Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Sớm hiện thực hóa khát vọng Tây Nguyên
Linh Đan - 02/02/2022 08:43
 
Câu chuyện liên kết, hợp tác cùng phát triển ở Tây Nguyên sẽ không khó nếu các địa phương tìm được lời giải cho bài toán đồng thuận, chung tay hiện thực hóa khát vọng Tây Nguyên.
Khu du lịch hồ Tà Đùng (Đắk Nông) hứa hẹn là điểm đến ấn tượng về du lịch trong thời gian tới
Khu du lịch hồ Tà Đùng (Đắk Nông) hứa hẹn là điểm đến ấn tượng về du lịch trong thời gian tới

Bài toán Liên kết

Nhân vật chính của cuốn sách nổi tiếng “Chuyện thật như đùa” (nhà thơ Trần Ngọc Trác chắp bút) - ông Nguyễn Đức Phúc, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lâm Đồng là người gắn với từng nhịp thở của du lịch Đà Lạt nói riêng và vùng đất Tây Nguyên nói chung đã nhận định, vùng đất Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Đó là các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, các điểm đến độc đáo, nhất là hệ sinh thái đa dạng, nên cần có định hướng   phát triển và khai thác phù hợp

Chẳng hạn như Đà Lạt, những cánh rừng thông hàng trăm năm tuổi cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt và chỉ nên làm du lịch sinh thái dưới tán rừng. Hay ở Đắk Lắk, thì Buôn Đôn, hồ Lắk… là những điểm đến hấp dẫn, cần phải bảo tồn và phát huy giá trị bản địa.

Trong ký ức của ông Phúc, câu chuyện liên kết các tỉnh Tây Nguyên để cùng phát triển đã được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, nhưng trên thực tế, vẫn “mạnh ai nấy làm”.

Cần thay đổi quan điểm và nhận thức về lợi thế và khai thác các lĩnh vực lợi thế của Tây Nguyên; hình thành cơ chế đặc thù cho vùng Tây Nguyên để khai thác hiệu quả mọi tiềm năng.

Theo ông Phúc, từ nhiều năm trước, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) từng xướng lên một chương trình mang tên “Con đường xanh Tây Nguyên”. Dự án được hoạch định sẽ kết nối các điểm du lịch nổi tiếng của Tây Nguyên thành một sản phẩm du lịch độc đáo, một tour du lịch sinh thái thu hút những du khách yêu thiên nhiên, thích khám phá và mạo hiểm.

Nếu đi từ miền Trung, “Con đường xanh Tây Nguyên” có thể bắt đầu từ Đà Nẵng, qua Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và kết thúc ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Còn nếu đi từ các tỉnh phía Nam, điểm bắt đầu sẽ là TP.HCM và theo tuyến ngược lại.

Nhưng rồi nhiều năm sau đó, theo đánh giá của ông Phúc, mọi thứ vẫn không có gì mới, vẫn là mạnh ai nấy làm. Những liên kết đã đặt ra và kỳ vọng vẫn cứ… đứt gãy. Mượn hình ảnh chiếc đòn gánh, ông Phúc ví von: “Vấn đề ở đây là chiếc đòn gánh đã bị gãy rồi, nếu bó lại thì dùng tạm, nhưng thiếu độ vững chắc”.

Anh Trần Hữu Long, một người dân từng sống nhiều năm ở các tỉnh Tây Nguyên thì nhận xét: “Nhiều địa phương ở Tây Nguyên tự nhận mình là thủ phủ cà phê, nhưng đâu là thủ phủ thực sự thì không ai trả lời được. Điều đó cho thấy, họ chủ yếu dựa trên sự vận động của riêng mình để phát triển, chứ chưa tìm được tiếng nói chung trong câu chuyện liên kết cùng phát triển. Lấy ví dụ TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), cả năm chỉ lèo tèo vài vị khách Tây ghé thăm, thì chưa thể gọi là liên kết làm du lịch. Còn điểm đến hồ Tà Đùng, huyện Đắk Glong (Đắk Nông), dù được ví như “vịnh Hạ Long của Tây Nguyên” nhưng đường sá đi lại trắc trở...”.

Uu tiên phát triển Giao thông

Du khách đến Tây Nguyên vì vùng đất này như viên ngọc xanh giữa đại ngàn hùng vĩ. Họ đến để tìm kiếm sự yên tĩnh, hòa mình vào không khí mát lành của đất trời, hơn là sử dụng các tiện ích “sang chảnh” của thị thành xa hoa. Vì thế, việc liên kết phát triển sản phẩm đặc thù và du lịch kết nối cần phải hài hòa giữa bản sắc vốn có và đương đại của hình ảnh điểm đến.

Giao thông vẫn là nền móng đầu tiên cho mọi sự kết nối. Năm 2021, tại Gia Lai, 3 gói thầu sử dụng vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), thuộc Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên

đã được triển khai, gồm: gói thầu XL-05, thi công xây dựng đoạn Km180+000 - Km200+000, đi qua địa bàn TP. Pleiku và huyện Chư Prông; gói thầu XL-06, thi công

xây dựng đoạn Km200+000 - Km222+000, đi qua địa bàn huyện Chư Prông và huyện Đức Cơ; gói thầu XL-07, thi công xây dựng đoạn Km222+000 - Km241+000 trên địa bàn huyện Đức Cơ đang từng bước tạo thuận lợi cho đi lại, giao thương.

Tại Lâm Đồng, nhiều khu vực đô thị được đầu tư chỉnh trang, nâng cấp như Đà Lạt và các đô thị dọc tuyến Quốc lộ 20; các khu đô thị và khu dân cư trên địa bàn huyện Đức Trọng và TP. Đà Lạt, đặc biệt là các công trình trọng điểm như đường Quốc lộ 27, 28B (Lương Sơn - Đại Ninh), đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương cũng đang được khẩn trương triển khai.

Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đi vào hoạt động sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, kết nối hệ thống giao thông giữa miền Đông Nam bộ và các tỉnh Tây Nguyên. Riêng đoạn Tân Phú - Bảo Lộc sẽ giảm áp lực cho Quốc lộ 20 và đèo Bảo Lộc - nơi thường xuyên sạt lở, kẹt xe và tai nạn giao thông.

Đáng chú ý, Chương trình Tây Nguyên 2016 - 2020 về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế, do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, triển khai thực hiện từ cuối năm 2016 là một chương trình nghiên cứu tổng thể các lĩnh vực về khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và khoa học xã hội...

Chương trình này đã đưa ra một số kiến nghị chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế, như cần thay đổi quan điểm và nhận thức về lợi thế và khai thác

các lĩnh vực lợi thế của Tây Nguyên; hình thành cơ chế đặc thù cho vùng Tây Nguyên để khai thác hiệu quả các lợi thế; rà soát các loại quy hoạch sẵn có trên cơ sở khai thác lợi thế đặc thù toàn vùng Tây Nguyên và đảm bảo tốt về an ninh, quốc phòng; đánh giá lại các chính sách xã hội, dân tộc, tôn giáo, an ninh của vùng Tây Nguyên trong khai thác các lợi thế đặc thù; có cơ chế thúc đẩy khuyến khích đổi mới sáng tạo và các hoạt động khởi nghiệp nhằm tạo ra các tài sản trí tuệ mới…

Theo TS. Vũ Tuấn Hưng, chủ nhiệm đề tài về bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên, cần khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, hộ gia đình trong việc khai thác và phát huy chuỗi giá trị các tài sản trí tuệ địa phương.

Với thế mạnh và tiềm năng của Tây Nguyên, doanh nghiệp có thể khai thác các nguồn tài sản như chỉ dẫn địa lý, thương hiệu của cây cà phê, hoặc sản phẩm du lịch gắn với địa hình, văn hóa đặc trưng của vùng.

Việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp địa phương hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khai thác và bảo tồn các giá trị tài sản đặc trưng của Tây Nguyên sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, qua đó duy trì, bảo tồn và phát huy các giá trị tài sản trí tuệ, văn hóa.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương từng chia sẻ, việc phát triển kinh tế của vùng Tây Nguyên vẫn chủ yếu dựa trên nền tảng nông nghiệp, quy mô còn nhỏ và đặc trưng phụ thuộc vào tự nhiên, ít chuỗi sản xuất có giá trị gia tăng cao, thiếu lao động lành nghề, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, rủi ro cao, chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Công nghiệp, dịch vụ chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng. Liên kết thị trường nội vùng, với các khu vực (Bắc Trung bộ, duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ) và quốc tế còn hạn chế bởi nhiều nguyên nhân, trong đó rõ nét nhất là việc kết nối hạ tầng yếu kém, chưa đồng bộ.

Tại Dự thảo Định hướng sắp xếp phân bổ không gian vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phát triển vùng Tây Nguyên trở thành vùng dẫn đầu của cả nước về chuyển đổi kinh tế - xã hội theo hướng sinh thái; phát triển không gian kết nối nhanh với các trung tâm kinh tế trong nước và khu vực...

Trong đó, về hạ tầng giao thông, cần tập trung ưu tiên nâng cấp và mở rộng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ huyết mạch; nâng cấp các sân bay đạt tiêu chuẩn có chuyến bay quốc tế. Ngoài ra, cần phát triển cao tốc nối Tây Nguyên với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Nam Trung bộ; hình thành trung tâm đầu mối đa phương thức, logistics hiện đại.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông kết nối là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển Tây Nguyên. Tuy nhiên, kết nối nội vùng vẫn còn là bài toán nan giải liên quan đến nguồn lực, quy hoạch, phân công trách nhiệm giữa Trung ương - địa phương trong phát triển hạ tầng vùng.

Người dân các tỉnh Tây Nguyên mong muốn, khát vọng Tây Nguyên cần sớm được hiện thực hóa, chứ đừng để khát vọng mãi chỉ là khát vọng.

FLC Gia Lai - tâm điểm kết nối Tây Nguyên
FLC Gia Lai tọa lạc trên trục giao thông huyết mạch cửa ngõ Bắc Tây Nguyên toả đi các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, được định vị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư