Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Chạy đua số hóa, ngân hàng lãi lớn
Thùy Liên - 28/11/2021 13:38
 
Chi phí giao dịch trên kênh số giảm 96% so với kênh giao dịch trực tiếp tại chi nhánh khiến hiệu quả kinh doanh của nhiều ngân hàng cải thiện bất ngờ.

Nhiều ngân hàng bắt đầu cuộc đua làm giàu dữ liệu, mở rộng hệ sinh thái để tăng tốc bán hàng trên kênh số. 

Việc số hóa ngân hàng mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng, đồng thời tạo nguồn thu lớn cho nhà băng. Ảnh: Đ.T

Ngân hàng hưởng lợi lớn nhờ số hóa

Ông Phùng Duy Khương, Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân VPBank cho hay, chi phí cho một giao dịch với kênh truyền thống (trực tiếp tại chi nhánh) là 4 USD, song trên kênh số (digital) chỉ là 0,17 USD, tức chi phí cho 1 giao dịch trên kênh số thấp hơn 96% so với kênh giao dịch tại chi nhánh.

Trên thực tế, tại VPBank, việc áp dụng số hóa đã giúp tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm nhiều. Năm 2017, CIR của VPBank là 44,6%, thì năm 2020 chỉ còn 29,2% và tại thời điểm 30/9/2021 chỉ còn 23,7%, gần như thấp nhất hệ thống. Nghĩa là, để có 100 đồng lợi nhuận, VPBank chỉ phải bỏ ra 23,7 đồng chi phí, thay vì phải bỏ ra 44,6 đồng chi phí như cách đây 4 năm. Hiện hơn 90% lượng giao dịch tại ngân hàng này diễn ra trên kênh số.

Tương tự, MB khi thành lập khối ngân hàng số (năm 2018) chỉ kỳ vọng đạt 8 triệu giao dịch/năm trên kênh số, nhưng đến năm 2021, lượng giao dịch mỗi ngày trên kênh số đã đạt 1,1 triệu giao dịch. Giao dịch trên kênh số cũng chiếm 92-93% tổng lượng giao dịch của MB. Số hóa cũng khiến lợi nhuận MB tăng tốc mạnh trong 3 năm vừa qua.

Nhìn vào báo cáo tài chính của các ngân hàng, có thể thấy, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đã cải thiện từng năm, tỷ lệ thuận với tốc độ số hóa. Ngân hàng nào càng có nhiều dịch vụ số tiện ích, hệ sinh thái càng đa dạng, thì tiền gửi không kỳ hạn càng cải thiện tốt.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, cuộc đua về ngân hàng số ngày càng sôi nổi. Nhờ đó, dịch vụ ngân hàng đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, kết hợp với các lĩnh vực, ngành nghề để xây dựng hệ sinh thái thông minh.

Việc đẩy mạnh số hóa không chỉ là ra mắt nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích mới, gia tăng trải nghiệm khách hàng, mà còn giúp ngân hàng tiết giảm chi phí, cải thiện lợi nhuận.  

Theo Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực. Cho đến nay, hầu hết các thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi như thanh toán, tín dụng, tiết kiệm…

Xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng sẽ còn diễn ra mạnh mẽ. Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào cho hay, thanh toán tiền mặt đã giảm đáng kể tại Việt Nam trong trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Theo khảo sát của Visa, ít nhất 3 trong số 5 người tiêu dùng Việt Nam mang ít tiền mặt hơn trong ví bởi đã quen với phương thức thanh toán bằng thẻ hoặc thanh toán không chạm. 78% người tiêu dùng cho biết, sẽ tiếp tục sử dụng phương án thanh toán số ngay cả khi dịch kết thúc. Visa nhận định, Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn 4 năm. 

Chạy đua “thông minh” chiếm lĩnh khách hàng

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, giao dịch qua Internet Banking tăng 62,5% về lượng, tăng hơn 32% về giá trị so với cùng kỳ; kênh Mobile Banking tăng mạnh hơn với con số lần lượt 83% và 115%. Còn tính chung trong 5 năm, tăng trưởng qua kênh số thậm chí còn tăng 4 con số. Cụ thể, thanh toán qua kênh Internet tăng 262,5% về số lượng và 353% về giá trị; thanh toán di động tăng 1.000% về số lượng, nhưng tăng tới 3.000% về giá trị. 

Sự thay đổi chóng mặt thói quen của người tiêu dùng đang là động lực khiến các ngân hàng lao vào cuộc đua chuyển đổi số, lấy khách hàng làm trung tâm.

Trong cuộc đua số hóa, những ngân hàng “thông minh” nhất sẽ là những ngân hàng chiếm lĩnh được nhiều khách hàng nhất. Vậy thế nào là ngân hàng thông minh?

Ông Phùng Duy Khương cho rằng, tiêu chuẩn cơ bản để trở thành ngân hàng thông minh là phải đi trước, đón đầu các nhu cầu của khách hàng. Amazon là một ví dụ điển hình khi hiểu khách hàng còn hơn cả khách hàng, đi trước, đón đầu và gợi mở nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, muốn làm được như vậy, ngân hàng phải có nhiều dữ liệu và khả năng sử dụng dữ liệu cùng hệ sinh thái đa dạng, bên cạnh yếu tố công nghệ.

“Một ngân hàng thông minh cần phải có khả năng sử dụng dữ liệu lớn (big data) trong phân tích hành vi của khách hàng, từ đó đưa ra dự báo về hành vi của khách hàng, hành vi chi tiêu cũng như những sản phẩm, dịch vụ mà khách hàng cần thiết. Một ngân hàng thông minh cần phải sử dụng nhiều hơn nữa dữ liệu để giúp cho vay nhanh hơn, hiệu quả hơn. Một ngân hàng thông minh là phải kết nối với đối tác để làm sao phục vụ khách hàng tốt hơn nữa và phải đặt yếu tố công nghệ lên hàng đầu”, ông Khương nhận định.

Như vậy, mấu chốt đầu tiên của một ngân hàng thông minh là có nhiều dữ liệu về khách hàng (big data) để nhận biết, dự đoán hành vi khách hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng hiện nay rất băn khoăn liệu có được chia sẻ dữ liệu quốc gia về căn cước công dân hay không. Nếu được truy cập, chắc chắn tốc độ số hóa của các ngân hàng sẽ tăng rất mạnh, bởi đây là nguồn “dữ liệu gốc”, có độ tin cậy rất cao.

Ngoài ra, để tăng tốc mạnh về chuyển đổi số, ngân hàng cũng cần được gỡ nhiều vướng mắc về rào cản pháp lý, ví dụ như hợp thức hóa eKYC, video call, chữ ký số, sinh trắc học, chữ ký điện tử,  đại lý ngân hàng…

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho hoạt động chuyển đổi số của ngành ngân hàng. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, phát triển hạ tầng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với dữ liệu ngành, lĩnh vực khác. Phát triển các mô hình ngân hàng số, ứng dụng công nghệ 4.0 để cung ứng sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, với chi phí thấp.

Lừa đảo, lộ dữ liệu trong lĩnh vực ngân hàng gia tăng

Ngân hàng là mục tiêu ưa thích của hackers. Tại Việt Nam, năm 2020 đã có 156 tổ chức bị tấn công mạng có chủ đích (tấn công APT) trong đó 30% là tấn công vào ngân hàng.

Bên cạnh đó, tấn công phising vào ngân hàng cũng tăng rất mạnh, nhất là qua tin nhắn, mạng xã hội. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021 đã có 3.000 tên miền lừa đảo, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2020, nhắm vào ngân hàng, ví điện tử, dịch vụ chuyển tiền quốc tế.
Rầm rộ số hóa, ngân hàng mở rộng tiện ích cho khách hàng
Các ngân hàng đang đẩy mạnh số hóa, tăng cường kết nối dịch vụ công, mở rộng hệ sinh thái. Sự vào cuộc tích cực này vừa tăng tiện ích cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư