Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Sớm sửa thuế đối với cho thuê nhà và thương mại điện tử
Hàn Tín - 08/09/2021 13:56
 
Mặc dù Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế mới có hiệu lực từ ngày 1/8/2021, nhưng Bộ Tài chính đã rà soát lại để sửa đổi.
Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có những điểm không phù hợp với thực tế.

Ngưỡng chịu thuế 100 triệu đồng quá lạc hậu

Ngay sau khi Thông tư 40/2021/TT-BTC (Thông tư 40) được ban hành, nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và người dân đã phản ứng về quy định liên quan đến ngưỡng chịu thuế đối với hoạt động cho thuê tài sản (nhà, căn hộ, mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng, kho bãi) và quản lý thuế đối với thương mại điện tử (TMĐT).

Cụ thể, theo quy định của Thông tư 40, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế giá trị gia tăng 5% và thuế thu nhập cá nhân 5% tính trên doanh thu. Doanh nghiệp chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có nghĩa vụ khai thuế, nộp thuế thay cá nhân.

Ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin (Bộ Công thương) cho rằng, ngưỡng tính thuế cá nhân có tài sản cho thuê từ 100 triệu đồng/năm trở lên đã quá lạc hậu.

“Ngưỡng chịu thuế này được áp dụng từ năm 2015, đến nay giá cả hàng hóa, dịch vụ đều cao hơn rất nhiều so với 6 năm trước, đặc biệt là giá cho thuê tài sản mà vẫn giữ nguyên mức chịu thuế là không phù hợp với thực tiễn”, ông Phương nhận định.

Theo phân tích của ông Phương, với ngưỡng chịu thuế từ 100 triệu đồng/năm, tính ra chỉ có 8,33 triệu đồng/tháng đã phải nộp thuế là không công bằng, vì kể từ năm 2020, ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công đã nâng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, ngưỡng chịu thuế đối với người có tài sản cho thuê như quy định ở Thông tư 40 không chỉ lạc hậu, không công bằng, mà còn bất hợp lý. Bởi nhiều người sau rất nhiều năm tích cóp, nhờ sự giúp đỡ của gia đình, đi vay mượn thêm mua được nơi ở mới rộng rãi hơn, nơi ở cũ thừa ra cho thuê trên 8,33 triệu đồng/tháng đã phải nộp thuế là không hợp lý. Ngoài ra, nhiều người có nhà mặt phố nhưng không biết kinh doanh, buôn bán nên cho thuê và đi thuê lại chỗ khác để ở, trừ đi trừ lại, “thu nhập ròng” chỉ khoảng 6-8 triệu đồng mỗi tháng đã phải nộp thuế và người cho họ thuê nhà cũng phải nộp thuế là bất hợp lý.

“Nên thiết kế chính sách, người chỉ có một nhà cho thuê thì áp mức thuế thấp, còn người có 2-3 nhà cho thuê trở lên áp mức thuế cao hơn vì đây là trường hợp kinh doanh nhà ở. Ngoài ra, cần đánh thuế thật nặng và đánh luỹ tiến theo thời gian đối với bất động sản bỏ không để bảo đảm người có bất động sản phải đưa tài sản vào khai thác, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đây cũng là giải pháp để giảm tình trạng đầu cơ, trục lợi, giam đất, om nhà, tạo khan hiếm giả tạo”, ông Phú đề xuất.

Thu thuế qua sàn thực hiện theo lộ trình

Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, ý tưởng quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT nhằm chống thất thu ngân sách là phù hợp với thực tế. Nhưng quy định chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có nghĩa vụ khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn là chưa ổn.

“Bản thân doanh nghiệp là chủ sàn TMĐT không thể nắm được doanh thu của người bán hàng trên nền tảng của họ, nếu làm được thì họ phải đầu tư rất lớn cho bộ máy kế toán để kiểm soát sẽ khiến tăng chi phí. Quản lý thuế là nhiệm vụ của cơ quan thuế, sàn TMĐT chỉ chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá, dịch vụ đi kèm bán hàng của người bán hàng trên nền tảng số, chứ chủ sàn không thể thay mặt cơ quan thuế để quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh trên sàn”, ông Phú phát biểu.

Trong khi đó, ông Lê Quốc Phương lại ủng hộ quy định trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thay cho người kinh doanh trên mạng đối với chủ sàn TMĐT. Bởi theo ông Phương, hoạt động TMĐT ở Việt Nam phát triển thuộc hàng cao nhất thế giới (tốc độ tăng trưởng bình quân 25-30%/năm) với doanh thu nhiều tỷ USD mỗi năm, nhưng thu ngân sách từ hoạt động này không đáng kể.

“Khi Covid-19 xảy ra, trái với tuyệt đại đa số hoạt động sản xuất, kinh doanh khác, TMĐT lại có bước tăng trưởng đột phá vì thực hiện giãn cách xã hội, người dân đã lựa chọn mua hàng hóa, dịch vụ trên mạng. Cần thiết phải có cơ chế quản lý chặt chẽ hoạt động này nhằm tránh thất thu ngân sách”, ông Phương nhấn mạnh.

Giao trách nhiệm cho chủ sàn TMĐT khai thuế, nộp thuế thay cho người kinh doanh trên mạng là hoạt động quản lý thuế hoàn toàn mới, vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh (Tổng cục Thuế), sẽ thực hiện theo lộ trình. Trong thời gian chưa thực hiện được việc khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân, chủ sở hữu sàn TMĐT chỉ có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân theo yêu cầu của cơ quan thuế như họ tên; số định danh cá nhân, căn cước công dân; mã số thuế; địa chỉ; email; số điện thoại liên lạc; hàng hóa, dịch vụ cung cấp; doanh thu kinh doanh; tài khoản ngân hàng của người bán; thông tin khác liên quan.

Sàn thương mại điện tử loay hoay với quy định nộp thuế hộ
Từ ngày 1/8/2021, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo, Tiki… sẽ phải kê khai hộ, nộp thuế thay cho người bán hàng online.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư