Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 07 năm 2024,
Sắp ra mắt Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TP.HCM
Trọng Tín - 18/07/2024 17:12
 
Đây là Trung tâm thứ hai của Đông Nam Á sau Malaysia, tham gia vào mạng lưới Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ ngày 18/7, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế TP.HCM (HEF) tổ chức từ ngày 24 - 27/9, sẽ diễn ra lễ mắt và lễ khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TP.HCM (C4IR).

Sự kiện sẽ có sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao WEF và đại diện Lãnh đạo các Trung tâm C4IR trên thế giới.

Trung tâm C4IR TP.HCM sẽ đặt tại Khu Công nghệ cao Thành phố, và việc thành lập Trung tâm nằm trong các nội dung trong Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Chính phủ Việt Nam và WEF giai đoạn 2023 – 2026.

Đây là Trung tâm C4IR thứ hai của Đông Nam Á sau Malaysia, tham gia vào mạng lưới Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư toàn cầu của WEF.

Đây sẽ là nơi hợp tác nghiên cứu, đề xuất chính sách, huy động nguồn lực, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp.

Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TP.HCM sẽ đặt tại Khu Công nghệ cao Thành phố. Ảnh: Lê Toàn

Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) lần thứ 5 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM”.

Diễn đàn nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các tổ chức định chế tài chính, tập đoàn, diễn giả, chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, các mục tiêu, chương trình trọng điểm của Thành phố. 

Ngoài phiên khai mạc và các phiên song song, một trong những điểm nhấn của Diễn đàn năm nay là phiên Đối thoại chính sách lần đầu tiên được tổ chức.

Phiên Đối thoại chính sách nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành trung ương về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại Thành phố, đồng thời kiến nghị cho Chính phủ những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô.

Diễn đàn Kinh tế Thành phố năm nay dự kiến có sự tham gia của đại diện các Bộ ngành Việt Nam; 1.200 đến 1.500 đại biểu gồm: các định chế tài chính quốc tế, các nhà quản lý và Lãnh đạo các địa phương trong nước và quốc tế, đại diện các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, các doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và ngoài nước trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ, chuyển đổi công nghiệp và phát triển bền vững.

Nội dung Diễn đàn HEF 2024 xoay quanh: các chủ đề như xu thế chủ đạo về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới; Hệ sinh thái quản trị và chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp; 

Chiến lược chuyển đổi công nghiệp TP.HCM trong bối cảnh kết nối vùng, khu vực, quốc tế và xu hướng công nghệ mới; Các ưu tiên trong chiến lược chuyển đổi công nghiệp; Vai trò của doanh nghiệp và các bên liên quan trong chuyển đổi công nghiệp…

Lãnh đạo TP.HCM sẽ đối thoại cùng đại diện 58 địa phương quốc tế

Cùng với việc tổ chức Diễn đàn kinh tế, trong hai ngày từ 23-24/9, TP.HCM cũng tổ chức Đối thoại Hữu nghị TP.HCM (FD) lần thứ 2 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển”.

Ông Trần Phước Anh, Giám đốc Sở Ngoại vụ Thành phố cho biết Thành phố đã thiết lập quan hệ kết nghĩa với 58 địa phương nước ngoài, nên việc tổ chức Đối thoại Hữu nghị không chỉ củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa Thành phố và các địa phương, mà còn là cơ hội để thảo luận về kinh nghiệm, nâng tầm công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của Thành phố.

Nổi bật trong chuỗi hoạt động là Phiên Hội nghị Thị trưởng với sự tham dự của Lãnh đạo Trung ương, Bộ ngành, Lãnh đạo Thành phố cùng đại diện 58 địa phương quốc tế có quan hệ hữu nghị hợp tác với Thành phố như Đức, Hoa Kỳ, Thái Lan, Campuchia, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Canada, Phần Lan…

Các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận về thế mạnh, lĩnh vực ưu tiên và tiềm năng hợp tác quốc tế của các địa phương hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; đề xuất các sáng kiến hợp tác cấp địa phương trong việc đẩy mạnh chuyển đổi công nghiệp phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Ngoài ra, để chào đón các đại biểu tham dự Đối thoại Hữu nghị, Thành phố cũng đã xây dựng chuỗi hoạt động ngoại giao công chúng như đi bộ ngắm cảnh Thành phố, thưởng thức cà phê trứng, ngắm khinh khí cầu, đi du thuyền trên sông Sài Gòn...

Dịp này, Thành phố cũng tổ chức Lễ khởi công Biểu tượng hữu nghị quốc tế TP.HCM tại công viên bến Bạch Đằng (quận 1).
GS. Klaus Schwab: Các tập đoàn đánh giá cao triển vọng của Việt Nam
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhìn nhận Việt Nam như một hình mẫu về một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và tận dụng hiệu quả những cơ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư