Thứ Hai, Ngày 05 tháng 05 năm 2025,
Sở Y tế Nam Định báo cáo vụ việc "đóng đủ tiền viện phí mới được cấp cứu"
D.Ngân - 05/05/2025 15:40
 
Liên quan đến vụ việc gây xôn xao dư luận khi một cháu bé 4 tuổi bị tai nạn giao thông được cho là chỉ được cấp cứu sau khi gia đình đóng đủ viện phí, Sở Y tế Nam Định đã có báo cáo chính thức.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Nam Định, vào lúc 16h03 ngày 3/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định đã tiếp nhận bệnh nhi M.T.A. (4 tuổi) bị tai nạn giao thông. Cháu bé được người dân đưa vào bệnh viện trong tình trạng tỉnh táo, quấy khóc, không có vết thương chảy máu, chỉ có sây sát vùng hạ vị lệch trái và xước xát khuỷu tay phải.

Bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Cháu được khám tại phòng cấp cứu chấn thương chỉnh hình và phòng cấp cứu ngoại tổng hợp. Chẩn đoán ban đầu cho thấy cháu bị chấn thương ngực và bụng kín do tai nạn giao thông. Sau đó, các bác sỹ chỉ định thực hiện các xét nghiệm, CT-Scanner ổ bụng, CT-Scanner lồng ngực, chụp X-quang ngực thẳng, siêu âm ổ bụng và xét nghiệm máu.

Sau khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, cháu được chẩn đoán xác định là bị đa chấn thương, trong đó có chấn thương ngực và bụng kín do tai nạn giao thông. Cháu tiếp tục được cấp cứu, hồi sức, truyền dịch và giảm đau.

Đến 17h45 cùng ngày, cháu T.A. được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Theo báo cáo ban đầu, vào thời điểm cháu được đưa vào khám (16h03), cháu chưa có giấy tờ gì.

Tuy nhiên, cháu đã được khám ngay (dù chưa đăng ký khám và nộp tiền) và chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng. Sau đó, nhân viên bệnh viện hướng dẫn người đi cùng cháu đăng ký thủ tục hành chính. Quá trình khám và điều trị diễn ra, người đi cùng cháu đã đóng tạm ứng 500.000 đồng.

Nhân viên bệnh viện đã thực hiện các thủ tục hành chính qua hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, bảo đảm cháu T.A. không phải nộp thêm tiền tạm ứng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, hai nhân viên y tế đã trao đổi về số tiền viện phí. Một trong họ đã nói: "Năm trăm làm sao được." Trong lúc trao đổi, người quay video đứng gần nhóm nhân viên y tế.

Khoảng 17h, khi bố mẹ cháu bé đến, kíp bác sỹ trực cấp cứu đã trao đổi tình trạng của cháu cho gia đình và gia đình đã đồng ý với phương án chuyển cháu lên tuyến trên. Cháu được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định nhận trách nhiệm về vụ việc. Bước đầu, bệnh viện đã đình chỉ một số nhân viên y tế để làm rõ. Tổ xác minh đang tiếp tục làm việc với các cá nhân có liên quan và rà soát lại quy trình cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện. Công tác chấn chỉnh tinh thần, thái độ giao tiếp và y đức của nhân viên y tế cũng sẽ được tăng cường. Những vi phạm sẽ được xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Trước vụ việc nêu trên, ngày 5/5 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đến thăm và động viên cháu M.T.A. tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bà khẳng định Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ vụ việc và yêu cầu rà soát lại quy trình cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Bộ trưởng nhấn mạnh, mạng sống con người là vô giá, và chúng ta không thể để những lo lắng về viện phí trở thành rào cản trong việc cứu người.

Sự việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định không chỉ là một vụ việc cá biệt mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh cho ngành y tế về việc đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân. Đồng thời, cần phải thắt chặt các quy trình cấp cứu và xử lý tài chính một cách hợp lý. Làm sao để mỗi bệnh nhân được cứu chữa kịp thời mà không phải lo lắng về chi phí, đó là câu hỏi mà ngành y tế cần giải quyết một cách triệt để.

Vụ việc này là bài học đắt giá cho ngành y tế Việt Nam, nhắc nhở mỗi nhân viên y tế về trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp. Trong mọi tình huống cấp cứu, tính mạng con người phải được đặt lên hàng đầu.

Các bệnh viện và cơ sở y tế cần rà soát lại quy trình cấp cứu để đảm bảo không có trường hợp nào phải đối mặt với yêu cầu thanh toán viện phí khi tính mạng đang nguy cấp. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân mà còn củng cố niềm tin của người dân vào ngành y tế, vốn đã không ngừng nỗ lực trong công tác cứu chữa và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Sự việc này đã làm dấy lên một câu hỏi quan trọng: Liệu có thể chấp nhận việc yêu cầu bệnh nhân hoặc người nhà thanh toán viện phí trước khi cứu chữa, đặc biệt trong các tình huống cấp cứu khẩn cấp?

Ngành Y tế đã có một nguyên tắc bất di bất dịch: Cứu người trước, thủ tục sau. Đây là giá trị đạo đức cốt lõi trong y học, đặc biệt là trong công tác cấp cứu, nơi tính mạng con người không thể bị trì hoãn vì bất kỳ lý do nào, bao gồm cả vấn đề tài chính.

Tuy nhiên, thực tế tại nhiều cơ sở y tế hiện nay, việc yêu cầu tạm ứng viện phí trước khi cấp cứu vẫn diễn ra, dù điều này trái với quy định pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

Trong các tình huống khẩn cấp, việc yêu cầu thanh toán viện phí không chỉ tạo ra mâu thuẫn giữa việc cứu chữa và thủ tục tài chính, mà còn gây đau lòng cho người bệnh và gia đình họ, những người đang phải đối mặt với nỗi sợ hãi về tính mạng của người thân.

Bác sỹ Quan Thế Dân, công tác tại một cơ sở y tế tư nhân chia sẻ, không ít lần chúng tôi phải đối mặt với tình huống khó xử, khi bệnh nhân được đưa vào trong tình trạng nguy cấp nhưng lại thiếu giấy tờ, bảo hiểm y tế hoặc không có đủ tiền.

Điều này khiến bác sỹ không thể tiến hành điều trị ngay lập tức mà phải yêu cầu người nhà thanh toán viện phí. Đây là một mâu thuẫn lớn giữa trách nhiệm cứu người và quy trình thanh toán.

Để khắc phục tình trạng này, một chuyên gia trong lĩnh vực cấp cứu, đề xuất một giải pháp thiết thực là cần có một quỹ thanh toán cấp cứu. Khi người bệnh trong tình trạng nguy cấp, nhân viên y tế chỉ cần tập trung vào việc cứu chữa mà không phải lo nghĩ về các thủ tục tài chính. Sau khi bệnh nhân qua khỏi tình huống nguy hiểm, quỹ này sẽ tiếp nhận hồ sơ và thanh toán chi phí điều trị cho bệnh viện.

Giải pháp này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho bệnh nhân và gia đình mà còn giúp các nhân viên y tế tập trung vào nhiệm vụ cứu chữa, giảm thiểu những sự cố đáng tiếc liên quan đến việc xử lý viện phí trong các tình huống cấp cứu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư