Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Số phận Dự án Trung tâm Thể dục - Thể thao Phan Đình Phùng sắp được định đoạt
Lê Quân - 07/04/2024 08:45
 
Sau nhiều năm trễ tiến độ, “số phận” Dự án Trung tâm Thể dục - Thể thao Phan Đình Phùng sắp được định đoạt khi TP.HCM xem xét các phương án, trong đó có phương án dừng đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) để chuyển sang đầu tư công.
TIN LIÊN QUAN

Có cần xây dựng nhà thi đấu ở vị trí cũ?

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có Công văn số 305/TB-VP thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi tại cuộc họp Tổ công tác Dự án xây dựng Trung tâm Thể dục - Thể thao Phan Đình Phùng (còn gọi là nhà thi đấu Phan Đình Phùng).

Theo thông báo, Chủ tịch UBND TP.HCM giao các sở, ngành có liên quan rà soát cơ sở pháp lý và xem xét đề xuất các phương án tiếp tục thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (hợp đồng BT), hoặc dừng dự án BT chuyển sang hình thức đầu tư công. Các đơn vị phải làm rõ các phương án đề xuất với các tình huống phát sinh và giải pháp xử lý.

Đây là động thái mới nhất cho thấy, Thành phố sẽ giải quyết dứt điểm dự án này vì đã chậm trễ rất nhiều năm. Được biết, hiện nay, Dự án đang gặp vướng mắc liên quan đến việc xác định tổng mức đầu tư, đảm bảo phù hợp quy mô dự án. Do chậm trễ nhiều năm, tổng mức đầu tư của Dự án tăng từ 988 tỷ đồng lên 1.352 tỷ đồng, rồi tiếp tục tăng lên 1.953 tỷ đồng. Đến nay, tổng mức đầu tư mới nhất được xác định là 2.215 tỷ đồng. Một vướng mắc lớn nữa là việc thanh toán quỹ đất BT và phương thức thanh toán giữa nhà đầu tư và TP.HCM chưa thống nhất.

Ngày 18/3/2024, Sở Tài chính TP.HCM có Văn bản số 1533/STC-ĐT gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị rà soát lại toàn bộ pháp lý dự án và làm rõ, việc chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án và thay đổi liên doanh tại thời điểm này có đúng quy định và có thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hay không?. 

Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT từ năm 2008 và bắt đầu làm các thủ tục từ tháng 3/2010.

Đầu năm 2017, nhà thi đấu Phan Đình Phùng cũ được tháo dỡ để tiến hành xây mới, nhưng đến nay vẫn chưa khởi công do các quy định về đầu tư BT thay đổi.

Do chậm trễ nhiều năm, tổng mức đầu tư ban đầu được công bố là 988 tỷ đồng, đến nay tổng mức đầu tư cập nhật đã tăng lên thành 2.215 tỷ đồng.

Sở Tài chính cho rằng, trường hợp dự án không đủ điều kiện tiếp tục thực hiện theo hình thức BT, đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư và các sở chuyên ngành xem xét, trình UBND Thành phố dừng thực hiện dự án BT. Đồng thời, nghiên cứu Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công để trình UBND Thành phố xem xét, đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công.

Cũng liên quan đến việc dừng thực hiện Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hình thức BT, đầu năm nay, một doanh nghiệp (đề nghị không nêu tên) đã 2 lần gửi đơn đến UBND TP.HCM, kiến nghị Thành phố thu hồi khu đất công để xây dựng nhà thi đấu Phan Đình Phùng, sau đó tổ chức đấu thầu cho xây dựng khu dân cư để thu tiền về cho ngân sách.

Đồng thời, chuyển việc xây dựng nhà thi đấu Phan Đình Phùng về khu đất 3 ha tại huyện Củ Chi gần Quốc lộ 22 (sẽ mở rộng lên 50 m trong thời gian tới). Doanh nghiệp này còn tính toán ra số tiền bán đấu giá khu đất và chi phí để xây dựng nhà thi đấu mới. Ngoài ra, doanh nghiệp còn xây dựng một lộ trình rất cụ thể từ khi thu hồi dự án đến khi đấu thầu và khởi công xây dựng.

Được biết, trong công văn truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành rà soát các phương án đầu tư, trong đó có cả phương án dừng đầu tư theo hình thức BT để chuyển sang hình thức đầu tư công và xem xét cả phương án có cần đầu tư nhà thi đấu Phan Đình Phùng tại vị trí hiện hữu hay không?

Nhà đầu tư mong tiếp tục được làm dự án

Sau khi UBND TP.HCM có động thái có thể xem xét dừng thực hiện dự án theo hình thức BT, ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (chủ đầu tư) cho biết, việc xây dựng nhà thi đấu Phan Đình Phùng đã được doanh nghiệp và đại diện UBND TP.HCM ký thỏa thuận đầu tư, dù chưa ký hợp đồng chính thức. Căn cứ trên thỏa thuận đã ký, doanh nghiệp thực hiện đúng các nội dung và đã chi tiền để thực hiện các thủ tục đầu tư dự án.

Theo ông Vũ,  đến nay, cơ sở pháp lý cho dự án BT vẫn có. Căn cứ vào Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trong đó Thành phố được áp dụng loại hợp đồng BT đối với các dự án thể dục thể thao. Do vậy, dự án đầu tư theo hình thức BT vẫn phù hợp.

“Chúng tôi luôn tuân thủ đúng các nội dung thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên và mong muốn được tiếp tục thực hiện Dự án", ông Vũ nói.

Mặc dù nhà đầu tư vẫn muốn tiếp tục thực hiện dự án theo hình thức BT, song những động thái mới cho thấy, TP.HCM sẽ quyết định số phận của dự án trong thời gian ngắn tới đây vì dự án đã chậm trễ quá lâu, việc để lãng phí khu đất vàng giữa trung tâm TP.HCM đã làm giảm hiệu quả sử dụng đất, gây thất thu ngân sách.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư