Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 05 năm 2024,
Sở hữu, đầu tư chéo: Lợi 1 hại 10
Mạnh Bôn - 31/07/2013 15:48
 
Rủi ro dễ nhìn thấy nhất của sở hữu chéo, theo TS. Sanjay Kalra (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) là cơ quan quản lý nhà nước không thể kiểm soát được nguồn vốn thực của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp.
TIN LIÊN QUAN

Nếu không có các chế tài hạn chế sở hữu chéo, đầu tư chéo, theo TS. Sanjay Kalra, Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam và Lào: “Sẽ ảnh hưởng đến an ninh tài chính của cả nền kinh tế”.

Sở hữu chéo có mối quan hệ chằng chịt, đơn giản chỉ là doanh nghiệp A đầu tư vào doanh nghiệp B; phức tạp hơn là doanh nghiệp A đầu tư vào doanh nghiệp B và doanh nghiệp B lại đầu tư vào doanh nghiệp C. Nhưng mối quan hệ càng trở nên phức tạp khi chuỗi đầu tư chéo cứ kéo dài từ doanh nghiệp A đến doanh nghiệp N và N lại đầu tư vào A.

Mối quan hệ này sẽ trở nên không kiểm soát được khi mỗi doanh nghiệp lại đầu tư vào các doanh nghiệp con khác và có sự tham gia của định chế tài chính.

Sở hữu chéo là nguyên nhân cơ bản dẫn đến nợ xấu gia tăng

Chỉ riêng lĩnh vực ngân hàng, theo thống kê của ông Đinh Tuấn Minh (Ngân hàng TMCP Quân đội), hiện có khoảng 10 ngân hàng TMCP có đối tác chiến lược là tập đoàn tài chính nước ngoài; 40 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp tư nhân sở hữu trên 5% vốn cổ phần tại hầu hết các ngân hàng thương mại; 8 ngân hàng TMCP có đối tác là ngân hàng thương mại nhà nước; còn tình trạng ngân hàng đầu tư vào các định chế tài chính và ngược lại các định chế đầu tư vào ngân hàng thì… không thể thống kê hết.

Tình trạng sở hữu lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp, theo ông Minh cũng có mặt tích cực là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp mới thành lập, chưa có mối quan hệ với ngân hàng dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn để thực hiện dự án có độ rủi ro cao; các ngân hàng cũng dễ “ngồi lại với nhau” trong việc cùng tài trợ cho một dự án nào đó…

“Tuy nhiên, trên thực tế sở hữu chéo trong hệ thống tín dụng gây nhiều tác hại cho nền kinh tế hơn là lợi ích thu được. Sở hữu chéo được xem như là nguyên nhân quan trọng dẫn đến nợ xấu mang tính hệ thống và đổ vỡ hệ thống tài chính tại các quốc gia châu Á, châu Mỹ latin và châu Âu trong vài thập kỷ gần đây”, ông Minh cho biết.

“Sở hữu chéo tràn lan đã dẫn đến sự đổ vỡ hàng loạt ngân hàng, tập đoàn kinh tế trên thế giới. Vì thế, Việt Nam không phải là ngoại lệ, nếu không có các biện pháp để hạn chế tình trạng này”, TS. Sanjay Kalra cảnh báo các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam tại Hội thảo Rủi ro sở hữu chéo và đầu tư chéo vừa được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức vào sáng nay (ngày 31/7/2013).

Rủi ro dễ nhìn thấy nhất, theo TS. Sanjay Kalra là cơ quan quản lý nhà nước không thể kiểm soát được nguồn vốn thực của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp.

Đơn cử khi cơ quan quản lý yêu cầu ngân hàng tăng vốn điều lệ tối thiểu, trong điều kiện “kẹt tiền”, các ngân hàng chỉ việc thực hiện chiêu: ngân hàng A đi huy động vốn sau đó mua cổ phần của ngân hàng B, ngân hàng B lại mua cổ phần của ngân hàng C, ngân hàng C mua cổ phần của ngân hàng D và ngân hàng D lại mua cổ phần của ngân hàng A.

“Như vậy, cả 4 ngân hàng đều bảo đảm đủ vốn điều lệ tối thiểu (hiện tại là 3.000 tỷ đồng), nhưng trên thực tế thì số vốn ít hơn rất nhiều, ảnh hưởng đến hệ số an toàn tối thiểu của cả hệ thống ngân hàng và an ninh tài chính của cả nền kinh tế”, TS. Sanjay Kalra phát biểu.

Thừa nhận sở hữu chéo, đầu tư chéo có rất nhiều rủi ro, song theo TSKH Nguyễn Thành Long (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), sở hữu chéo, đầu tư chéo cũng có hiệu ứng tích cực như thắt chặt được mối liên kết giữa các đối tác kinh doanh nên giảm thiểu tác động từ những cú sốc bên ngoài; tạo nguồn tài chính bền vững dồi dào trong cả hệ thống, đặc biệt khi có sự tham gia của ngân hàng; giảm nguy cơ bị thâu tóm; nhà sản xuất có nguồn cung và thị trường ổn định.

Không phủ nhận lợi ích mà sở hữu chéo và đầu tư chéo mang lại, nhưng TS. Sanjay Kalra cho rằng, lợi ích thu được rất ít so với sự nguy hại của liên minh này.

“Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo từng diễn ra phổ biến tại Italia, Nhật Bản, Đức… Và thực tế ở những nước này cho thấy, doanh nghiệp có mối quan hệ khăng khít với ngân hàng thu được lợi nhuận thấp hơn, trả lãi cao hơn và cổ phiếu biến động cũng lớn hơn so với mối quan hệ bình thường khác”, TS. Sanjay Kalra cho biết.

Theo nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo kể trên, sự nguy hiểm trong sở hữu chéo, đầu tư chéo còn nằm ở chỗ, một cá nhân đồng thời làm thành viên hội đồng quản trị, ban lãnh đạo tại ngân hàng và nhiều doanh nghiệp khác thì hoạt động tín dụng không lành mạnh do cùng nhóm lợi ích sẽ biến một ngân hàng đang hoạt động bình thường lâm vào tình trạng phá sản do nợ xấu gia tăng.

“Italia đã phải trả giá cho việc này, vì thế hiện tại người ta đã cấm một cá nhân trong cùng một lúc làm thành viên hội đồng quản trị hoặc ban lãnh đạo trong các định chế tài chính, doanh nghiệp hoạt động trong cùng một lĩnh vực hoặc cùng một thị trường”, TS. Sanjay Kalra cho nói thêm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư