Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
SHEER sẽ là địa chỉ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư
P.V - 10/10/2015 16:07
 
TS. Nguyễn Việt Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt – Lạnh (SHEER) cho rằng, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học sẽ sống tốt khi lấy nhu cầu thực tiễn làm cảm hứng cho nghiên cứu khoa học. Đây cũng là hướng đi của SHEER trong chặng đường phát triển tới.
.
TS. Nguyễn Việt Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt – Lạnh (SHEER)

Để nói ngắn gọn về 15 năm thành lập SHEER, ông sẽ nhắc đến những dấu ấn gì, nhất là khi năm nay cũng kỷ niệm 55 năm phát triển của ngành nhiệt lạnh Việt Nam?

Trong suốt chặng đường phát triển của ngành, đặc biệt trong 15 năm kể từ khi hình thành Viện SHEER, dấu ấn đầu tiên mà chúng tôi muốn nhắc tới là sự phối hợp hài hòa, hợp lý và hiệu quả giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Chính điều này đã khuyến khích các tiềm năng nghiên cứu triển khai (R&D) của Viện. Nhờ đó, nhiều cán bộ của Viện đã đạt các danh hiệu cao về học hàm, được các giải thưởng cao quý về khoa học và công nghệ.

Doanh thu chuyển giao công nghệ của Viện có giai đoạn lên tới hàng chục tỷ đồng một năm. Đặc biệt, năm 2006 con số này lên tới gần 50 tỷ đồng, chiếm khoảng một nửa tổng doanh thu về chuyển giao công nghệ của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Chúng tôi cũng muốn nhắc tới các dấu ấn của các ý kiến tư vấn, thiết kế, phản biện, giám định trong lĩnh vực phát triển ngành nhiệt điện, lạnh và điều hòa không khí, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng…

Các hoạt động này đã tạo nên thương hiệu của Viện trong ngành nhiệt - lạnh Việt Nam.

Nhưng thưa ông, cho đến thời điểm này, vẫn có những khoảng cách giữa nghiên cứu và thực tế, giữa nhà nghiên cứu và doanh nghiệp trên thị trường công nghệ. Là người trong cuộc, ông nghĩ thế nào về thực trạng này?

Đây là vấn đề còn nhiều tồn tại và luôn là đề tài nóng hổi. Phải thẳng thắn, gần đây, khoảng cách đã được thu hẹp. Thị trường khoa học công nghệ của Việt Nam đã có hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để phát triển. Mặc dù sẽ cần có thời gian để hiện thực hóa các chính sách này, song tôi tin xu hướng là tích cực.

Riêng với SHEER, chúng tôi đã giải quyết được vấn đề nêu trên một cách khá hợp lý, dựa trên nguyên tắc khoa học phải bám sát thực tiễn cuộc sống, coi đó là cội nguồn cảm hứng sản sinh ra các hướng nghiên cứu, các chương trình, đề tài, nhiệm vụ khoa học và sản phẩm khoa học công nghệ. Theo đó, chúng tôi từng bước xây dựng các định hướng nghiên cứu công nghệ, dây chuyền công nghệ, sản phẩm tổ hợp, sản phẩm truyền thống và đặc trưng, có hàm lượng chất xám và tính liên ngành cao, có khả năng cạnh tranh, có thương hiệu và ưu thế thị trường.

Viện chúng tôi đã và đang phấn đấu để có thể là địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư phát triển công nghệ, các giới doanh nghiệp, tài chính trong và ngoài nước, góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội bền vững của đất nước, cũng như đóng góp cho việc thực hiện thành công mục tiêu của Đề án BK52 về phát triển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Vậy, đâu là chìa khóa để SHEER tạo nên những dấu ấn mới trong chặng đường tới đây, thưa ông?

Trong giai đoạn tới đây, cơ chế quản lý khoa học sẽ tiếp tục được hoàn thiện theo chiều sâu, hình thành cơ chế các quỹ đầu tư khoa học và công nghệ, cách thức đặt hàng về khoa học công nghệ ứng dụng từ phía doanh nghiệp sẽ phát triển…

Cùng với đó, những đòi hòi mới trong khoa học và công nghệ sẽ thay đổi rất lớn khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ thành lập vào cuối năm nay, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc đàm phán sẽ nhanh chóng được triển khai… sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các đơn vị nghiên cứu như chúng tôi. Tất nhiên, đi kèm cơ hội luôn là thách thức.

Để tiếp tục giữ vững và phát triển được vị thế của mình trong chặng đường tới không đơn giản. Chúng tôi xác định Viện không chỉ đào tạo nhân lực có trình độ cao, mà còn trực tiếp nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, nhằm giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra trong lĩnh vực nhiệt lạnh như: năng lượng, năng lượng mới, nhiệt điện, lạnh và điều hòa không khí, công nghệ bảo quản, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng...

Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng tập thể đoàn kết, năng động, đội ngũ quản lý gọn nhẹ có nhiệt tình và năng lực, dám làm dám chịu trách nhiệm; xây dựng quy chế hoạt động của Viện rõ ràng minh bạch, tạo điều kiện để mỗi cá nhân đều có thể phát huy khả năng cá nhân…

Đặc biệt, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, phấn đấu để Viện là cơ sở đào tạo nghiên cứu có uy tín trong khu vực.

1 triệu Euro hỗ trợ dự án ươm tạo khoa học và công nghệ
Chiều 25/9, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã khởi động Quỹ hỗ trợ hạt giống (Innofund) nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư