Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 05 tháng 11 năm 2024,
Sóc Trăng phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung thu hút đầu tư
Hoàng Nghị - 24/11/2021 11:04
 
Tỉnh Sóc Trăng có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, năng lượng tái tạo và du lịch…
Trung tâm thành phố Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở cuối sông Hậu với vị trị địa lý thuận lợi, gần TP.Cần Thơ - trung tâm kinh tế của Vùng (cách 60 km đường bộ theo Quốc lộ 1). Phía Bắc và Tây - Bắc giáp tỉnh Hậu Giang, phía Tây - Nam giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Đông - Bắc giáp tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, phía Đông và Đông - Nam giáp biển Đông.

Với dân số gần 1,2 triệu người, Sóc Trăng có nguồn lao động dồi dào, trong đó lực lượng lao động là 641.910 người (qua đào tạo là 60,38%, qua đào tạo nghề 55%), diện tích tự nhiên là 3.311,87 km2, xấp xỉ 1% diện tích của cả nước và 8,3% diện tích của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Sóc Trăng có mạng lưới giao thông bao phủ toàn tỉnh với các tuyến đường bộ dài khoảng 7.356 km gồm 5 tuyến Quốc lộ đi qua với chiều dài 261 km và 17 tuyến đường tỉnh dài 425 km; đường đô thị, đường huyện, đường xã dài trên 6.670 km và 2.980 km tuyến đường thủy nội địa, cảng, bến trên địa bàn tỉnh được bố trí đều khắp tại các huyện, thị xã, thành phố.

Với diện tích đất nông nghiệp hơn 280.284 ha, trong đó đất trồng lúa chiếm 149.162 ha, đất nuôi trồng thủy sản chiếm 56.747 ha và đất trồng cây lâu năm chiếm 44.283 ha, Sóc Trăng được xem là một trong những tỉnh cung cấp sản lượng lương thực quan trọng của cả nước, nơi có sản phẩm xuất khẩu dồi dào và đa dạng, đặc biệt là gạo, thủy sản và nông sản thực phẩm chế biến.

Ngoài ra, với chiều dài bờ biển hơn 72 km, tốc độ gió trung bình là 6 - 6,4 mét/giây và số giờ nắng trung bình năm là khoảng 2.500 giờ, bức xạ năng lượng mặt trời khoảng 4,8 – 5 kWh/m2/ngày, Sóc Trăng không chỉ có lợi thế về nông nghiệp mà còn có điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,…), kinh tế biển, gồm: cảng biển, dịch vụ vận tải biển, du lịch,…

Khu công nghiệp An Nghiệp, tỉnh Sóc Trăng có tỷ lệ lấp đầy trên 90% diện tích đất công nghiệp
Khu công nghiệp An Nghiệp, tỉnh Sóc Trăng có tỷ lệ lấp đầy trên 90% diện tích đất công nghiệp

Phát huy những lợi thế sẵn có, cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, Sóc Trăng đang tập trung các nguồn lực thu hút đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, phát triển khu cụm công nghiệp, phát triển kinh tế biển và năng lượng tái tạo nhằm thực hiện 1 trong 3 nhiệm vụ đột phát theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIV của Tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: “Tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi trọng điểm; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư năng lượng, cảng biển, khu logistics, khu, cụm công nghiệp, các đô thị, hạ tầng du lịch, hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế số”. Cụ thể:

Về nông nghiệp công nghệ cao, Sóc Trăng đang kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao (Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao, Sản xuất tôm giống chất lượng cao, Sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp du lịch sinh thái). Theo đó, Sóc Trăng sẽ tiếp tục phát huy cao nhất lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn lực kinh tế - xã hội của từng vùng sinh thái để ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn có dải cù lao chạy dài ra tận cửa biển, là điều kiện lý tưởng để canh tác các loại cây ăn trái nhiệt đới, cùng với đó là tiềm năng phát triển các dự án công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.

Về phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp, theo quy hoạch, tỉnh Sóc Trăng có 5 KCN với tổng diện tích 1.106,38 ha, gồm: KCN An Nghiệp diện tích 243,38 ha, KCN Trần Đề 160 ha, KCN Đại Ngãi 200 ha, KCN Sông Hậu 286 ha và KCN Mỹ Thanh 217 ha (trong đó, KCN An Nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 90% và KCN Trần Đề đang triển khai xây dựng hạ tầng); 19 cụm công nghiệp với diện tích 769 ha và đã phê duyệt quy hoạch chi tiết đối với 9 cụm công nghiệp để làm cơ sở kêu gọi các dự án đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp, tạo tiền đề phát triển công nghiệp. Hiện nay, có 4 cụm công nghiệp đang đầu tư xây dựng hạ tầng (Ngã Năm, Xây Đá B, An Lạc Thôn 1, An Lạc Thôn 2).

Về kinh tế biển, Cảng biển Sóc Trăng được Chính phủ đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng phát triển thành cảng biển đặc biệt. Theo quy hoạch, Bến cảng Trần Đề - một trong bốn bến cảng của Cảng biển Sóc Trăng với chức năng là đầu mối để phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp địa phương và vận chuyển hàng hóa, hành khách tuyến bờ ra đảo, sẽ đảm nhận vai trò là cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp cho vùng và quốc tế. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển kinh tế biển, trong đó ưu tiên kêu gọi đầu tư dịch vụ hậu cần cảng biển (logistic), khu kinh tế biển gắn với du lịch biển.

Về năng lượng tái tạo, đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 16 dự án điện gió với tổng công suất 1.095,2 MW và ba dự án đang hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp chủ trương đầu tư.

Thời gian tới, tỉnh sẽ bổ sung quy hoạch các dự án năng lượng nhằm phát huy, lợi thế tiềm năng năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh như: điện gió tổng công suất 12.849 MW, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời tổng công suất 7.956 MW, điện sinh khối tổng công suất 125 MW, điện rác 15 MW, điện khí sinh học 15,17 MW.

Về du lịch, với bờ biển dài 72 km cùng những bãi biển hoang sơ, xinh đẹp như: Hồ Bể, Mỏ Ó, những dãy cù lao vườn cây ăn trái sum suê dài hơn 60 km trên dòng sông Hậu, hệ thống sông ngòi chằng chịt và đặc biệt là nền văn hóa đặc sắc giao thoa của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, là xứ sở của văn hóa lễ hội và đền chùa với kiến trúc độc đáo, cùng với vị trí chỉ cách Côn Đảo 83 km, chỉ mất 1 giờ 45 phút di chuyển bằng cao tốc... Đây là những điều kiện rất thuận lợi để đầu tư phát triển các loại hình du lịch như: Phát triển du lịch sinh thái, kết hợp phát triển điện gió, du lịch biển; phát triển các loại hình du lịch văn hóa lễ hội, du lịch cộng đồng gắn với sinh thái nghỉ dưỡng; phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn ven biển và du lịch sinh thải đảo khỉ tại An Thạnh Nam, Cù Lao Dung…

Với những lợi thế trên cùng với quyết tâm của lãnh đạo Tỉnh luôn cam kết đồng hành, hỗ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đăng ký và triển khai thực hiện dự án đầu tư tại tỉnh thông qua việc triển khai nhiều giải pháp linh hoạt như: tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ nút thắt trong sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển và nhà đầu tư vững tin trong việc thực hiện đầu tư tại tỉnh, Sóc Trăng tin tưởng rằng sẽ thu hút nhiều dự án lớn, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Đề nghị bổ sung các công trình kết nối với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
UBND TP. Cần Thơ đề nghị bổ sung phương án xây dựng 5 nút giao kết nối với đường cao tốc, xây dựng đường gom hai bên dọc theo toàn tuyến cao tốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư