDV
Hà Tâm - 17/04/2015 08:38
 
Hôm nay (17/4), đại hội đồng cổ đông của BIDV và MHB diễn ra đồng thời, trong đó, nội dung quan trọng nhất là thông qua việc sáp nhập MHB vào BIDV. Cũng trong năm nay, BIDV dự kiến hoàn thành việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

“Hôn nhân” đầu tiên giữa hai ngân hàng TMCP nhà nước

Hôm nay, cổ đông của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) mới bỏ phiếu thông qua phương án sáp nhập MHB vào BIDV, song kết quả đã được đoán trước, bởi đây là hai ngân hàng TMCP do Nhà nước nắm hơn 90% vốn.

Phương án sáp nhập đã được cả hai ngân hàng xác nhận. Cụ thể, trong số liệu công bố trước thềm đại hội đồng cổ đông, MHB cho biết, từ quý IV/2014, MHB đã phối hợp với BIDV triển khai xây dựng đề án sáp nhập theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Còn ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, BIDV sẽ sáp nhập với MHB theo tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1 và theo hình thức bàn giao nguyên trạng.

 

Nếu được cổ đông bỏ phiếu thông qua, BIDV sau sáp nhập sẽ có tổng tài sản hơn 695.000 tỷ đồng, vươn lên đứng vị trí thứ hai trong hệ thống (chỉ sau Agribank) và cao hơn so với VietinBank (sau sáp nhập PGBank, tổng tài sản của VietinBank là 686.895 tỷ đồng).

Đặc biệt, việc sáp nhập MHB, dẫu không nằm trong kế hoạch chủ động của BIDV, song lại là sự bổ sung thích hợp nhất cho BIDV tại thời điểm này. BIDV hiện nổi danh trên thị trường với tư cách là một ngân hàng bán buôn, cho vay khách hàng doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng… và vài năm gần đây đã tập trung phát triển lĩnh vực bán lẻ. Trong khi đó, MHB chủ yếu cho vay nông nghiệp ở địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, MHB cũng có kinh nghiệm phát triển lĩnh vực bán lẻ, nên phù hợp với định hướng phát triển của BIDV.

Ông Trần Bắc Hà kỳ vọng, việc sáp nhập sẽ giúp BIDV tấn công mạnh hơn vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.

Chủ tịch BIDV cũng cam kết, sau sáp nhập, BIDV sẽ kiểm soát chặt chẽ nợ xấu cũng như chất lượng hoạt động ngân hàng.

Theo kế hoạch mà BIDV đặt ra, hậu sáp nhập, năm 2015, lợi nhuận của ngân hàng này sẽ lên tới 7.500 tỷ đồng, nợ xấu chưa đến 3% và cổ tức ở mức 9,4%.

Việc BIDV sáp nhập MHB một lần nữa cho thấy quyết tâm thu gọn hệ thống của NHNN. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tài chính ngân hàng của Công ty Ernst & Young Việt Nam cho rằng, việc co hẹp số lượng ngân hàng là cần thiết.

“Nhiều nước trên thế giới, như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… chỉ có 2 - 5 ngân hàng lớn. Đơn cử, Nhật Bản chỉ có 3 ngân hàng lớn là Mitsubishi UFJ, Sumitomo Mitsui và Mizuho. Tuy nhiên, để hình thành các ngân hàng lớn, trước đó, ba ngân hàng này đã phải nhiều lần tiến hành M&A”, bà Dương cho biết.

Sẽ “chốt” phương án bán 25% vốn cho đối tác ngoại trong năm nay

Bên cạnh việc sáp nhập MHB, năm 2015, BIDV dự kiến có một thương vụ M&A “lịch sử” với đối tác ngoại. Ông Trần Bắc Hà cho biết, BIDV đang đàm phán với một số nhà đầu tư nước ngoài.

Đầu năm nay, ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV cũng cho hay, năm 2015, BIDV có kế hoạch bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và 10% cổ phần cho nhà đầu tư tài chính nước ngoài.

Theo kế hoạch đã được đại hội đồng cổ đông thông qua đầu năm 2014, BIDV sẽ phát hành thêm cổ phần để bán cho nhà đầu tư được lựa chọn sao cho tổng mức sở hữu của khối ngoại không vượt 30% vốn điều lệ.

VietinBank chốt Đề án nhận sáp nhập PG Bank
Sáng nay, 14/4/2015 tại Hà Nội, Ngân Hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank (mã CTG, sàn HOSE) tổ chức Đại hội Đồng cổ đông thường niên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư