Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Sẽ phát hành trái phiếu đầu tư Quốc lộ 1A
Phan Long - 26/05/2013 19:37
 
 Sẽ phát hành trái phiếu Chính phủ thay vì trái phiếu doanh nghiệp có sự bảo lãnh của Chính phủ để đầu tư cho Quốc lộ 1A và Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. 
TIN LIÊN QUAN

Trao đổi trước ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh bên hành lang Quốc hội về khả năng xin Quốc hội cho phát hành thêm trái phiếu đầu tư dự án mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chính Minh đoạn qua Tây Nguyên, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2013, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết, công trình Quốc lộ 1A đã được đưa vào Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, coi đây là một trong những công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm của cả nước.

Đường Hồ Chí Minh khu vực đi qua Tây Nguyên cũng có vai trò đặc biệt quan trọng, vì Tây Nguyên là địa bàn về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh cần đẩy mạnh phát triển, nên hạ tầng phải đi trước.

Chính vì vậy, đầu tư cho hai công trình này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng nếu muốn phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên, khi mà vùng này chưa có đường sắt, mới chỉ có một số sân bay nhỏ.

Quốc lộ 1A là trục đường xương sống dọc đất nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, theo chủ trương chung, tỷ trọng đầu tư trong tổng thu ngân sách của Việt Nam đã giảm dần. Cho đến năm 2013, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong tổng ngân sách được Quốc hội thông qua đã giảm xuống chưa đầy 19% (những năm trước, tỷ lệ này vào khoảng 30%).

Chính vì vậy, nhà nước tăng cường kêu gọi xã hội hóa, nhưng xã hội hóa làm đường giao thông lại phụ thuộc rất nhiều vào trình độ phát triển chung của cả nền kinh tế.

“Việc bỏ vốn hàng nghìn tỷ đồng để làm đường nhưng thu lại chủ yếu bằng phí giao thông mà người tham gia giao thông trả, giống như việc bỏ tiễn chẵn thu tiền lẻ”, Bộ trưởng Đam ví von.

Muốn hoàn vốn phải có nhiều xe đi qua, hoặc nếu không nhiều xe thì mức phí thu trên mỗi xe phải cao. Quốc lộ 1A là đường xương sống dọc đất nước với gần 2000 km, do vậy không phải đoạn nào cũng có nhiều xe đi để thuyết phục nhà đầu tư chịu bỏ tiền làm đường để thu phí. Vì vậy, có nhiều đoạn bắt buộc phải sử dụng vốn ngân sách để đầu tư.

Về việc dùng ngân sách, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói, “Quốc hội cũng đặt ra chỉ số bội chi (không quá 4,8%). Từ năm 2012, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và Quốc hội đã bàn, thông qua Nghị quyết cho phép phát hành trái phiếu của doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ.

Trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, được Chính phủ bảo lãnh thực chất cũng là nợ công, nghĩa là khoản tiền này được Quốc hội thông qua về mặt nguyên tắc để tính vào nợ công chung”.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết, hơn 1 năm qua, Bộ Giao thông – Vận tải dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã tiến hành các công việc chuẩn bị để phát hành trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ theo nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên khi tính toán, ở thời điểm này rất khó khăn với doanh nghiệp và khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cộng với lãi suất ngân hàng hiện hữu, chi phí phát hành sau cùng tính vào chi phí làm đường sẽ rất cao.

“Vấn đề này Chính phủ đã bàn luận từ kỳ họp tháng 4, và trong sáng 26/5, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Giao thông – Vận tải và các Bộ trưởng liên quan đề xuất và đồng ý phương án báo cáo, trình Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu Chính phủ thay vì phát hành trái phiếu doanh nghiệp có sự bảo lãnh của Chính phủ để thực hiện xây dựng Quốc lộ 1A, thực hiện các dự án trên Quốc lộ 1A và các dự án trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua Tây Nguyên”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư