Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sếp Google: Phải ngay lập tức bắt đầu thực hiện số hóa kinh doanh
Thùy Vinh - 11/06/2016 08:43
 
Ông Kevin O'Kane, Giám đốc điều hành khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của Google châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang có cơ hội rất lớn và đã sẵn sàng đón nhận làn sóng công nghệ số áp dụng vào kinh doanh.

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân vừa được tổ chức, một trong những vấn đề nóng được đề cập là phát triển kinh doanh trong thời đại công nghệ số. Xin cho biết đánh giá của ông về sự sẵn sàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trước làn sóng bùng nổ công nghệ số?

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đã sẵn sàng để đón nhận làn sóng công nghệ số. Ví dụ điển hình là thương hiệu Cá kho làng Vũ Đại đã thành công với việc áp dụng công nghệ số vào kinh doanh từ vài năm nay.

.
Ông Kevin O'Kane, Giám đốc điều hành khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của Google châu Á - Thái Bình Dương.

Rõ ràng, một mô hình doanh nghiệp truyền thống ở vùng ven, với nhân sự hạn chế mà còn có thể xây dựng được sự hiện diện trực tuyến, tận dụng công nghệ quảng cáo trực tuyến như Google để phát triển, vươn đến tất cả các vùng miền tại Việt Nam và ra cả nước ngoài, thì không có lý do gì các doanh nghiệp khác không sẵn sàng để nắm bắt cơ hội phát triển kinh doanh trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Để tận dụng tốt nhất những cơ hội từ làn sóng này, theo ông, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cần phải vượt qua những trở ngại gì?

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam cần xây dựng được cổng tiếp cận doanh nghiệp trên nền tảng di động, để một lượng lớn nguời tiêu dùng có thể tiếp cận, kết nối và tìm hiểu về doanh nghiệp cũng như những sản phẩm, dịch vụ. Muốn làm được điều này, doanh nghiệp cần tìm hiểu về khách hàng muốn tiếp cận, xây dựng nền tảng để khách hàng có thể truy cập và tương tác trực tuyến với doanh nghiệp theo cách đơn giản nhất, sau đó kết nối với khách hàng thông qua các quảng cáo trực tuyến phù hợp.

Thực tế thời gian qua cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng đã đầu tư cho công nghệ số, nhưng chưa đúng hướng, nên hiệu quả chưa cao. Vậy đâu mới là hướng đầu tư hợp lý với đặc thù của Việt Nam?

Theo tôi, các doanh nghiệp phải ngay lập tức bắt đầu thực hiện số hóa kinh doanh, đẩy mạnh sự hiện diện trực tuyến. Hiện tại, vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa chú trọng xây dựng sự hiện diện trực tuyến, thậm chí còn chưa bắt đầu. Trong bối cảnh xu hướng nguời dùng trực tuyến ngày càng nhiều, thì việc doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ nền tảng di động là hướng đi bắt buộc.

Ở các quốc gia mà ông từng làm việc và nghiên cứu, doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư cho công nghệ số như thế nào?

Nhìn chung, so với các doanh nghiệp ở các nước khác trong khu vực, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn đầu của quá trình tiếp cận và sử dụng công nghệ số. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của các doanh nghiệp Việt Nam là có văn hóa và truyền thống khởi nghiệp từ rất sớm.

Có rất nhiều điểm hay của các doanh nghiệp Việt Nam mà các doanh nghiệp khác trên thế giới có thể học hỏi như tính sáng tạo, linh hoạt. Tôi tin các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nắm bắt rất tốt cơ hội mà làn sóng kỹ thuật số đem đến, nhưng cần phải bắt đầu ngay từ bây giờ và không nên chậm trễ hơn.

Vậy đâu là thách thức và cơ hội của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong quá trình tiếp cận và sử dụng công nghệ số, thưa ông?

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để phát triển trong thời đại công nghệ số này. Họ có nhiều sản phẩm, dịch vụ rất tốt mà các khách hàng trong và ngoài nước muốn trải nghiệm hoặc sử dụng. Trong khi đó, công nghệ số cho phép các doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp, kết nối trực tiếp các khách hàng tiềm năng không chỉ trong thị trường nội địa mà cả thị trường quốc tế.

Thời điểm hiện tại, khó khăn của đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam là xây dựng được sự kết nối trực tuyến, tạo sự tiếp cận dễ dàng cho khách hàng. Muốn vượt qua khó khăn này, doanh nghiệp cần tìm hiểu về khách hàng, ai là đối tượng khách hàng chính, họ là ai, thích gì, có xu hướng tiêu dùng như thế nào và muốn doanh nghiệp tiếp cận như thế nào. Sau đó, doanh nghiệp cần tạo ra nhiều cơ hội để khách hàng tương tác trực tuyến với mình dễ dàng, đơn giản hơn.

Doanh nghiệp Việt cam kết hoạt động không vì lợi ích nhóm
Chọn 10 chủ đề thảo luận liên quan tới 7 ngành nghề và 3 lĩnh vực đang được coi là nóng nhất của nền kinh tế, Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) do...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư