Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
SMC nối dài khó khăn khi chuyển đổi nợ thành cổ phiếu
Hạc Hiên - 11/08/2024 15:57
 
Đang tái cơ cấu để giải quyết mất cân đối dòng tiền, nhưng Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC gặp thêm khó khăn khi hoán đổi nợ thành cổ phiếu của doanh nghiệp chuẩn bị hủy niêm yết bắt buộc.

Bán tài sản và giảm nhân sự

Trong bối cảnh các đối tác lớn gặp khó về dòng tiền, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC phải thực hiện tái cơ cấu, bán bớt tài sản, giảm quy mô nhân sự. Trong đó, nếu cuối năm 2022, Công ty sở hữu 1.202 nhân viên, thì tới cuối quý II/2024 chỉ còn 810 nhân viên, tương ứng giảm 32,6%.

Bên cạnh đó, SMC lần lượt thông qua kế hoạch chuyển nhượng diện tích 6.197 m2 tại SMC Bình Dương - Khu công nghiệp Đồng An (Bình Dương), 9.096 m2 tại lô số 62-64, đường số 3, Khu công nghiệp Tân Tạo A, quận Bình Tân (TP.HCM), 329,5 m2 tại 681 - Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh (TP.HCM).

Trong báo cáo tài chính quý II/2024, nửa đầu năm 2024, SMC đã hạch toán lãi từ chuyển nhượng chứng khoán, cổ tức được chia ước tính khoảng 196,3 tỷ đồng và lãi do thanh lý, nhượng bán tài sản cố định khoảng 106 tỷ đồng. Như vậy, lãi từ hoạt động đầu tư chứng khoán và thanh lý tài sản cố định là 302,3 tỷ đồng, bằng 334% lợi nhuận trước thuế. Có thể thấy, nếu loại trừ giao dịch bán tài sản và bán khoản đầu tư chứng khoán, SMC có thể tiếp tục lỗ.

Liên quan tới xử lý nợ xấu, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi, Phó chủ tịch HĐQT SMC cho biết: “Nếu không xử lý được khoản nợ, Công ty sẽ phải trích lập dự phòng thêm 90 tỷ đồng trong quý II, nâng tổng số trích lập lên gần 300 tỷ đồng trong cả năm 2024. SMC nhất định phải xử lý nợ trong năm nay, các phương án xử lý gồm cả thu bằng tiền, hoán đổi cổ phiếu, nhận tài sản để cấn trừ công nợ và nếu kế hoạch xử lý nợ khả thi, SMC đều chấp nhận”.

Được biết, về nợ xấu tại thời điểm ngày 30/6/2024, SMC ghi nhận tổng giá trị 1.309,1 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng 577,3 tỷ đồng, chiếm 44,1% tổng nợ xấu. Như vậy, nửa đầu năm 2024, dù tổng giá trị nợ xấu gần như đi ngang, nhưng SMC đã trích lập thêm 3,63 tỷ đồng và vẫn chưa xử lý được nợ xấu như mong muốn tại Đại hội đồng cổ đông đầu năm. Tính tới ngày 30/6/2024, SMC vẫn còn lỗ lũy kế 92,26 tỷ đồng, bằng 12,5% vốn điều lệ.

Hoán đổi nợ thành cổ phiếu doanh nghiệp sắp bị hủy niêm yết

Trở lại với giá trị xử lý nợ xấu, thu hồi công nợ, riêng với trường hợp Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC), nửa đầu năm 2024, SMC đã chấp nhập hoán đổi 104,79 tỷ đồng nợ sang khoảng 10 triệu cổ phiếu HBC trong đợt phát hành riêng lẻ (cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm).

Nửa đầu năm 2024, SMC đã chấp nhập hoán đổi 104,79 tỷ đồng nợ sang khoảng 10 triệu cổ phiếu HBC trong đợt phát hành riêng lẻ.

Dù mới hoán đổi, nhưng tại thời điểm cuối quý II/2024, SMC đã phải trích lập ngay 24,31 tỷ đồng, bằng 23,2% tổng vốn đầu tư. Tại thời điểm hoán đổi tới ngày cuối quý II/2024, cổ phiếu HBC được giao dịch vùng 7.680 đồng/cổ phiếu. Tới ngày 2/8, cổ phiếu HBC chỉ còn 5.510 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 28,3% so với giá thời điểm cuối quý II và thấp hơn 44,9% giá trị hoán đổi từ nợ sang cổ phiếu.

Với việc cổ phiếu HBC vừa bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) quyết định hủy niêm yết bắt buộc do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2023, SMC tiếp tục có khả năng phải trích lập giảm giá đầu tư vào HBC. Đồng thời, khi cổ phiếu chuyển sang sàn UPCoM, việc thu hút nhà đầu tư và giao dịch sẽ có nhiều khó khăn hơn niêm yết trên sàn HoSE.

Như vậy, thay vì yêu cầu đối tác trả nợ như cam kết, SMC bị giảm khả năng thu hồi khoản đầu tư, ảnh hưởng xấu tới kết quả kinh doanh hợp nhất khi phải trích lập giảm giá khoản đầu tư liên tục.

Bên cạnh vấn đề xử lý nợ xấu, dù SMC đã bán bớt tài sản và khoản đầu tư để tạo dòng tiền, nhưng tại thời điểm cuối quý II/2024, nợ ngắn hạn ghi nhận 4.032,05 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn ghi nhận 3.279,3 tỷ đồng. Như vậy, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 752,75 tỷ đồng, hay hiểu đúng hơn là SMC đang sử dụng 752,75 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn (dưới 1 năm) để tài trợ cho tài sản dài hạn (kỳ hạn lớn hơn 1 năm).

Về nguồn vốn, tính tới cuối quý II/2024, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 16,9% so với đầu năm, tương ứng giảm 510,1 tỷ đồng, về 2.507,2 tỷ đồng và bằng 290,5% vốn chủ sở hữu (vốn chủ sở hữu chỉ 863 tỷ đồng). Được biết, theo dữ liệu trên iBoard của Công ty Chứng khoán SSI, hệ số nợ vay trên tổng vốn chủ sở hữu trung bình ngành năm 2023 là 1,35 lần.

Rõ ràng, đòn bẩy nợ vay cao, kinh doanh thua lỗ trong bối cảnh phải giảm quy mô nhân sự, bán bớt tài sản, nhưng SMC chưa cải thiện đáng kể sức khoẻ tài chính.

SMC thu về hơn 300 tỷ đồng sau khi bán ra toàn bộ 13,1 triệu cổ phiếu NKG
Tận dụng cổ phiếu bật tăng 76,5% từ đáy, cổ đông liên quan lãnh đạo đã bán ra toàn bộ 13,1 triệu cổ phiếu CTCP Thép Nam Kim (mã NKG), giảm sở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư