-
“Ông lớn” bán dẫn Đức hợp tác phát triển ngành vi mạch, bán dẫn ở Việt Nam -
Cảnh giác lừa đảo tải, cài ứng dụng VNeID giả mạo -
Khám phá giải pháp AIoT và 5G vượt trội nhất tại MobiFone AIoT Day 2024 -
Đà Nẵng thu hút 4 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn -
Huawei chia sẻ các sáng kiến thúc đẩy niềm tin số trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam -
VNPT Family Safe: Đầu tư nhỏ, lợi ích lớn
Sinh trắc học hóa giải nỗi lo bảo mật
Từ ngày 1/7/2024, Quyết định 2345/QĐ-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng chính thức có hiệu lực. Chính sách này có ảnh hưởng, tác động như thế nào tới các trung gian thanh toán, ứng dụng thanh toán trên thị trường?
Khi chính sách này đi vào cuộc sống, chia sẻ thẳng thắn là chúng tôi đã khá lo lắng. Chúng tôi đã dự trù trong tình huống xấu nhất có thể sẽ mất từ 20% - 30% lượng giao dịch cũng như người dùng. Mặc dù khi chính thức triển khai cũng có một số vấn đề về kỹ thuật nhưng may mắn rằng dự báo trên đã không xảy ra. Không những thế, tháng 7/2024 còn là tháng thành công nhất từ trước đến nay của Zalopay khi có sự tăng trưởng đột biến cả về số lượng người dùng và lượng giao dịch.
Ông Trần Bá Khôi Nguyên, Phó tổng giám đốc Zalopay tại Talkshow “Nền tảng số Việt Nam xuất sắc: Thách thức và cơ hội cho thanh toán đa năng” do Báo Đầu tư tổ chức. |
Điều đó cho chúng tôi nhận thấy 2 điểm.
Thứ nhất, Quyết định 2345/QĐ-NHNN và những điều chỉnh, hướng dẫn kịp thời của Ngân hàng Nhà nước là quyết định đúng đắn. Từ trước đến nay, người dân vẫn còn nhiều e ngại khi thực hiện giao dịch trực tuyến khi nghe những câu chuyện thất thoát tiền từ ví điện tử, trung gian thanh toán và ngân hàng. Vì vậy, khi thấy được Quyết định 2345/QĐ-NHNN giúp bảo vệ quyền, lợi ích thì họ cũng rất chủ động hợp tác thực hiện các biện pháp bảo mật.
Thứ hai, cũng rất cảm ơn các phương tiện truyền thông đã hỗ trợ thực sự hiệu quả cho cơ quan quản lý nhà nước và các trung gian thanh toán, ngân hàng trong công tác tuyên truyền và hướng dẫn chính sách, để người dùng an tâm, thoải mái, thuận tiện khi thực hiện giao dịch trực tuyến.
Một điểm khác cũng khiến tôi bất ngờ khi Quyết định 2345/QĐ-NHNN ra đời, chính là hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia do trung tâm RAR vận hành có thể đáp ứng được số lượng yêu cầu xác thực thông tin CCCD và sinh trắc học khổng lồ. Riêng Zalopay trong thời gian qua đã làm sạch được một lượng lớn dữ liệu của người dùng thông qua kết nối tới cơ sở dữ liệu quốc gia.
Bảo mật trong thanh toán trực tuyến luôn là thách thức rất lớn với các nhà quản lý và nhà cung cấp dịch vụ. Zalopay đã hóa giải thách thức này như thế nào trong bối cảnh gia tăng các cuộc tấn công mạng như vừa qua?
Các trung gian thanh toán đều phải đáp ứng được yêu cầu khá khắt khe của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý trong nước cũng như các tổ chức quốc tế để được cấp giấy phép hoạt động, cũng như có được các chứng chỉ về bảo mật và quản lý như ISO27001 hay PCI DSS. Tùy vào từng loại chứng chỉ, quy định mà chúng tôi sẽ trải qua quá trình thanh kiểm tra thường quý, thường niên. Điều này cho thấy các cơ quan quản lý Nhà nước luôn đề cao tính sẵn sàng, cũng như rất quyết liệt để thực hiện các nhiệm vụ về đảm bảo an toàn an ninh mạng.
Ở Zalopay, chúng tôi không chỉ thực hiện đúng các yêu cầu từ các cơ quan chức năng, mà còn chủ động đặt ra thử thách cao hơn nữa, trở thành đơn vị tiên phong và dẫn đầu trong việc nâng cấp các chỉ số an toàn bảo mật thông tin trên ứng dụng.
Cụ thể, để đảm bảo an ninh an toàn cho hơn 14 triệu người dùng như hiện tại, Zalopay phải có hệ thống thông tin áp dụng các phương án đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ 3 trở lên theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng. Zalopay đã đáp ứng được điều nay từ rất lâu.
Ứng dụng Zalopay đã được chứng nhận PCI DSS cấp độ 1 - đây là cấp độ cao nhất thường chỉ dành cho các ngân hàng và các đơn vị phát hành thẻ, Zalopay tuy là đơn vị trung gian thanh toán nhưng đã đạt được tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, với thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi của các thế lực phạm tội, đặc biệt là lợi dụng AI để tạo nên âm thanh, hình ảnh giả, Zalopay đã ngay lập tức trang bị công nghệ sinh trắc học gương mặt cho ứng dụng để chống deepfake - với cơ chế hoạt động giúp hệ thống xác định sự có mặt của người thật trong hình ảnh selfie, giúp phát hiện gian lận định danh gương mặt.
Đây là công nghệ được phát triển bởi TrueID - đơn vị phát triển ứng dụng Định danh người dùng với công nghệ AI thuộc VNG - cũng là đơn vị đầu tiên của Đông Nam Á đạt ISO 30107-3, cấp độ cao nhất về chống deepfake về nhận diện người thật từ ảnh.
Ở Zalopay, chúng tôi có một đội hơn 20 kỹ sư an toàn thông tin, làm việc độc lập với các đội kỹ sư khác, đảm đương nhiệm vụ như “hacker mũ trắng”. Họ sẽ thường xuyên tấn công vào chính hệ thống của Zalopay để tìm ra những lỗ hổng của ứng dụng. Điều này giúp chúng tôi tự đánh giá được hệ thống của mình cũng như chủ động hơn trong việc nâng cấp mức độ an toàn, bảo mật của sản phẩm.
Người dùng thanh toán điện tử ở Việt Nam rất nhiều, như ở Zalopay thì hơn 14 triệu người, thuộc đa dạng các tầng lớp. Đặc biệt những anh chị cô chú lớn tuổi, hoặc những người không rành về công nghệ, rất dễ trở thành mục tiêu của các đối tượng lừa đảo. Vì vậy, trong những năm qua, bên cạnh việc tăng cường an toàn bảo mật, Zalopay cũng rất tích cực truyền thông cho khách hàng biết hiện tại chúng tôi có những biện pháp bảo vệ sẵn sàng nào trên ứng dụng, ví dụ như xác thực căn cước công dân, sinh trắc học theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN luôn có các mối nguy hiểm rình rập, họ phải luôn đề cao cảnh giác. Nếu nhận thấy những dấu hiệu lạ có thể liên hệ ngay cho Zalopay để được hỗ trợ kịp thời.
Zalopay ra mắt nhận diện thương hiệu mới, sản phẩm mới vào tháng 7/2024. |
Thách thức, cơ hội và đối thủ của các trung gian thanh toán
Vậy đâu là thách thức của các ứng dụng thanh toán khi cạnh tranh ngày càng lớn, khách hàng đòi hỏi ngày càng cao?
Tôi thực sự tin rằng, thách thức không nhiều bằng cơ hội. Trước những thông tin về việc thị trường có quá nhiều các đơn vị trung gian thanh toán, hay việc một số đơn vị phải dừng hoạt động trong thời gian qua, khiến nhiều người đánh giá thị trường trung gian thanh toán đang đến giai đoạn thoái trào. Tuy nhiên, chúng tôi có những đánh giá, nhận định hoàn toàn khác.
Ví dụ, thị trường thương mại điện tử trước đây. Thời sơ khai, hàng loạt sàn ra đời. Sau cuộc cạnh tranh khốc liệt, hiện chỉ còn một vài sàn thương mại điện tử đang hoạt động. Tôi thấy con đường phát triển của các trung gian thanh toán đang đi khá giống với các sàn thương mại điện tử lúc trước.
Trong số 50 trung gian thanh toán như hiện nay, thị trường đâu thể chứa nổi tất cả. Về lâu dài, chỉ một vài trung gian thanh toán hiểu được thị trường, mang lại giá trị cho người dùng, cho đối tác mới có thể tồn tại được. Hiện tại top 5 của thị trường đang chiếm gần 90% thị phần và tỷ trọng này sẽ ngày càng tăng hơn. Sự thanh lọc giữa các trung gian thanh toán top đầu ngày càng sâu sắc hơn nữa.
Sở dĩ tôi nói cơ hội lớn hơn thách thức là bởi 2 lý do.
Thứ nhất là thanh toán trực tuyến đã trở thành một xu thế tất yếu. Doanh nghiệp kinh doanh trong một môi trường có xu thế đi lên là một thuận lợi lớn. Người dùng đang thay đổi thói quen tiêu dùng khi thấy rõ lợi ích của việc thanh toán trực tuyến. Đối tác là các nhà bán hàng cũng thấy được nhu cầu của người dùng. Do đó, việc hợp tác ba bên sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Lý do thứ hai là hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện hơn. Như trước đây, đối với các giao dịch chuyển - nhận tiền từ người dùng này đến người dùng khác, người dùng chỉ có thể thực hiện được trên cùng nền tảng ứng dụng của một đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử. Đến hiện tại, các thông tư, nghị định về thanh toán không tiền mặt được ban hành đã ghi nhận chuyển tiền từ ví vào ngân hàng, hoặc từ ví điện tử này sang ví điện tử khác mở tại các đơn vị cung ứng khác nhau. Điều này đã tạo thuận lợi rất nhiều cho các trung gian thanh toán, cũng như mở ra những cơ hội phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ mới cho chúng tôi.
Còn về thách thức thì phải làm sao để đi nhanh hơn nữa, cung cấp cho người dùng nhiều tiện ích hơn nữa chứ không nằm ở những cản trở về thị trường hay chính sách.
Ông Trần Bá Khôi Nguyên tại buổi ra mắt nhận diện thương hiệu mới. |
Chúng tôi nhận thấy rằng Zalopay đang có những câu chuyện thay đổi mang tính chiến lược, đơn cử như việc thay đổi nhận diện thương hiệu gần đây, rằng: Zalopay là ai, Zalopay đang làm gì và sắp làm gì? Ông chia sẻ thêm về những thay đổi chiến lược ấy cũng như những hành động của Zalopay khi nắm bắt những cơ hội và thách thức nêu trên?
Nói rõ hơn về thách thức, đầu tiên chính là từ phía người dùng. Zalopay nhận thấy họ không quan tâm đến chúng tôi là ai, đang làm gì mà là bản thân họ có những thói quen gì, làm sao vẫn có thể tiếp tục sử dụng các thói quen này nhưng vẫn đảm bảo về mặt lợi ích. Mong muốn này cũng trở thành phương châm, triết lý vận hành của chúng tôi hiện tại: “Zalopay thay đổi để người dùng không phải thay đổi”.
Chúng tôi nhận ra người dùng Việt Nam rất thích sử dụng ứng dụng ngân hàng; họ cũng thích tìm tòi, trải nghiệm các phương thức thanh toán mới. Vì thế chúng tôi tìm cách để trên cùng một ứng dụng, mọi người thoải mái lựa chọn bất cứ nguồn tiền nào họ muốn để thanh toán. Zalopay đã làm được điều này khi cho phép người dùng lựa chọn bất cứ phương thức nào họ muốn để thanh toán các tiện ích trên ứng dụng như: số dư Ví Zalopay, chuyển khoản qua ứng dụng ngân hàng, Apple Pay, Thẻ quốc tế… và nhiều hơn thế nữa trong tương lai.
Thách thức thứ hai của chúng tôi cũng tương tự như vậy nhưng đến từ tập khách hàng khác, chính là các đối tác - nhà bán hàng. Nhu cầu của các nhà bán hàng là dù người dùng thanh toán bằng hình thức nào thì cửa hàng của mình cũng nhận thanh toán được.
Đó cũng là lý do tháng 7/2023, Zalopay đã cho ra mắt mã thanh toán Zalopay QR Đa Năng, một mã duy nhất chấp nhận thanh toán từ bất cứ ứng dụng ngân hàng và ví điện tử. Đây là cách Zalopay lắng nghe nhu cầu của người bán hàng.
Thực ra ban đầu, chúng tôi cũng lo lắng khi Zalopay QR Đa Năng ra thị trường sẽ gây ảnh hưởng dẫn đến sụt giảm số lượng giao dịch trên Zalopay và các giao dịch đi qua ứng dụng ngân hàng sẽ tăng. Nhưng thực tế không như vậy: giao dịch qua Zalopay vẫn tăng, đồng thời giao dịch qua các ứng dụng ngân hàng càng tăng nhiều hơn nữa. Điều đó có nghĩa là Zalopay đang phục vụ nhóm khách hàng của mình tốt hơn, đồng thời còn mở rộng phục vụ nhóm khách hàng lớn hơn ngoài kia. Và điều này càng thúc đẩy để Zalopay tích cực cải thiện, nâng cấp sản phẩm, mở rộng nền tảng một cách mạnh mẽ hơn nữa để phục vụ được nhiều khách hàng hơn.
Thị trường đang tăng trưởng về nhu cầu và cạnh tranh cũng trở nên gay gắt. Đối thủ chính của Zalopay là ai?
Thị trường thanh toán trực tuyến tại Việt Nam rất rộng, với tốc độ tăng trưởng rất nhanh, dẫn đến nhiều nhận định cho rằng các trung gian thanh toán cạnh tranh trực tiếp lẫn nhau và với ngân hàng.
Tuy nhiên ở Zalopay, chúng tôi chưa bao giờ suy nghĩ như vậy, ngân hàng không phải là đối thủ mà là đối tác. Đối thủ của Zalopay và cũng là của chung các trung gian thanh toán cũng như ngân hàng tại Việt Nam chính là tiền mặt. Làm sao để Zalopay và ngân hàng có thể cùng nhau hoàn thành mục tiêu của Chính phủ về tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán trực tuyến; làm sao để giảm được tầm ảnh hưởng của đối thủ tiền mặt mới là mong muốn và định hướng của Zalopay.
Điều này được Zalopay chia sẻ rất thẳng thắn với các đối tác ngân hàng trong quá trình làm việc về mong muốn được đồng hành và giúp họ phát triển tốt hơn. Và điều này cũng đã được minh chứng qua các sản phẩm, chương trình hợp tác. Hay ngay cả việc ra mắt Zalopay QR Đa Năng cũng là cách chúng tôi đồng hành cùng ngân hàng, khi người tiêu dùng không bị ràng buộc phải dùng Zalopay mà vẫn có thể giữ thói quen thanh toán qua ứng dụng ngân hàng cho mọi nhu cầu hằng ngày.
Đâu là thế mạnh lớn nhất của Zalopay so với đối thủ để phát triển trong thời gian tới?
Đây là câu hỏi mà Zalopay cũng tự đặt cho chính mình. Từ sau khi xác định chiến lược, hướng phát triển mới, chúng tôi không bó buộc trong suy nghĩ “người dùng nhất định phải sử dụng Zalopay” và cũng xác định ví điện tử là phương tiện chứ không phải đích đến.
Định hướng này giúp Zalopay mở được giới hạn, có thêm nhiều không gian hơn trong việc cung ứng các dịch vụ tiện ích cho người dùng lẫn trong quá trình làm việc với các đối tác. Đơn cử như mã thanh toán Zalopay QR Đa Năng ra đời, tiếp đến là việc áp dụng nhiều hình thức thanh toán khác như Apple Pay, thanh toán thẻ, vv… vào chính nền tảng Zalopay đã thể hiện việc chúng tôi đồng hành cùng các đối tác như thế nào.
Về phía người dùng, bên cạnh cung ứng các dịch vụ của một ví điện tử, chúng tôi còn mang đến nhiều tiện ích khác như sản phẩm tài chính, các chương trình loyalty tích điểm…
Tóm lại, điểm mạnh lớn nhất của Zalopay là tinh thần, ý chí quyết liệt thay đổi bản thân mình, để có thể trở thành một nền tảng mở hơn cho tất cả mọi người.
Zalopay "Mở giới hạn - Mới trải nghiệm". |
Sau khi trở thành một nền tảng thanh toán đa năng với nhiều kết quả tích cực, Zalopay có những kế hoạch gì?
Một trong những mục tiêu mà chúng tôi hướng tới là làm sao giúp người sử dụng Zalopay có thể dùng Zalopay để thanh toán ở nước ngoài an toàn và tiện lợi hơn. Một dự án mà Zalopay đang thực hiện với các ngân hàng và với NAPAS là thực hiện thanh toán tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan thông qua mã QR để giúp thanh toán trực tuyến xuyên biên giới thêm phần dễ dàng, tiện lợi.
Và mục tiêu của Zalopay trong thời gian tới là gì?
Zalopay đã qua giai đoạn tìm đường đi, chỗ đứng cho mình. Chúng tôi tự hào Zalopay hiện tại là ứng dụng thanh toán hàng đầu Việt Nam với lượng người dùng lớn và trung thành. Tầm nhìn của Zalopay là trở thành nền tảng tài chính toàn diện cho người dùng. Tức Zalopay không chỉ làm tốt trong việc thanh toán mà còn cung cấp nhiều sản phẩm tài chính khác như: tiết kiệm, chứng khoán, cho vay…
Về phía đối tác doanh nghiệp, Zalopay định hướng trở thành nơi cung cấp các giải pháp thanh toán. Với các đối tác tài chính, tầm nhìn của chúng tôi là giúp mang các sản phẩm tài chính ưu việt của họ tiếp cận với tập khách hàng hơn 14 triệu người dùng của Zalopay.
Xin cảm ơn ông!
-
Việt Nam sẽ đạt 100 triệu người dùng Internet vào năm 2029 -
Xiaomi và bước đi chiến lược: Tự phát triển chip xử lý cho smartphone -
MobiFone AIoT Day 2024 mở ra cánh cửa mới, mang công nghệ đến với mọi nhà -
Huawei ra mắt Mate 70 Series và X6: Bộ đôi đột phá không cần Android -
iPhone 17 Air: Mỏng, độc đáo nhưng có đáng để chờ đợi? -
Siri thế hệ mới: Bước đi chiến lược của Apple trước ChatGPT -
Xác thực người dùng mạng xã hội: Chống lừa đảo, tung tin giả
- PepsiCo Foods Việt Nam được vinh danh là Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024
- Khám phá cơ hội hợp tác tại Hội thảo về hợp tác kinh doanh Malaysia - Việt Nam
- Sống xanh, sống sang tại Vinhomes Golden River
- Bất động sản nhà phố “tăng tốc”, The Larita đón sóng đầu tư khu Tây TP.HCM
- Doanh nghiệp có thêm hơn 19.000 tỷ đồng tín dụng xanh
- Masan Group được vinh danh Doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu 2023 - 2024