Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Siết chặt quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách
Mạnh Bôn - 08/05/2019 08:21
 
Theo PGS-TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước về bản chất là quỹ tài chính của Nhà nước, vì vậy cần phải giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng như đối với ngân sách nhà nước (NSNN).
TIN LIÊN QUAN
.
.

Hiện Việt Nam có bao nhiêu quỹ tài chính ngoài NSNN, thưa ông?

Mặc dù đã cố gắng tìm hiểu xem Việt Nam có bao nhiêu quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, nhưng tôi vẫn không thể biết chính xác được. Ngoài quỹ tài chính ở Trung ương do các bộ, ngành quản lý, thì ở các địa phương cũng có quỹ tài chính ngoài ngân sách. Đặc biệt, trước đây, cứ mỗi khi ban hành một luật mới hoặc sửa đổi một luật hiện hành, bao giờ cũng có điều khoản thành lập quỹ tài chính, nên có rất nhiều quỹ được thành lập như Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Bảo trì đường bộ, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch…

Ngoài các quỹ tài chính được thành lập theo luật, có rất nhiều quỹ không thực hiện theo luật nào mà chỉ thực hiện theo nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc quyết định của chủ tịch UBND cấp tỉnh. Vậy nên, không chỉ tôi, mà có lẽ ngay cả cơ quan quản lý tài chính về NSNN là Bộ Tài chính cũng không biết chắc chắn hiện nay có bao nhiêu quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Cơ quan quản lý không biết có bao nhiêu quỹ, loại quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN, thì chắc chắn việc quản lý, giám sát hoạt động của quỹ rất lỏng lẻo?

Không phải Việt Nam, mà hầu hết các nước trên thế giới đều có quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhằm hỗ trợ NSNN đảm bảo một số mục tiêu, nhiệm vụ như bình ổn giá xăng dầu hay giải quyết việc làm. Nói chung, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là công cụ hỗ trợ Nhà nước thực hiện tốt hơn vai trò quản lý vĩ mô, khắc phục những khiếm khuyết của kinh tế thị trường.

Dù là quỹ tài chính ngoài ngân sách, nhưng về bản chất, tài chính của các quỹ này là tài chính công, tài sản của quỹ là tài sản công. Vì vậy, các nước trên thế giới đều xây dựng hành lang pháp lý, quản lý, giám sát chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch. Cơ quan dân cử (Quốc hội, HĐND cấp tỉnh) giám sát các quỹ tài chính ngoài ngân sách rất chặt chẽ, bảo đảm để người dân biết được hiệu quả hoạt động của từng quỹ, thu chi thế nào, nguồn lực tài chính bao nhiêu, có đáp ứng được yêu cầu…

Tại Việt Nam, số lượng quỹ tài chính ngoài ngân sách mà hầu như cơ quan quản lý nhà nước còn không biết, nên chắc chắn khâu quản lý không thể sát sao được. Quốc hội cũng chưa từng được nghe báo cáo về hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách (ngoài báo cáo hằng năm về Quỹ Bảo hiểm xã hội), nên khâu giám sát của cơ quan dân cử gần như không thực hiện, trong khi nguồn tài chính của hầu hết các quỹ được lấy từ NSNN.

Dù Quốc hội chưa thực hiện giám sát, nhưng Kiểm toán Nhà nước (cơ quan do Quốc hội thành lập) đã, đang kiểm toán nhiều quỹ, thưa ông?

Chỉ có rất ít quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được kiểm toán như Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu… Nhưng kiểm toán xong chỉ gửi báo cáo tổng hợp đến Quốc hội, còn các đại biểu Quốc hội chưa từng thảo luận hoặc thực hiện giám sát, cho ý kiến về việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. 

Tôi đánh giá rất cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN giai đoạn 2013-2018. Đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện rà soát hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để thấy được tồn tại, hạn chế, nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan; giám sát thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và tổ chức, cá nhân có liên quan về quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Hy vọng, kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho thấy tổng thể bức tranh về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hiện nay thế nào, hiệu quả ra sao, quỹ nào không hiệu quả, thì cần phải giải thể, các quỹ có mục tiêu hoạt động, đối tượng phục vụ tương đồng thì nên sát nhập để thu hẹp đầu mối, tập trung nguồn lực tài chính, nâng cao hiệu quả và giảm chi phí “nuôi” bộ máy quản lý quỹ.

Hạn chế lớn nhất hiện nay trong quản lý, giám sát quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là chưa có hành lang pháp lý thống nhất. Theo ông, có nên xây dựng một luật để điều chỉnh chung hoạt động của các quỹ này?

Trên thế giới, hầu hết các nước đều có luật quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động quỹ tài chính ngoài ngân sách. Việt Nam đã có Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước…, nhưng chưa có luật quản lý các quỹ tài chính ngoài ngân sách, trong khi nhiều quỹ có nguồn tài chính rất lớn. Vì vậy, tôi đã từng nhiều lần kiến nghị phải xây dựng một luật để quản lý các quỹ này.

Quan điểm của tôi là hằng năm, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội về hoạt động của quỹ tài chính ngoài NSNN. Nếu cần thiết, thì Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn, yêu cầu cơ quan quản lý quỹ giải trình về hoạt động của quỹ nào đó hiệu quả kém, cân đối thu chi mất cân bằng vì hầu hết các quỹ đều sử dụng NSNN hoặc NSNN đóng góp vào quỹ vô cùng lớn.

Ngay cả các quỹ không có sự tham gia của NSNN như Quỹ Bảo trì đường bộ, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, thì Quốc hội cũng phải giám sát chặt chẽ, vì nguồn quỹ do người dân đóng góp, trong khi người dân lại không thể kiểm tra, kiểm soát giám sát được, thì cơ quan dân cử có trách nhiệm thay mặt người dân kiểm tra, thanh tra, giám sát.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư