Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Siết chặt quản lý rác thải nhựa
Nhã Nam - 26/06/2019 15:40
 
Việt Nam đang có nguy cơ và phải chịu ảnh hưởng lớn từ rác thải nhựa. Nếu không có biện pháp kịp thời để hạn chế, khắc phục tình trạng này thì hậu quả là khôn lường.
.
.

Nguy cơ quá nhiều rác thải nhựa

Theo thống kê chưa đầy đủ, tại Việt Nam mỗi hộ gia đình thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/một ngày. Như vậy, ước tính, hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày. 

Chỉ riêng hai thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP.HCM, trung bình một ngày, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Mỗi ngày, Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó, rác thải nilon chiếm đến 7-8%. Đáng chú ý là lượng túi nilon này tăng theo từng năm.

Theo công bố mới nhất của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm, Việt Nam thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất 4 lần. Đấy là chỉ ở riêng Việt Nam, còn trên toàn cầu, mỗi năm có khoảng 500 tỷ túi nilon được tiêu thụ, song phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp. 

Theo ước tính, với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó, sẽ nằm trong các đại dương và tồn tại trong nhiều thế kỷ. Cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác chất thải nhựa đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế - xã hội và sức khỏe con người.

Đánh giá về thực trạng trên, TS. Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường lý giải, sự phát triển kinh tế - xã hội khiến lượng rác thải, trong đó, có rác thải khó phân hủy (nhựa và nilon) ngày càng gia tăng và khó kiểm soát, trong khi đó, thời gian phân hủy của loại rác thải này phải mất đến hàng thế kỷ. Do vậy, việc kiểm soát rác thải nhựa và nilon đang trở thành vấn đề môi trường cấp bách.

Làm sao để hạn chế sử dụng?

Một khi đã trở thành vấn đề môi trường cấp bách, thì cần sớm được xử lý. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, phải làm như thế nào?

Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Bộ đang nghiên cứu tham mưu bổ sung bao bì nhựa vào đối tượng chịu thuế và nâng cao mức thuế suất để hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng. Trong đó, đối với phế liệu nhựa chỉ cho phép nhập khẩu phế liệu nhựa có giá trị cao. 

Bên cạnh đó, Bộ cũng nghiên cứu tham mưu bổ sung đưa bao bì nhựa vào đối tượng chịu thuế và nâng cao mức thuế suất để hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng. Đồng thời, tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon khó phân hủy, bổ sung quy định túi nilon thân thiện với môi trường là đối tượng được miễn thuế bảo vệ môi trường, ưu đãi cho các hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa.

Số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính cho thấy, số thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon những năm qua không nhiều, chỉ khoảng hơn 70 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2016, kim ngạch nhập khẩu túi nilon thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường là 65,63 triệu USD, số thuế bảo vệ môi trường phải thu là 20,1 tỷ đồng.

Con số tương ứng của năm năm 2017 là 64,61 triệu USD và 22,7 tỷ đồng; còn của 8 tháng năm 2018 là 45,68 triệu USD và 19,1 tỷ đồng. Số thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon sản xuất trong nước năm 2016 khoảng 56 tỷ đồng; năm 2017 là khoảng 54 tỷ đồng.

Tuy nhiên, liên quan vấn đề này, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, để hạn chế sử dụng túi nilon, vấn đề không chỉ nằm ở chính sách thuế. Câu chuyện nằm ở việc sản xuất - kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế. 

Theo ông Ánh, việc tăng thuế dẫn đến tăng giá túi nilon không giải quyết được vấn đề. Vì thế, nên cấm sử dụng triệt để túi nilon. Khi đó, thị trường sẽ tự khắc tìm sản phẩm thay thế. Điều này sẽ kích cầu và kích cung được việc sử dụng và sản xuất các loại vật liệu thay thế thân thiện với môi trường. Ngoài ra, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với túi nilon, nguồn thu này không đủ để bù đắp những tác hại của túi nilon mang lại với môi trường.

Ngoài vấn đề tăng thuế, cũng theo ông Thức, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý rác thải nhựa. 

Cụ thể, trong định hướng sửa Luật Bảo vệ môi trường, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5/2020 và thông qua vào cuối năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu điều chỉnh 8 nội dung chính của Luật, trong đó có những nội dung liên quan đến rác thải nhựa.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có văn bản yêu cầu các địa phương, bộ, ngành tăng cường thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói chung và rác thải nhựa nói riêng. Đồng thời, phát triển các sản phẩm, vật liệu thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy...

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp phải hạn chế sử dụng loại nhựa dùng một lần. Mục tiêu đến năm 2021, giảm phần lớn sản phẩm nhựa một lần, đến năm 2025 sẽ chấm dứt hoàn toàn sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

[Infographic] Chống rác thải nhựa bằng những hành động thiết thực nhất
Rác thải nhựa đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư