Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Số hóa cho vay, nguy cơ ngân hàng thua kiện vì kẹt khung pháp lý
Hà Tâm - 19/12/2021 08:15
 
Sẵn sàng số hóa hoạt động cho vay, song do quy định hiện hành chưa chấp nhận chữ ký số, eKYC..., nên ngân hàng, công ty tài chính lo thua kiện, nếu tranh chấp xảy ra.
Các ngân hàng đều nỗ lực số hóa hoạt động để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Ảnh: Đức Thanh.

Ngân hàng số, nhưng vẫn phải có chữ ký tươi

Rầm rộ đầu tư công nghệ, nhiều ngân hàng, công ty tài chính đã sẵn sàng số hóa hoạt động cho vay. Tuy nhiên, quy định hiện hành vẫn còn nhiều vướng mắc, khiến ngân hàng gặp nhiều rủi ro khi triển khai. Thậm chí, ngay cả eKYC (định danh điện tử) đã có thông tư hướng dẫn cuối năm 2020, hay mã OTP được sử dụng phổ biến lâu nay, song tính pháp lý vẫn chưa vững chắc.

Bà Tôn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Pháp chế (Công ty Tài chính Điện lực) cho hay, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành thông tư cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng eKYC, song trong hoạt động cho vay, tổ chức tín dụng lại phải áp dụng Thông tư 39/2016/TT-NHNN hướng dẫn về hoạt động cho vay và thông tư này không có quy định về áp dụng eKYC.

“Thực tế, mỗi ngày, công ty tài chính chúng tôi phát sinh hàng trăm khoản vay, các khoản vay có giá trị chỉ từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, lớn nhất cũng chỉ 100 triệu đồng. Số lượng khách hàng lớn, số tiền giải ngân nhỏ, chủ yếu cho vay tín chấp, nên thủ tục giải ngân cần nhanh gọn. Nếu như theo thủ tục truyền thống, thì mất rất nhiều thời gian, công sức. Do đó, chúng tôi rất mong muốn có quy định hợp thức hóa eKYC và các phương thức thẩm định điện tử khác trong hoạt động cho vay để ngân hàng và công ty tài chính có thể áp dụng trong cấp tín dụng trực tuyến”, bà Hải Yến đề nghị.

Không chỉ thiếu hành lang pháp lý số hóa khoản vay, nhiều lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại và công ty tài chính cũng kêu trời vì quy định bắt buộc hợp đồng phải có chữ ký tươi, phải lưu trữ hồ sơ giấy.

Theo quy định, tổ chức tín dụng phải bảo quản, lưu trữ hồ sơ, hợp đồng, chứng từ vay vốn bằng giấy từ 5 năm đến 20 năm. Với lượng hồ sơ tín dụng tăng mạnh hàng năm, đây là áp lực rất lớn với các tổ chức tín dụng. Tương tự, quy định phải có chữ ký tươi cũng làm khó nhiều tổ chức tín dụng trong số hóa hoạt động cho vay.

“Hiện nay, tất cả quy trình, hồ sơ thẩm định chúng tôi đều tiến hành qua mạng, nhưng đến lúc ký hợp đồng thì vẫn bắt buộc phải có chữ ký tươi. Chuyển đổi số kiểu nửa nạc, nửa mỡ như vậy rất khó khăn cho tổ chức tín dụng”, đại diện một ngân hàng TMCP cho hay.

Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc pháp chế của BIDV cũng cho hay, Thông tư 39/2016/TT-NHNN và các văn bản pháp luật hiện hành đều yêu cầu các hợp đồng, thỏa thuận cho vay phải có chữ ký tươi. Chính vì vậy, dù các tổ chức tín dụng có hệ thống chấm điểm tín dụng, xếp hạng khách hàng, phê duyệt hồ sơ tín dụng tự động…, song lại chưa thể số hóa hoạt động cho vay.

Các thông tư hướng dẫn hoạt động cho vay, hoạt động bao thanh toán, bảo lãnh tín dụng của NHNN đều chưa đề cập việc sử dụng phương thức điện tử trong hoạt động cho vay, bao thanh toán, bảo lãnh. Được biết, BIDV và VietinBank đã có đề xuất gửi NHNN về áp dụng phương thức điện tử trong hoạt động cấp tín dụng, song đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn từ NHNN, khiến ngân hàng chưa dám triển khai.

Cũng như BIDV và Công ty Tài chính Điện lực, nhiều ngân hàng mong muốn NHNN sửa đổi các quy định về hoạt động cho vay, bao thanh toán, bảo lãnh theo hướng tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng số hóa hoạt động cấp tín dụng.

Mong sớm sửa Luật Giao dịch điện tử

Trước những vướng mắc trong triển khai các hoạt động cho vay, bà Lại Thanh Mai, Giám đốc Khối Tư vấn pháp lý và tuân thủ (Ngân hàng MSB) đề nghị, NHNN sớm ban hành quy định cho phép các tổ chức tín dụng được áp dụng công nghệ số, chữ ký điện tử, phương thức xác thực điện tử… để ngân hàng triển khai các sản phẩm, dịch vụ số trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh doanh, đảm bảo quản trị rủi ro.

Về vấn đề này, bà Vũ Ngọc Lan, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (NHNN) cho biết, việc sửa đổi các quy định liên quan về giao dịch điện tử là rất cần thiết, song quản lý các giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng không chỉ liên quan đến thẩm quyền NHNN, mà còn chịu sự điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử. Luật này đang trong giai đoạn sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện.

Theo phản ánh của các ngân hàng thương mại, Luật Giao dịch điện tử ban hành từ năm 2005 trong khi công nghệ 6 năm gần đây đã phát triển như vũ bão, khiến nhiều quy định trở nên lạc hậu. Việc chậm trễ sửa đổi luật này sẽ khiến ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong số hóa hoạt động.

“Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tuyên bố sẽ từ chức nếu năm sau không nhìn thấy sự phát triển của lĩnh vực công nghệ số, sản phẩm số. Điều này cho thấy quyết tâm lớn của Bộ trưởng. Tuy nhiên, nếu sản phẩm số ra đời, nhưng luật chưa sửa kịp, thì công nghệ cũng không đi vào thực tiễn. Mong rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông nhanh chóng sửa Luật Giao dịch điện tử để các ngân hàng sớm triển khai, đưa các sản phẩm số vào cuộc sống”, ông Phạm Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đề nghị.

Với khuôn khổ pháp luật hiện tại, nếu tổ chức tín dụng mạnh dạn triển khai số hóa hoạt động cho vay thì sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý. Chẳng hạn, nếu sau này, ứng dụng gặp trục trặc kỹ thuật hoặc khách hàng có tranh chấp, đưa ra tòa, tòa tuyên khoản vay vô hiệu, thì ngân hàng chịu rủi ro cao. Chính vì vậy, chúng tôi chưa dám triển khai số hóa 100% hoạt động cho vay khi chưa có hướng dẫn của NHNN. Trong hoàn cảnh hiện nay, rất khó khăn để vừa tuân thủ pháp luật, vừa đáp ứng nhu cầu kinh doanh.

- Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc pháp chế BIDV
Số hóa ngân hàng và trải nghiệm cho khách hàng: Nói dễ, làm không dễ
Ba năm trở lại đây, thuật ngữ “số hóa” không xa lạ với ngành ngân hàng. Tuy nhiên, số hóa và hiệu quả đến đâu, khách hàng có đón nhận hay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư