Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Sau viễn thông - CNTT, du lịch là điểm sáng đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt
Tú Ân - 03/10/2017 15:34
 
Trong các lĩnh vực, công nghệ thông tin và viễn thông là mảng có thành công nổi bật nhất về đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Ngoài ra, có một ngành mà ít người tin sẽ thành công: Du lịch.

Bắt đầu cung cấp dịch vụ thông tin di động năm 2004, chỉ 2 năm sau đó, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã quyết định đầu tư ra nước ngoài dù lúc đó chưa phải là nhà mạng lớn nhất tại Việt Nam. Campuchia là thị trường đầu tiên. Tính đến nay, Viettel đã đầu tư 44 triệu USD vào Metfone (thương hiệu Viettel tại Campuchia) và thu lợi nhuận về nước là 150 triệu USD.

Tổng tài sản của Metfone lên tới 300 triệu USD và công ty được định giá 800 triệu USD. Metfone cũng là công ty lớn nhất của Campuchia, chứ không chỉ lớn nhất trong lĩnh vực viễn thông.

Metfone là Dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên của Viettel, với tổng khoản đầu tư cho đến nay là 44 triệu USD. Viettel đã thu lợi nhuận về Việt Nam150 triệu USD từ Dự án này.Tổng tài sản của Metfone hiện trị giá 300 triệu USD.
Metfone là dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên của Viettel, với tổng khoản đầu tư cho đến nay là 44 triệu USD. Viettel đã thu lợi nhuận về Việt Nam150 triệu USD từ dự án này.Tổng tài sản của Metfone hiện trị giá 300 triệu USD.

Hiện tại, Viettel đang kinh doanh tại 10 quốc gia trên thế giới (ở 3 châu lục), trong số đó công ty của Viettel đứng vị trí số 1 về thị phần viễn thông tại 5 nước (Campuchia, Lào, Đông Timor, Mozambique, Burundi). Theo số liệu thống kê luỹ kế, tổng lợi nhuận tính đến hết tháng 6/2017 mà Viettel đã thu được từ đầu tư ra nước ngoài là 520 triệu USD (khoảng 11.800 tỷ đồng).

Tổng doanh thu từ đầu tư nước ngoài lũy kế đến hết năm 2016 của Viettel là 6,5 tỷ USD, riêng năm 2016 đạt 1,4 tỷ USD. Viettel cũng là công ty Việt Nam duy nhất hiện nay có doanh thu từ thị trường nước ngoài trên 1 tỷ USD/năm. Tập đoàn này đặt mục tiêu lọt Top 10 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới về lĩnh vực đầu tư quốc tế vào năm 2020. Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đánh giá, Viettel là điểm sáng nhất trong số các doanh nghiệp Việt Nam đi đầu tư ra nước ngoài.

Ở lĩnh vực CNTT, FPT là công ty đầu tư ra nước ngoài sớm nhất (năm 1998) nhưng lại thu được rất nhiều… thất bại lúc ban đầu và có những lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc. Tuy nhiên, nhờ kiên định với định hướng “go global” mà công ty này đã hái trái ngọt những năm gần đây. Theo số liệu cập nhật 6 tháng đầu năm 2017, mảng xuất khẩu phần mềm đem lại lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng cho FPT – phần đóng góp lớn nhất trong tất cả các mảng kinh doanh của tập đoàn này.

Hiện tại, riêng lĩnh vực phần mềm, FPT có công ty tại 12 quốc gia. Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software cho biết, công ty đặt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2020.Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software chia sẻ, dù FPT “go global” sớm hơn nhưng nếu phải kể cái tên sáng giá nhất của các doanh nghiệp Việt Nam “go global” (như cách nói của FPT) thì đó là Viettel. Lãnh đạo này chia sẻ, trong các buổi tập huấn cho “tân binh” FPT, ông thường lấy ví dụ của Viettel để đào tạo.

Chủ tịch FPT Software nói vui khi được hỏi về việc e ngại “tân binh” sẽ không thích FPT về “go global” nữa khi nghe bài học từ Viettel: “Nếu tôi bảo mình không đẹp trai bằng David Beckham thì cũng không có gì đáng xấu hổ lắm”.

Ngoài lĩnh vực viễn thông và CNTT, một lĩnh vực khác mà công ty Việt nam đầu tư ra nước ngoài cũng rất thành công là du lịch lữ hành. Tập đoàn Thiên Minh đã đầu tư ở 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, và có vị trí rất cao nếu xét về dịch vụ lữ hành, với thương hiệu Buffalo Tours. Ở Thái Lan, quốc gia nổi tiếng về du lịch, Buffalo Tours nằm trong Top 10 công ty lữ hành, tại Indonesia là Top 5…

“Nếu không tính Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Thiên Minh là công ty số 1 châu Á về dịch vụ lữ hành”, ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Tập đoàn này khẳng định. Doanh nhân này giải thích, trong lĩnh vực lữ hành, phần lớn các công ty có quy mô rất nhỏ, khoảng 30 người đã được coi là lớn; trong khi đó, Buffalo Tours hiện có 500 người.

Ông Kiên cho biết, nếu xuống máy bay ở sân bay Phuket (Thái Lan), khách du lịch có thể nhìn thấy 1/3 số biển đón là Buffalo Tours. Trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu từ thị trường nước ngoài của Thiên Minh đạt 11,2 triệu USD và cả năm 2016 là 24 triệu USD.

Nhận xét về hoạt động đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, nhiều dự án trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, viễn thông, thủy điện… có thời gian triển khai dài, nên trong vài năm đầu, việc chưa có doanh thu và lỗ là chuyện bình thường. Khi dự án chính thức hoạt động, doanh thu mới phát sinh và lợi nhuận khi đó mới đến.

Tuy nhiên,hiệu quả của một dự án đầu tư ra nước ngoài không chỉ nằm ở lợi nhuận. Điều cần tính tới là vị thế và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam được nâng cao, học hỏi được nhiều kinh nghiệm, công nghệ mới của các nước phát triển.

“Đặc biệt, hoạt động đầu tư ra nước ngoài giúp Việt Nam tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế,  bảo đảm an ninh, quốc phòng và tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi phân phối lao động toàn cầu”, ông Chung nhận xét.

Viettel đầu tư ra nước ngoài: “Lục địa đen” tỏa sáng
Châu Phi đang là thị trường đầy tiềm năng, đem lại nhiều bất ngờ thú vị cho Viettel.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư